Giữ lửa cho sân khấu cải lương

Thứ Sáu, 05/07/2024 | 15:42

Tại Cuộc thi Tài năng diễn viên cải lương toàn quốc năm 2023 tổ chức ở Bạc Liêu, Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Ca Lê Hồng khẳng định rằng: “Niềm tin và tình yêu đối với sân khấu cải lương (SKCL) không bao giờ tắt”! Tình yêu đó không chỉ tồn tại ở lớp nghệ sĩ đang giữ lửa cho cải lương mà còn ở phía khán giả. Thế nhưng, có lắm trăn trở mỗi khi bàn đến sức sống của loại hình nghệ thuật này giữa thời đương đại.

Nghệ sĩ Hồng Nhiên (Nhà hát Cao Văn Lầu) trong trích đoạn “Nước mắt thần phi” tại Cuộc thi Tài năng diễn viên cải lương toàn quốc năm 2023.

Xã hội hóa giữ chân khán giả

Sân khấu ngoài trời tọa lạc ở số 141 Bắc Hải, phường 14, Quận 10 (TP. Hồ Chí Minh) có sức chứa khoảng 100 khán giả. Thế nhưng, ngoài những ghế ngồi cố định, khán giả phải ngồi “ghế súp” (ghế chen giữa những hàng cố định), thậm chí ngồi bệt dưới sân để xem đoàn Lô tô “Sài Gòn tân thời” biểu diễn hằng đêm. Đa số đến đây là để giải trí qua những tấm vé lô tô, nhưng cũng không ít khán giả đến để thưởng thức nghệ thuật cải lương!

Hôm ấy, tôi tình cờ xem được Chuông vàng vọng cổ Võ Ngọc Huyền và Chuông bạc Nguyễn Văn Khởi song ca bản vọng cổ “Bánh bông lan”. Khán giả đã dành tặng những tràng pháo tay thật dài! Rồi một trích đoạn sau đó là “Nàng Xê đa” cũng đầy sức hấp dẫn đối với khán giả Sài thành. Chị Vân, một khán giả chia sẻ: “Tôi thường đến đây để xem cải lương, không gian thoải mái mà đoàn cũng thường xuyên chọn những tuồng tích hay để phục vụ người xem, quan trọng là không phải tốn phí để xem. Người nào mua vé thì chơi lô tô, ai không chơi thì cứ ngồi thưởng thức cải lương thôi”.

Đó cũng là cách xã hội hóa để cải lương được sống và đáp ứng tình yêu nghệ thuật của nhiều khán giả đương đại. Kề bên sân khấu của “Sài Gòn tân thời” cũng là một sân chơi âm nhạc ngoài trời. Một bên là nghệ thuật truyền thống, bên kia toàn những bài nhạc với tiết tấu sôi động, thế nhưng theo quan sát của tôi, khá đông khán giả của sân khấu nhạc lại hướng ghế ngồi sang phía đoàn “Sài Gòn tân thời” để xem cải lương!

Tìm hướng đi để giữ lửa cho SKCL là chuyện đáng quan tâm khi niềm đam mê cải lương chưa bao giờ nguội! Trong một hội thảo bàn về cải lương ở thời hiện tại, Tiến sĩ Lê Hồng Phước (giảng viên Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh), cũng là người có tình yêu sâu đậm với cải lương nhận định rằng: “Cải lương là bản sắc của dân tộc, không có bản sắc thì dân tộc bị xóa mờ. Khi ra nước ngoài sống, người ta mới thấy rõ tầm quan trọng của bản sắc này, và mới thèm nghe cải lương vô cùng, mới trân trọng cải lương nhiều hơn”. Đó là góc nhìn của người đi nhiều nơi nên nhận diện rõ giá trị của cải lương nói riêng, nhiều loại hình nghệ thuật dân tộc nói chung khi những “viên ngọc quý” này “xuất ngoại” và tỏa sáng!

Bên cạnh những vở kinh điển thì sân khấu cải lương thời hiện tại rất cần kịch bản mới, mang hơi thở thời đại. Trong ảnh: Vở cải lương “Cánh chim trắng trong đêm” do các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Cao Văn Lầu biểu diễn. Ảnh: C.T

Cộng đồng trách nhiệm

Để giữ lửa cho cải lương, rất cần ngồi lại với nhau nhiều hơn ở những hội thảo, tọa đàm nhằm tìm hướng mở cho cải lương, để tình yêu thầm lặng này được vẹn nguyên và bền bỉ trong lòng khán giả ở ngày sau!

Có ý kiến cho rằng, giải pháp quan trọng nhất bây giờ là quản lý, sau đó mới bàn đến nghệ sĩ và công chúng! Thật vậy, nhìn từ thực trạng cho thấy cần những nhà quản lý có tâm, có tài để đầu tư cho cải lương. Và dĩ nhiên, cũng cần có... tiền - là một cơ chế, chính sách đầu tư cho các nguồn lực của cải lương, chẳng hạn như miễn giảm thuế cho các đơn vị xã hội hóa, tạo nơi biểu diễn, đặt hàng tác phẩm, bảo hộ quyền tác giả... “Là một nghệ sĩ lâu năm trong nghề, tôi mang nhiều nỗi ưu tư, trăn trở cho thực trạng SKCL, nhất là đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên kế cận. Thay mặt các nghệ sĩ, diễn viên cải lương cả nước, tôi mong muốn và đề nghị với Bộ VH-TT&DL, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam trong thời gian tới tiếp tục quan tâm, đầu tư và có những chính sách thiết thực để hỗ trợ, đào tạo và bồi dưỡng lực lượng nghệ sĩ, diễn viên cho SKCL, có chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho các tác giả, đạo diễn có thêm động lực làm mới các tác phẩm của mình”, là những gửi gắm của NSƯT Ca Lê Hồng.

Làm cách nào để cải lương tiếp cận giới trẻ? Có lần, khi trực tiếp xem NSƯT Lê Trung Thảo (Nhà hát Trần Hữu Trang) vào vai Lý Huệ Tông trong trích đoạn “Dấu ấn giao thời”, nhiều khán giả ở Bạc Liêu đã thán phục trước tài ca diễn của tên tuổi này. Cách anh nhập vai, từng ánh mắt, động thái đã thật sự thuyết phục những khán giả trẻ tuổi. Sự đam mê kết hợp từ trái tim đến trí óc, cháy hết mình để thể hiện khả năng và sự sáng tạo của nghệ sĩ, chạm đến sự thăng hoa, xuất thần với vai... cộng tất thảy đã làm nên sự thành công! Có thể, với cách diễn như thế thì cải lương sẽ giữ chân được khán giả, kể cả những người trẻ đang có lắm chọn lựa hình thức giải trí cho mình.

Giữ lửa cho SKCL nếu bàn cho tới thì còn đầy những câu chuyện đòi hỏi giải pháp khả thi. Trong đó đòi hỏi trách nhiệm của ngành quản lý, vai trò của tác giả kịch bản, kể cả đội ngũ soạn giả để cải lương có thêm bài bản mới, phù hợp với thời đại, và ngôn ngữ gần gũi hơn với công chúng đương đại.

Tình yêu dành cho cải lương trong lòng người nghệ sĩ và trong tim khán giả mộ điệu vẫn âm ỉ cháy. Vấn đề còn lại là tầm nhìn, giải pháp khả thi cho sự trường tồn này.

Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.