Hình tượng Bác Hồ trong tác phẩm văn học - nghệ thuật

Thứ Tư, 17/05/2017 | 16:45

Vị Cha già kính yêu của dân tộc từ lâu đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho âm nhạc, thơ phú. Tấm lòng bao la của Người đã chạm tới bao triệu trái tim, nên những tác phẩm văn học - nghệ thuật viết về Bác Hồ luôn rung lên một thứ tình cảm rất lạ!

Nguồn cảm hứng sáng tác của những tác giả chuyên…
Trong các loại hình văn học - nghệ thuật, hình tượng Bác Hồ lung linh một vẻ đẹp rạng ngời. Vẻ đẹp đó ánh lên từ cốt cách cao cả, đẹp từ trong tâm hồn con người vĩ đại chưa một ngày nghĩ đến lợi ích riêng tư. Là người con quê Bác (tỉnh Nghệ An), tác giả Hoàng Bích Hà luôn “cảm” trước chân dung vĩ đại ấy, nên đã không thể nhớ nổi mình đã sáng tác bao nhiêu bài thơ về Bác Hồ. Và Hoàng Bích Hà đã trở thành một cộng tác viên đắc lực, có nhiều thơ viết về Bác nhiều nhất được đăng trên Tạp chí Văn nghệ Bạc Liêu (TCVN). Tác giả Hoàng Bích Hà chia sẻ: “Tôi luôn mải mê sáng tác thơ về người mà tôi kính yêu nhất. Tôi viết bất cứ khi nào tôi có cảm xúc, từ những mẩu chuyện nhỏ nhất, từ những việc làm bình thường nhất cũng trở thành bài học lớn để tôi chuyển tải vào thơ ca”. Một trong những bài thơ mà tác giả tâm đắc nhất được đăng trên TCVN Bạc Liêu là “Bác với dân”: “Cả cuộc đời Bác luôn nghĩ về dân/ Dân được gì, cái gì dân chưa được/ Bác đặt lợi ích của nhân dân lên trước/ Việc riêng tư Người để lại sau cùng”. 
Là người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, tác giả Vưu Long Vĩ cũng đã góp tên mình trong các giải thưởng viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bài thơ “Nhường” đem về cho Vưu Long Vĩ giải Nhất trong cuộc thi sáng tác hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. “Nhường hết cuộc đời vì hạnh phúc toàn dân/ Tài sản Bác chỉ đôi bàn tay trắng/ Sống giản dị bằng tình thương sâu lắng/ Chan chứa yêu thương hiểu hết mọi kiếp người”.
“Mỗi người có tình cảm khác nhau dành cho Bác Hồ. Riêng tôi thì dành cho Bác sự ngưỡng mộ vô bờ bến. Mỗi lần đến viếng Bác tại Đền thờ, đều đọng lại trong tôi tình cảm rất lạ nên tôi đã sáng tác nhiều bản vọng cổ về Người. Nhiều tác phẩm của tôi được đăng trên TCVN Bạc Liêu”, tác giả Trần Nam Hồng (hội viên Chi hội VH-NT huyện Đông Hải) thổ lộ. Vào ngày sinh nhật Bác (19/5) năm nay, tác giả này dự định sẽ trình làng bản vọng cổ mới “Về dâng hương Bác”.

… Và cả không chuyên
Hồ Chủ tịch còn trở thành cảm hứng sáng tác của cả những tác giả không chuyên. Ở Công an tỉnh, nhiều đồng chí viết bài ca cổ về Người bằng cảm xúc nghệ thuật, niềm đam mê và lòng tôn kính. Điển hình như Thượng tá Phan Thanh Bình, Phó giám thị Trại tạm giam. Năm 2009, qua học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, ông đã viết bản vọng cổ “Nhớ lời Bác dạy” với những ca từ chứa chan cảm xúc: “Từ đất Bạc Liêu xa xôi con về thủ đô viếng Bác. Miền Nam đi trước về sau với muôn ngàn gian khổ, vì đến chậm chân nên Bác đã đi rồi…”. Tác giả chia sẻ: “Bác Hồ dạy Công an nhân dân 6 điều, cán bộ, chiến sĩ ai cũng thuộc lòng. Dựa vào những điều Bác dạy, tôi viết thành bài ca”. Hai năm sau, bản vọng cổ này được trao giải Nhì khu vực ĐBSCL tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Châu Thới (huyện Vĩnh Lợi). Ngoài bài ca trên, Thượng tá Bình còn sáng tác nhiều bài khác về Bác Hồ. Năm 2012, ông viết bài “Rước Bác vào lăng”. Bác mất năm 1969, lúc đó chưa xây lăng nên sau này có điều kiện con cháu “Xin rước Bác vào lăng để mọi người cùng thăm viếng, được đến bên Người lãnh tụ kính yêu”. Tìm hiểu cặn kẽ về tiểu sử, gia thế Bác Hồ, và đã ra quê Bác 2 lần, vào lăng viếng Người 4 lần nên người con quê Giá Rai này rất kính trọng lãnh tụ Hồ Chí Minh. Tình cảm ấy được chuyển tải vào từng câu từng chữ trong bài ca để vang xa đến nhiều người.

Một tiết mục văn nghệ hát về Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức tại Bạc Liêu. Ảnh: H.T

Còn Thượng úy Đinh Lục La, Phòng Hậu cần - Kỹ thuật (Công an tỉnh), sau chuyến tham quan di tích cách mạng Pắc Bó (tỉnh Cao Bằng) xúc động viết thành bản vọng cổ “Nhớ về Hà Nội”. Bài ca xoay quanh quá trình hoạt động của Bác ở Pắc Bó, “cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng”. Bản vọng cổ đã đoạt giải cao tại hội thi Tự biên, tự diễn lần thứ II do Công an tỉnh tổ chức. Ngoài ra, Thượng úy La còn sáng tác bài “Về quê mẹ” nói về cha của mình, thời chiến bảo vệ Đền thờ Bác ở xã Châu Thới (huyện Vĩnh Lợi), do điều kiện phải đi xa, 30 năm mới trở về viếng Người: “Châu Thới ơi, người là mảnh đất thiêng liêng, là mẹ hiền xứ sở, đã nuôi nấng, chở che cho bao thế hệ anh hùng. Về với quê hương tôi xúc động lạ thường, sau 30 năm làm thân xa xứ nay con mới trở lại quê hương, đứng bên cổng đền thờ nước mắt rưng rưng…”.
Trong lực lượng Công an tỉnh còn nhiều đồng chí sáng tác vọng cổ với hình tượng nhân vật trung tâm là Bác Hồ. Hầu hết những bài ca ấy được phổ biến rộng rãi trong và ngoài ngành, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ của cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người trong mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân. 
Dẫu thể hiện bằng hình thức nghệ thuật nào, thì những tác giả chuyên và không chuyên đều gặp nhau ở điểm chung duy nhất: sự yêu quý và lòng tôn kính sâu sắc dành cho vị Chủ tịch kính yêu của dân tộc Việt Nam. Để dù có đi muôn phương, thì những tác phẩm văn học - nghệ thuật vẫn lan truyền, từ đó hình ảnh vị Cha già của dân tộc vẫn sống mãi ngàn đời trong lòng những người con đất Việt!
Ngọc Trân - Nguyễn Quốc 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.