Văn hóa - Nghệ thuật
Khơi gợi tình yêu di sản văn hóa trong học đường
Giáo dục để nâng cao nhận thức, mở mang hiểu biết, từ đó khơi gợi tình yêu di sản văn hóa (DSVH) cho các em học sinh là một môn học quan trọng. Việc đưa di sản vào học đường để học sinh tiếp cận, hiểu biết ngay từ trên ghế nhà trường có vai trò thiết thực, giúp các em hiểu biết rõ hơn về những giá trị văn hóa, nguồn cội, hun đúc tình yêu quê hương, đất nước từ truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình.
Đưa di sản vào trường học
Ở Bạc Liêu hiện nay, đã có những động thái thiết thực trong việc đưa DSVH vào học đường. Cụ thể như Tài liệu Giáo dục địa phương lớp 7 của Bạc Liêu (do Sở GD-ĐT biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018) đã giúp học sinh tiếp cận bước đầu một số nội dung về văn hóa, lịch sử truyền thống của tỉnh nhà như: các phong tục tập quán ở Bạc Liêu; ca dao, tục ngữ Bạc Liêu; tìm hiểu về vùng đất Bạc Liêu từ đầu thế kỷ X đến cuối thế kỷ XVIII; các di tích lịch sử - văn hóa ở Bạc Liêu gồm Tháp cổ Vĩnh Hưng, Phước Đức cổ miếu, chùa Kos Thum, Căn cứ Cái Chanh...
Giáo dục DSVH trong nhà trường đã được triển khai rộng khắp trên cả nước trong nhiều năm qua. Đây là hoạt động nhằm cụ thể hóa hướng dẫn của Bộ GD-ĐT và Bộ VH-TT&DL về việc sử dụng DSVH trong dạy học, đã ban hành từ đầu năm 2013. Sự liên kết này hướng đến mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh, gìn giữ và phát huy giá trị của DSVH vì lợi ích của toàn xã hội và truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Mục tiêu của việc sử dụng DSVH trong dạy học ở trường học còn nhằm hình thành và nâng cao ý thức tôn trọng, giữ gìn, phát huy những giá trị của DSVH; rèn luyện tính chủ động, tích cực, sáng tạo trong đổi mới phương pháp học tập và rèn luyện; góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu, tài năng của học sinh (đối với những DSVH phi vật thể như loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT)...).
Theo đó, chương trình Giáo dục địa phương được đưa vào giảng dạy giúp học sinh trang bị những hiểu biết cơ bản về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp, giáo dục quốc phòng - an ninh... Học sinh hiểu biết thêm về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh phù hợp với lứa tuổi từ môn học này.
Một tiết học ngoại khóa tham quan Di tích lịch sử Nọc Nạng (TX. Giá Rai) của học sinh một số trường tiểu học, THCS ở TP. Bạc Liêu. Ảnh: H.T
Cần cách làm khơi cảm hứng
Đưa di sản vào trường học góp phần “làm giàu” kiến thức về DSVH cho học sinh, nhất là những giá trị di sản của quê hương, hình thành và nâng cao ý thức của các em trong việc giữ gìn, phát huy những giá trị DSVH tại địa phương. Cho nên, rất cần cách giảng dạy làm sao để đủ sức khơi cảm hứng về tình yêu di sản trong các em, chứ không chỉ học kiến thức “chay” trên sách vở.
“Căn cứ Cái Chanh tọa lạc ở ấp Cây Cui, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân. Năm 2020 căn cứ Cái Chanh được xếp hạng là Di tích Quốc gia Đặc biệt... Địa hình nơi đây hiểm trở, hệ thống sông ngòi chằng chịt, tất cả gần như bị bao phủ bởi rừng rậm... Dù phải hứng chịu mưa bom bão đạn của kẻ thù, người dân nơi đây không ngại gian khổ và hy sinh vẫn kiên trung bám trụ, nuôi giấu cán bộ...”. Đọc những dòng này, chắc chắn các em học sinh sẽ tò mò, muốn được đến nơi để thấy! Những hầm bí mật, khu làm việc của các cô, chú chiến sĩ cách mạng năm xưa trong chiến đấu là những bảo vật, bằng chứng biết nói để hun đúc tình yêu quê hương, đất nước từ sự biết ơn trong các em.
Bạc Liêu có nhiều di tích lịch sử - văn hóa quý giá khác nữa, như đồng Nọc Nạng, Đền thờ Chủ tịch Hồ Chi Minh, Khu lưu niệm nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu... Nhà trường và các lớp có thể tổ chức tham quan, trải nghiệm tại những nơi này để từ chính hơi thở lịch sử sẽ thẩm thấu vào trái tim các em và tình yêu quê hương từ đó mà hình thành! Những lời thuyết minh, từng hiện vật mang giá trị lịch sử - văn hóa sẽ được dung nạp vào trong các em một cách sinh động, sẽ được nhớ lâu hơn.
Hay đối với nghệ thuật ĐCTT, đã có một số trường học tổ chức cho các em tham quan Khu lưu niệm nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Đây là những giờ học ngoại khóa rất cần được nhân rộng. Một không gian thực tế để tiếp cận DSVH là cách khơi gợi tình yêu di sản thiết thực nhất cho các em. Đây cũng là sự đổi mới phương pháp dạy và học, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục về DSVH lịch sử trong nhà trường.
Bên cạnh đó, các trường cũng có thể phối hợp với một số cơ quan, cá nhân có liên quan như Tỉnh đoàn, Hội Cựu chiến binh, các nghệ nhân ĐCTT để tổ chức những hoạt động giáo dục di sản trong trường học. Phát huy vai trò của công nghệ thông tin cũng là điều cần quan tâm: các trường có thể xây dựng website, blog giới thiệu về DSVH, tạo ra các video, hình ảnh minh họa sinh động, sử dụng các ứng dụng thực tế ảo để khám phá di tích; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về di sản, giao lưu với nghệ nhân để tiếp cận sâu hơn các loại hình DSVH của địa phương.
Đưa DSVH vào học đường là để thế hệ trẻ không lãng quên những giá trị văn hóa của dân tộc. Đây là nguồn lực để phát triển đất nước trong tương lai, vì vậy, các em phải hiểu biết, vận dụng, sáng tạo và kết hợp các yếu tố truyền thống, hiện đại để tạo ra một nền văn hóa Việt Nam đa dạng, phù hợp với sự phát triển của thời đại mới.
CẨM THÚY