Khởi sắc từ Đề án Chiến lược phát triển du lịch

Thứ Hai, 23/09/2024 | 16:04

UBND TP. Bạc Liêu vừa tổ chức hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Đề án Chiến lược phát triển du lịch TP. Bạc Liêu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nhìn chung, qua 2 năm thực hiện Đề án đã đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi và tạo nên những tiền đề, động lực để khai thác, phát huy thế mạnh này trong giai đoạn tiếp theo.

Du khách tham quan nhà Công tử Bạc Liêu.

DU LỊCH TĂNG TRƯỞNG

Để thực hiện hiệu quả Đề án, UBND TP. Bạc Liêu đã thành lập Ban Chỉ đạo tại Quyết định 100, do Chủ tịch UBND thành phố làm Trưởng ban. Đồng thời, hằng năm xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện. Qua đó, chỉ đạo các phòng, ban, ngành thành phố và UBND các phường, xã tùy theo tình hình thực thực tế tại cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ được giao và triển khai thực hiện đạt hiệu quả. Thành phố cũng thường xuyên kiện toàn thành viên Ban Chỉ đạo đảm bảo đầy đủ, phù hợp với tình hình luân chuyển, điều động cán bộ, công chức, nhằm đảm bảo năng lực lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án đạt kết quả cao. 

Bên cạnh đó, UBND thành phố còn ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch 155 về việc giảm thiểu sử dụng và phòng, chống rác thải nhựa, túi nylon trong hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và nhiều văn bản chỉ đạo nhắc, nhở, chắn chỉnh, sắp xếp trật tự mua bán, không được nâng giá, chèo kéo du khách tại các điểm tham quan, du lịch trên địa bàn.

Một trong những giải pháp quan trọng được thành phố quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trong thực hiện Đề án chính là tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục người dân ý thức xây dựng nếp sống văn hóa, phong cách “hiếu khách, văn minh, lịch thiệp”, nhất là các cơ sở kinh doanh, các khu, điểm du lịch. Thông tin rộng rãi về các hoạt động xây dựng TP. Bạc Liêu trở thành đô thị loại I, các tiêu chí xây dựng tuyến đường kiểu mẫu, các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và những quy tắc ứng xử văn minh du lịch…

Ngoài ra còn tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tự làm mới, sửa chữa các pa-nô, áp-phích cũ, hư hỏng, nội dung không phù hợp. Vận động các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú cải thiện, sửa chữa cơ sở vật chất để phục vụ khách tham quan. Phối hợp với các đơn vị viễn thông, điện lực thực hiện bó gọn cáp giúp làm đẹp đô thị (trong đó, ưu tiên các tuyến đường dẫn đến các khu, điểm du lịch).

Đặc biệt, 2 năm qua, thành phố đã tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền, quảng bá du lịch như: phát 5.000 cuốn sổ tay du lịch; dán 2.000 bảng hướng dẫn quét mã QR phần mềm quản lý du lịch để giới thiệu hình ảnh du lịch TP. Bạc Liêu tại các điểm tham quan du lịch và UBND các phường, xã; thay mới 37 pa-nô tuyên truyền trực quan về du lịch (từ nguồn vận động xã hội hóa); tuyên truyền hình ảnh du lịch thành phố trên màn hình led 2 lượt/ngày (mỗi lượt 60 phút); tuyên truyền trên Cổng thông tin điện tử thành phố 55 tin, bài, văn bản chỉ đạo về du lịch; tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh của thành phố và phường, xã vào 2 khung giờ chính; biên tập 800 tin và 90 bài viết, phóng sự và xây dựng 9 video tuyên truyền quảng bá 9 điểm du lịch tiêu biểu của thành phố…

Từ sự chỉ đạo quyết liệt và triển khai đồng bộ các giải pháp như trên mà qua 2 năm thực hiện Đề án, có nhiều chỉ tiêu đạt và vượt theo lộ trình đề ra. Cụ thể, giai đoạn 2022 - 2023, thành phố đón khoảng 5.860.000 lượt khách, tăng 109,3% so với giai đoạn 2020 - 2021 và cho tổng doanh thu dịch vụ du lịch đạt khoảng 5.900 tỷ đồng, tăng 115% so với giai đoạn 2020 - 2021. Riêng năm 2023, thành phố đón khoảng 3,5/6 triệu lượt khách, đạt 58,33% so với Đề án và cho doanh thu du lịch - dịch vụ đạt 3.600/8.000 tỷ đồng, đạt 45% so với Đề án.

