Văn hóa - Nghệ thuật
Không có chuyện “Sẽ cấm vĩnh viễn trên toàn quốc Dạ cổ hoài lang”!
Những ngày qua, một bài báo với nhan đề “Sẽ cấm vĩnh viễn trên toàn quốc Dạ cổ hoài lang (DCHL)?” và một số bài báo “ăn theo” sau đó, tất cả thông tin này được lan truyền, chia sẻ trên các trang mạng xã hội đã gây bão dư luận.
“Phát pháo” đầu tiên là bài viết với nhan đề nêu trên của tác giả Phạm Thành Nhân đăng trên báo Phụ nữ online (phunuonline.com.vn) ngày 7/4/2017. Thật ra, với dấu chấm hỏi ở ngay tựa của bài, bài báo này thực chất chỉ đưa ra một nghi vấn, một giả định mà thôi. Nhưng dẫu là “giả định”, thông tin ấy đủ sức gây “hiểu lầm chết người”!
Xuất phát điểm để tác giả đưa ra một nghi vấn nghệ thuật gây bão đối với DCHL chính là thông tin trước đó về việc Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn - Nguyễn Đăng Chương trả lời truyền thông về việc cấm vĩnh viễn trên toàn quốc 5 ca khúc sáng tác trước 1975 với lý do vi phạm bản quyền, sai lời so với bản gốc (các ca khúc “Cánh thiệp đầu xuân” (Lê Dinh - Minh Kỳ), “Rừng xưa” (Lam Phương), “Chuyện buồn ngày xuân” (Lam Phương), “Đừng gọi anh bằng chú” (Diên An) và “Con đường xưa em đi” (Châu Kỳ - Hồ Đình Phương). Dư luận và giới yêu nhạc đang xôn xao với thông tin này vì nhiều bài trong số đó là nhạc bolero đã được nhiều thế hệ yêu nhạc ưa thích, thuộc nằm lòng. Ở phạm vi bài viết này, người viết xin không phân tích những vấn đề liên quan đến 5 bài nhạc nêu trên. Nhưng xin khẳng định rằng: dựa vào lập luận về việc cấm 5 ca khúc trên để đem DCHL ra đối chiếu thì quả là một sự khập khiễng!
Không có chuyện sẽ cấm vĩnh viễn trên toàn quốc “Dạ cổ hoài lang” (ảnh minh họa).
Không chỉ dân Bạc Liêu, mà giới mộ điệu cả nước, nhiều người biết rằng DCHL là một bản tình ca bất hủ, mang đậm âm sắc Nam bộ, đã được giới chuyên môn khẳng định giá trị. Cố GS-TS Trần Văn Khê lúc sinh thời đã khẳng định: “Trong cổ nhạc Việt Nam, chưa có bài bản nào được như DCHL biến thành vọng cổ. Từ một sáng tác cá nhân đã biến thành sáng tác tập thể, sanh từ đầu thế kỷ, lớn lên sống mạnh, biến hóa thiên hình vạn trạng, và sẽ còn sống mãi trong lòng người Việt khắp năm châu bốn bể”. Với những giá trị đã được khẳng định, DCHL đã được các nhà nghiên cứu, nhạc sĩ, soạn giả ưu ái đặc biệt, và yêu cầu tỉnh Bạc Liêu lập hồ sơ đề nghị Bộ VH-TT&DL xếp hạng là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Thế thì, thật là quá đáng khi ai đó đánh đồng DCHL với những bản nhạc tình ca khác để đưa ra giả định (dù - chỉ - là - giả - định!) rằng DCHL có thể bị cấm lưu hành vĩnh viễn trên toàn quốc với những suy luận cá nhân! Trong khi đặt vấn đề làm sao xác định được đâu là bản gốc của DCHL để bài hát không bị sai lời và vi phạm bản quyền (để “so bì”, đối chiếu với nguyên nhân cấm lưu hành 5 bài hát sáng tác trước năm 1975 nêu trên), tác giả của những bài báo nêu trên đã quên rằng: DCHL do UBND tỉnh Bạc Liêu xác định là bản chuẩn thực chất đã trải qua những cuộc hội - thảo - nghiêm - túc với sự góp mặt của giới chuyên môn, dựa trên những chứng cứ lịch sử để lại của chính những người liên quan! Không có chuyện ai sẽ thưa kiện về bản quyền dù biết rằng trước đó, bài ca này đã từng có những ca từ không đồng nhất (như “báu kiếm” - “bảo kiếm”, “sắc phong” - “sắc phán”, “đường dù xa, ong bướm” - “đường dầu say ong bướm”… như các bài báo đặt vấn đề). Bởi, DCHL, đứa con tinh thần vô giá của nhạc sĩ Cao Văn Lầu tuyệt đối không có chuyện tranh chấp nào về bản quyền, việc sai lời chỉ là do sự lan truyền quá rộng về mặt không gian, và quá dài về mặt thời gian của một bài ca thuộc về tiếng lòng của người dân miền Tây nói riêng, dân Nam bộ nói chung, và nay là cả dân tộc. Không thể “chấp nhứt” những khác biệt về ca từ trong khi giới chuyên môn đã thống nhất đi đến việc công bố bản chuẩn, và những “biến hóa” sau đó của DCHL thực chất chính là để dòng nhạc dân tộc có thêm những tinh hoa quý giá, như chính một bậc thầy của nền âm nhạc dân tộc - GS-TS Trần Văn Khê đã khẳng định: “Từ một sáng tác cá nhân đã biến thành sáng tác tập thể, sanh từ đầu thế kỷ, lớn lên sống mạnh, biến hóa thiên hình vạn trạng”. Thế thì, không thể đánh đồng với bất cứ bản nhạc nào để tùy tiện suy luận “sẽ cấm vĩnh viễn trên toàn quốc DCHL"!
Nhật Quỳnh
- Kỳ họp thứ 25, HĐND tỉnh khóa X: Thông qua 8 nghị quyết quan trọng
- Họp thành viên UBND tỉnh: Thông qua 11 dự thảo văn bản
- Bộ Tư lệnh (BTL) Vùng Cảnh sát biển 4: Bắt giữ 3 tàu tàng trữ, vận chuyển thiết bị giám sát hành trình của tàu khác
- 100 thí sinh tham gia Hội thi Tin học trẻ cấp thành phố lần thứ XII - năm 2025
- Ban tổ chức trao giải cho các đôi VĐV đoạt giải nội dung hạng A.