Học sử từ di tích

Thứ Sáu, 19/03/2021 | 15:12

Tổ chức cho học sinh tham quan di tích lịch sử tại địa phương để học sử - cách làm này hoàn toàn khả thi khi Bạc Liêu hiện đã có rất nhiều điểm đến đầy ý nghĩa để các em học và hiểu biết về lịch sử địa phương.

Đoàn viên, học sinh nghe thuyết minh về lịch sử hình thành Khu căn cứ Tỉnh ủy Bạc Liêu. Ảnh: H.T

“Check in” để học sử

“Đền thờ Bác Hồ ở đâu vậy mẹ?”, thằng bé học lớp 3 tan học về nhà liền hỏi mẹ câu ấy, khi trong một bài giảng ở lớp, cô giáo có nhắc đến Đền thờ Bác Hồ! Tôi giật mình, nhiều danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử ở một số tỉnh, thành phố, thằng bé từng tham quan, vậy mà ngay tại Bạc Liêu, thằng bé lại chưa từng đến để biết Đền thờ Bác Hồ là một công trình mang giá trị lịch sử quý giá mà các cháu cần nên biết, ngay ở lứa tuổi học sinh tiểu học.

Cùng với Đền thờ Bác Hồ được Nhân dân xã Châu Thới anh hùng (huyện Vĩnh Lợi) xây dựng, bảo vệ từ trong mưa bom bão đạn những năm tháng đất nước còn chiến tranh, rồi được trùng tu, tôn tạo mang diện mạo một công trình tầm vóc hôm nay (là một trong 9 điểm du lịch tiêu biểu Đồng bằng sông Cửu Long của tỉnh), Bạc Liêu còn rất nhiều di tích lịch sử mang tính giáo dục truyền thống, rất thiết thực để các em đến đó học Sử, tìm hiểu, thẩm thấu những trang sử hào hùng của dân tộc ngay trên quê hương mình. Đó là Di tích lịch sử Nọc Nạng (TX. Giá Rai) đã được cả nước biết đến như nơi lưu dấu sự kiện chấn động một thời - sự chiến đấu quật cường của gia đình anh em Mười Chức chính là đại diện cho ý chí đấu tranh của người nông dân khi chưa có tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Đó còn là di tích Nơi diễn ra sự kiện lịch sử Ninh Thạnh Lợi năm 1927 (sự kiện Chủ Chọt) tại xã Ninh Thạnh Lợi (huyện Hồng Dân) và di tích Nơi diễn ra sự kiện Trận Giồng Bốm năm 1946 tại xã Phong Thạnh Tây (TX. Giá Rai) - đây cũng là 2 di tích vừa được Sở VH-TT-TT&DL tham mưu cho UBND tỉnh trình Bộ VH-TT&DL bổ sung hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích quốc gia.

Đặc biệt, Khu căn cứ Tỉnh ủy (ấp Cây Cui, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân) vừa được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia đầu tiên của tỉnh Bạc Liêu chính là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho các em học sinh - với điều kiện các em phải được “mục sở thị”…

“Mục sở thị”- học và nhớ

Mục sở thị tại di tích, ngắm nhìn những hình ảnh, hiện vật, lắng nghe những câu chuyện lịch sử gắn liền với những nhân vật, di tích truyền lại; chắc chắn đó sẽ là ấn tượng được lưu giữ lại rất lâu trong tâm trí, để các em vừa được dung nạp kiến thức lịch sử, vừa thông qua đó học những bài học bổ ích cho bản thân về tinh thần yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc qua truyền thống cha anh để lại.

“Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”, Bác đã dạy người Việt Nam về tầm quan trọng của việc học và hiểu biết về lịch sử dân tộc bằng câu nói ấy. Ngày nay, không khó để bắt gặp hiện tượng các bạn trẻ thần tượng, nắm bắt rất rõ lý lịch những ngôi sao tầm quốc tế, thuộc làu những bản nhạc hit, say mê những bộ phim nước ngoài như một trào lưu…; mà đôi khi, được hỏi về lịch sử dân tộc, những nhân vật anh hùng dân tộc thì các em lại mơ hồ! Có lần, người viết bài xem chương trình “Ai là triệu phú”, khi được hỏi nhân vật nào đánh bại quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, thì người chơi lại phân vân rất lâu giữa 4 đáp án, rồi phải nhờ quyền trợ giúp mới ra được đáp án đúng là nhân vật Ngô Quyền!

Thiết nghĩ, bên cạnh các giờ học Lịch sử tại lớp, giáo viên nên sắp xếp những tiết học ngoại khóa bằng việc tổ chức các chuyến về nguồn để các em được đến tham quan các di tích lịch sử tại địa phương. Phụ huynh cũng nên tổ chức cho các con mình “dã ngoại” cuối tuần đến các địa chỉ này khi chưa có điều kiện và thời gian để tổ chức đi chơi xa… Học sử từ những chuyến đi thực tế như vậy luôn thiết thực để các em dễ tiếp thu và tự rút ra được bài học ngay từ chính những gì mình cảm nhận.

Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.