Không gian cho đờn ca tài tử “thăng hoa”

Thứ Hai, 13/01/2025 | 15:04

Chơi đờn ca tài tử (ĐCTT) ở đâu và phong cách chơi như thế nào mới khiến người chơi thăng hoa, còn người nghe thì đắm mình thưởng thức cái hay, cái đẹp của tiếng đờn, lời ca. Giảng dạy trao truyền ra sao để có lớp người kế thừa, không để di sản mai một ngày sau... Đó vẫn luôn là những trăn trở thường trực trong việc giữ gìn và phát huy giá trị loại hình nghệ thuật mang tầm cỡ nhân loại này.

Một tiết mục ca ra bộ trong chương trình kỷ niệm 10 năm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Một “ấp ủ” cho ĐCTT

Cuối năm, trong một buổi gặp gỡ với Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Minh Chiến - nguyên Trưởng Đoàn cải lương Cao Văn Lầu, tôi được nghe về một dự định khá quy mô của cá nhân ông dành cho nghệ thuật ĐCTT. Không lấy làm lạ vì ông đã gắn bó với cải lương, với nghệ thuật ĐCTT cả cuộc đời, từ hồi còn tỉnh Minh Hải chung, cho đến khi về Bạc Liêu. Và khi đã nghỉ hưu, ông muốn tiếp tục “làm điều gì đó” cho con đường phát triển của nghệ thuật ĐCTT, bởi theo ông, Bạc Liêu là một trong những “cái nôi” quan trọng thì cần lắm những động thái thiết thực!

Ấp ủ của NSƯT mang tên “Dự án Trung tâm bảo tồn và phát triển ĐCTT Bạc Liêu”. Với dự án này, ông muốn xây dựng sân khấu biểu diễn cố định, sân khấu lưu diễn, hội trường, phòng dạy và học, một số phòng chức năng như phòng sản xuất chương trình, phòng giải trí, phòng đào tạo truyền nghề; có luôn cả hệ thống dịch vụ ăn uống, mua sắm, hệ thống cây xanh...

Dự án hướng đến mục tiêu tạo ra mô hình phát triển văn hóa - nghệ thuật (VH-NT) biểu diễn chuyên nghiệp, phục vụ nhu cầu thưởng thức VH-NT của Nhân dân trong tỉnh thuộc nhiều đối tượng khác nhau và du khách thập phương nói chung. Đặc biệt, sẽ tổ chức các lớp đào tạo năng khiếu cho nghệ nhân đờn và ca tài tử, diễn viên sân khấu nghệ thuật nhằm từng bước bổ sung đội ngũ kế thừa cho Bạc Liêu.

“Ấp ủ” này của NSƯT Minh Chiến đã từ nhiều năm, đến nay vẫn chưa thể thành hiện thực, bởi đây là dự án tư nhân trên lĩnh vực VH-NT có quy mô đầu tư khá lớn, còn phụ thuộc vào nhiều khâu. Chưa bàn đến tính khả thi của dự án, chỉ thấy rằng ít nhất đã có một ấp ủ đầy khát vọng liên quan đến trọng trách bảo tồn nghệ thuật ĐCTT.

Biểu diễn đờn ca tài tử phục vụ du khách tại Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Ảnh: C.T

Và băn khoăn thực tại

Theo thống kê của ngành chức năng, toàn tỉnh hiện có gần 160 câu lạc bộ (CLB) ĐCTT với gần 2.000 nghệ sĩ, nghệ nhân thường xuyên tham gia sinh hoạt. Mỗi ấp văn hóa, xã văn hóa đều có CLB nhằm góp phần gìn giữ, phát huy giá trị loại hình nghệ thuật đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ngoài các CLB sinh hoạt định kỳ ở cơ sở, tỉnh cũng đã thành lập nhiều CLB ĐCTT chuyên phục vụ khách du lịch tại các di tích lịch sử - văn hóa như: Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh (xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi), Di tích lịch sử Nọc Nạng (TX. Giá Rai), Khu lưu niệm nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu (TP. Bạc Liêu)…

Các lớp hướng dẫn, trao truyền kỹ năng trình diễn bản “Dạ cổ hoài lang”, các điệu thức trong nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ cho học sinh, sinh viên, hội viên, những người yêu thích ĐCTT; và nhiều cuộc thi tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp nhạc sĩ Cao Văn Lầu, tìm hiểu sự ra đời, giá trị nghệ thuật bản “Dạ cổ hoài lang” cũng được tổ chức thường xuyên… Thế nhưng nhìn tổng quan, nghệ thuật ĐCTT vẫn chưa thật sự thăng hoa ở những nơi được trình diễn để xứng tầm là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại!

ĐCTT vẫn chưa có một không gian trình diễn đúng với tính chất đa dạng, phong phú và độc đáo của mình. Tình trạng “già hóa” thành viên các CLB, nghệ nhân chơi các nhạc cụ cổ truyền ngày càng khan hiếm, nhất là đờn cò, kìm, tranh, bầu; đội ngũ kế thừa trong giới trẻ không nhiều; một số CLB không có nghệ nhân đờn, dẫn đến không còn duy trì sinh hoạt thường xuyên; một số khác lại gặp khó khăn về tài chính, chưa có địa điểm để nghệ nhân thực hành truyền dạy và sinh hoạt đờn ca; một vài bài bản biểu diễn cho du khách đôi khi chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa” khi họ chưa am tường về nghệ thuật ĐCTT... là những băn khoăn thường trực.

Có nhiều ý kiến trong chính giới nghệ sĩ, nghệ nhân cho rằng: việc tổ chức các liên hoan ĐCTT không chỉ để tranh tài, tôn vinh, mà còn cần tạo ra không khí lễ hội để mọi người gặp nhau giao lưu, học hỏi. Thực trạng ai thi xong thì ra về, không thiết tha việc xem đội bạn thi, thiếu khán giả đến giao lưu... là những vấn đề mà Ban tổ chức cần lưu tâm khi tổ chức những liên hoan về ĐCTT.

Ngoài ra, thiết nghĩ nên đưa ĐCTT đến những địa điểm công cộng để người dân thưởng thức và tìm hiểu, cũng là góp phần thu hút ánh nhìn của du khách về loại hình đã được UNESCO ghi danh. Không gian mở như Quảng trường Hùng Vương, khu vực trước Nhà hát Cao Văn Lầu, hay bày ra trong các hội chợ, triển lãm, hội xuân trong những ngày tết cũng là không gian lý tưởng để nghệ thuật ĐCTT có dịp thăng hoa.

CẨM THÚY

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.