Về điểm du lịch tiêu biểu vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), trong 2 năm qua thành phố đã xây dựng thêm 1 điểm và được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL công nhận là điểm du lịch tiêu biểu cấp vùng (chùa Xiêm Cán, xã Vĩnh Trạch Đông), nâng tổng số lên 9/10 điểm, đạt 90% so với lộ trình Đề án đề ra. Hiện nay, thành phố có 9/11 điểm du lịch tiêu biểu trên toàn tỉnh.

Tốc độ phát triển ngành Du lịch có sự chuyển biến rõ nét, trung bình mỗi năm tăng khoảng 50% so với năm trước, với mức độ phát triển nhanh cả về doanh thu và lượng khách. Công tác xã hội hóa phát triển du lịch được quan tâm chỉ đạo thực hiện; cơ sở vật chất từng bước được đầu tư và đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch của thành phố. Qua đó đã giải quyết việc làm cho số lao động thất nghiệp tại địa phương, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, góp phần giải quyết an sinh xã hội, tăng thu ngân sách cho Nhà nước.

Biểu diễn Triều kịch dân tộc Hoa phục vụ du khách tại TP. Bạc Liêu. Ảnh: K.T

THIẾU NGUỒN LỰC

Tuy nhiên, cùng với những kết quả đạt được thì việc thực hiện Đề án cũng còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế. Cụ thể là các dự án đầu tư du lịch triển khai trên địa bàn thành phố còn chậm (như các dự án tại Cụm nhà Công tử Bạc Liêu - khu B, Khu du lịch Nhà Mát - khu vực II). Không chỉ vậy, công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch cũng chưa rộng rãi đến các phương tiện truyền thông lớn của Trung ương, vùng, miền. Các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn còn quá ít, kinh doanh lữ hành đạt hiệu quả chưa cao. Sản phẩm du lịch chưa thật sự hấp dẫn và chưa có khả năng cạnh tranh cao cả về du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch vườn. Hoạt động du lịch còn rời rạc, chưa tạo được tua, tuyến trong tỉnh, chưa tạo sự liên kết, giữa TP. Bạc Liêu với các tỉnh, thành phố trong nước. Dịch vụ chăm sóc sức khỏe, các sản phẩm lưu niệm, tiêu dùng phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách còn đơn điệu; các cơ sở kinh doanh loại hình dịch vụ phục vụ du khách chưa được đầu tư đúng mức, tính chuyên nghiệp chưa cao, còn thiếu các dịch vụ vui chơi, giải trí về đêm. Kinh phí phục vụ du lịch, đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu cho phát triển du lịch của thành phố; kinh phí tu bổ các di tích cấp tỉnh còn hạn chế nên nhiều di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật xuống cấp, chưa được trùng tu kịp thời. Cán bộ phụ trách lĩnh vực du lịch các phường, xã chưa được đào tạo chuyên sâu về quản lý du lịch. Đội ngũ tình nguyện viên thuyết minh du lịch tại các điểm là đoàn viên, hội viên, nên thường xuyên thay đổi, thời gian tham gia chưa đảm bảo và chưa có tính chuyên nghiệp…

Nguyên nhân của những hạn chế trên là do công tác đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch còn gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, dẫn đến nhiều công trình, dự án du lịch chưa được thực hiện theo đúng kế hoạch. Công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch tính chuyên nghiệp chưa cao; việc ứng dụng công nghệ thông tin cho công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch còn hạn chế. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn chưa thật sự chú trọng đến việc xây dựng đa dạng hóa các sản phẩm du lịch và nâng cao trình độ cho người lao động, kinh doanh theo hình thức nhỏ lẻ. Nhận thức về tầm quan trọng của phát triển du lịch của một số cán bộ chưa cao, chưa xác định phát triển du lịch là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và của các cấp, các ngành và toàn xã hội, nên chưa tích cực tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ du lịch do tỉnh, thành phố tổ chức…

Tất cả những khó khăn này sẽ được TP. Bạc Liêu tập trung giải quyết trong thời gian tới để thực hiện thắng lợi Đề án.

ĐỖ TRUNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.