Văn hóa - Nghệ thuật
Khởi động chương trình “Giọng ca nhí - Hò xự xang xê cống”
Chương trình truyền hình thực tế “Giọng ca nhí - Hò xự xang xê cống” đang bắt đầu khởi động và hứa hẹn sẽ mở ra cho giới mộ điệu, cũng như ngành chức năng một cái nhìn mới về việc bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ.
![]() |
Thí sinh trong buổi sơ khảo tại Bạc Liêu. Ảnh: H.T |
Đến với chương trình truyền hình thực tế “Giọng ca nhí - Hò xự xang xê cống”, những giọng ca non nớt chưa kịp trau chuốt kỹ năng để tròn vành rõ chữ ở các sân khấu “làng” sẽ được “lột xác” hoàn toàn. Chị Lê Thị Thái Tâm, Giám đốc ý tưởng Công ty Giáo dục và Truyền thông Mặt trời hồng, chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên xuất hiện trên hệ thống truyền hình tại Việt Nam một cuộc thi tài năng dành cho thiếu nhi chuyên về âm nhạc dân tộc, được thực hiện dưới hình thức một chương trình truyền hình thực tế. Chính các bé sẽ thổi hồn vào ĐCTT Nam bộ một sức sống mới”.
Thật vậy, trong quá trình tìm hiểu về sự phát triển của nghệ thuật ĐCTT tại các tỉnh ĐBSCL, Ban tổ chức chương trình đã nhận thấy tiềm năng rất lớn từ lớp trẻ, từ các thiếu nhi vốn được sinh ra và lớn lên trong không gian thấm đẫm dòng nhạc này. Chính vì thế, chương trình “Giọng ca nhí - Hò xự xang xê cống” không chỉ đáp ứng được tình yêu nghệ thuật và nhu cầu thể hiện tài năng cho các em, mà còn mở ra một hướng đi cho nghệ thuật ĐCTT, để dòng nhạc “đặc sản” của Nam bộ vẫn liên tục phát triển trong thời đại mới. Tuy nhiên, để chương trình chính thức được lên sóng là cả một thử thách mà Ban tổ chức lẫn đơn vị thực hiện phải nỗ lực hết mình.
BẮT ĐẦU KHỞI ĐỘNG…
Hơn 170 thí sinh nhí đến từ các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL vừa trải qua vòng sơ khảo của chương trình. Sau vòng sơ khảo, 28 thí sinh thuộc 12 tỉnh, thành phố: Bình Phước, TP. HCM, Long An, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang, TP. Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau đã nhận được “vé” vào vòng bán kết. Trong số 28 thí sinh được chọn, Bạc Liêu có 4 gương mặt tranh tài cùng tỉnh bạn.
Trong suốt 12 tập ghi hình của chương trình, các thí sinh sẽ được huấn luyện để có thể vừa nắm vững nhạc lý, vừa chơi được nhạc cụ và am tường kỹ năng ca diễn. Không chỉ có ý nghĩa bảo tồn và phát huy dòng nhạc truyền thống Việt Nam, là nơi để phát hiện ra những tiềm năng âm nhạc cổ truyền, mà chương trình còn được ví như một trường đào tạo tài năng về âm nhạc dân tộc. Trải qua các vòng đấu loại trực tiếp, các thí sinh sẽ trình diễn từ dân ca, các điệu lý, xướng âm các bản Bắc, bản Vắn, bản Nam (viết riêng về Bạc Liêu), cho đến vọng cổ nhịp 8 và nhịp 16, bản Oán và cuối cùng là 7 bản Lớn.
Để đảm bảo cho sự thành công của chương trình, Ban tổ chức đã mời Ban huấn luyện là những nghệ sĩ hoạt động chuyên sâu về dòng nhạc này như: thạc sĩ Huỳnh Khải (Trưởng Khoa Âm nhạc dân tộc - Nhạc viện TP. HCM), nghệ sĩ ưu tú Thiện Vũ, nghệ nhân dân gian Tấn Khoa, giảng viên - nghệ sĩ Phan Minh Đức (Khoa Kịch hát dân tộc - Trường Điện ảnh Sân khấu TP. HCM). Hội đồng chuyên môn để thẩm định gồm 2 người là thạc sĩ Huỳnh Khải và nghệ sĩ ưu tú Thiện Vũ, còn lại “ghế nóng” thứ ba sẽ luân phiên cho mỗi tập phát sóng. Chương trình còn mời Hội đồng bình luận và một số nghệ sĩ, ca sĩ như: tiến sĩ - nghệ sĩ Hải Phượng (giảng viên Nhạc viện TP. HCM), nghệ sĩ ưu tú Phượng Loan, Phi Nhung, Lâm Ngọc Hoa, Ngọc Sơn, Phương Mỹ Chi…
Đợt tập luyện cho các thí sinh sẽ bắt đầu vào ngày 20/5 tại Khu lưu niệm nghệ thuật ĐCTT Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu (trường quay chính thức của chương trình), và phát sóng tập đầu tiên vào ngày 31/5. Các tập tiếp theo sẽ được phát sóng vào lúc 20 giờ mỗi Chủ nhật hàng tuần trên sóng Đài PT-TH Bạc Liêu.
NGỌC TRÂN
- Tỉnh đoàn: Tuyên dương 30 thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác năm 2025
- Huyện Vĩnh Lợi tổ chức Giải đua xuồng ba lá năm 2025
- Hơn 400 cán bộ Đoàn, đoàn viên - thanh niên thắp nến tri ân tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh
- Gặp lại những nhân chứng lịch sử trước ngày 30/4/1975
- Những anh hùng làm rạng rỡ đất Bạc Liêu