Văn hóa - Nghệ thuật
Kỷ niệm về thầy giáo tôi
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta bước sang năm thứ tư, tức là năm Mậu Tý - 1948. Lúc bấy giờ quê tôi nằm sâu trong vùng giải phóng thuộc huyện Cà Mau, tỉnh Bạc Liêu - nay thuộc huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Nhờ chính phủ kháng chiến tạm cấp đất vùng U Minh thượng cho dân khai phá làm rẫy nên nhà nào cũng thoát cảnh đói nghèo. Đời sống vật chất khá lên nên bộ mặt văn hóa - xã hội cũng thay đổi, xã ấp nào cũng có trường học, có trường dạy đến lớp nhứt, tức hết cấp một bây giờ.
Minh họa: P.B.T
Ấp tôi cũng có một trường học khá khang trang. Ngôi trường dài 6 gian chia thành 3 lớp: 5, 4, 3 - tương đương lớp 1, 2, 3 bây giờ. 3 lớp nhưng chỉ có 2 thầy dạy nên các lớp phải thay nhau nghỉ buổi sáng để học buổi chiều. Sau đó, Ban giáo dục xã hội và Hội Phụ huynh học sinh cố gắng xin thêm một thầy giáo nữa cho đủ mỗi thầy đứng dạy mỗi lớp.
Một hôm, thầy Phú, Trưởng Ban giáo dục xã đưa đến lớp 3 của chúng tôi một người đàn ông trạc độ 30 tuổi. Thầy Phú nói: “Thầy giới thiệu với các em, đây là thầy Phạm Ngọc Anh, quê ở Tân Lộc, được huyện phân công về đây dạy trường mình. Ban giáo dục xã phân công thầy dạy lớp 3 của các trò”. Cả lớp chúng tôi đứng dậy chào thầy rồi ngồi xuống. Thầy giáo mới từ tốn nói: “Thầy chào tất cả các trò lớp 3! Thầy dạy học ở quê nhà được 3 - 4 năm. Vừa rồi mới được cho đi bồi dưỡng thêm ở trường sư phạm tỉnh và được phân công về dạy trường này. Thầy nói để các trò biết, tính thầy dễ mà dạy cũng rất dễ, nhưng thầy cũng rất khó đó. Dễ là với các trò ngoan, chăm học, khó là đối với trò nào không chịu khó học, không siêng năng…”. Đám học trò chúng tôi im lặng nhìn nhau rồi nhìn lên thầy. Chắc trong đầu mỗi đứa đều nghĩ “chưa chi thầy đã dằn mặt rồi!”.
Phải thừa nhận thầy giáo mới dạy rất dễ hiểu. Đám học trò thật sự mến phục thầy. Chữ thầy viết rất đẹp. Chúng tôi đã học lên lớp 3 rồi, nhưng sau khi coi chữ viết, thầy vẫn dành mỗi buổi cả tiết học để chúng tôi tập viết. Thầy nói: “Các trò phải luyện lại chữ viết vì chính nó sẽ luyện cho tính tình của mình ở đời”. Vở tập viết của mỗi trò, thầy buộc phải kẽ viết chì hàng đôi theo chiều ngang. Chiều dọc thì kẽ hàng cách nhau bằng hàng ngang để khi viết các chữ a, c, o… nằm gọn trong ô vuông, các chữ g, h, t… thì kéo theo đúng lằn chì gạch của chiều dọc (bấy giờ ít có ai dạy theo cách này). Thầy đi đến từng bàn chỉ cho từng trò. Nhờ vậy mà chưa đầy hai tháng, đám học trò viết chữ tiến bộ rõ rệt.
Tôi cũng được trong tốp học trò loại khá giỏi và viết chữ khá đẹp. Thầy cũng thường gọi lên viết phấn trên bảng đen hoặc ghi chép sổ sách cần thiết. Nhưng tôi cũng là một trong số học trò nghịch của lớp. Hôm ấy, giờ ra chơi, trong lúc đùa giỡn với nhau, tôi lỡ xô bạn Sĩ té xuống ao ướt hết quần áo. Bạn Sĩ không đến thưa với thầy mà chạy thẳng tới nhà tôi “méc” với ba tôi. Có lẽ bạn Sĩ cũng thêm thắt gì đó, ba tôi vốn nóng tính, nên với vẻ mặt hầm hầm ông đi thẳng tới lớp gặp thầy giáo. Không biết ông nói gì rồi quày quả ra về. Tôi biết có chuyện chẳng lành nên chuẩn bị đón nhận. Đúng như vậy! Khi vào lớp học, thầy gọi tôi đứng quay mặt xuống lớp, mặt thầy đỏ gay. Từ ngày thầy đến dạy đến giờ tôi chưa thấy thầy giận như vậy. Thầy nói: “Trò giỡn chơi đến nỗi phạm đến phụ huynh và thầy giáo. Tội này không thể tha thứ được”.
Tôi đứng im re, không nói một lời nào, cả lớp cũng lặng im. Thầy nói tiếp: “Bây giờ thầy đánh trò ba roi để làm gương cho trò khác, đây không thuộc tội trong học hành mà phạm tội với cha mẹ và thầy”. Nói rồi thầy chập ba chiếc roi mây lại làm một (không hiểu sao thầy có nhiều roi mây vậy), thầy giáng thẳng vào mông tôi một phát đau như thấy mấy ông trời vậy. Thầy đánh tôi mà mắt thầy đỏ hoe. Thầy lại nói: “Một phát thành ba roi, các trò coi đó làm gương mà sửa mình”, đến bây giờ tôi mới biết cái khó của thầy. Trong lúc đó, tôi giận thầy thì ít mà giận Sĩ nhiều hơn. Sau đó tôi tìm hiểu lại là bạn Sĩ tới nói với ba tôi: “Có con không biết dạy”. Ba tôi lại nói với thầy: “Làm thầy không biết dạy học trò”. Đây là lỗi “chuyền sân”. Những lời nói ấy xúc phạm đến người làm bậc cha mẹ, làm bậc thầy. Đối với tôi, đó cũng là một bài học, kỷ niệm sâu sắc cái thuở học trò. Còn đối với thầy, chẳng những thầy dạy cái chữ mà còn dạy cái đức ở đời nữa nên “giận thì giận mà thương thì thương!”.
Lớp học trò ngày ấy cũng lớn lên, mỗi đứa mỗi việc ở làng quê. Thầy giáo tôi cũng cưới vợ và ở lại luôn quê tôi làm ăn, rồi tới tuổi, thầy xin nghỉ dạy học. Đến khi địa phương có chủ trương lập Vạn vần đổi công để giúp nhau làm ăn. Thầy và gánh học trò cũ trong ấp chúng tôi đều tham gia và thầy được bầu vào Ban phụ trách Vạn vần đổi công. Thầy vẫn giữ phong cách như khi vẫn còn đi dạy, nghĩa là vừa thân tình cởi mở, vừa tận tụy nghiêm khắc. Thầy luôn luôn nhắc nhở chúng tôi “làm ra làm, chơi ra chơi. Chớ vừa làm vừa chơi thì chẳng đi đến đâu ở trên đời này”.
Điều nhắc nhở ấy của thầy đọng mãi trong tôi, cho đến sau này khi ở cương vị cán bộ phụ trách, tôi cũng thường nhắc lại với anh em. Tiếc rằng cho đến ngày thầy giáo tôi từ giã cõi đời, tôi lại không về được để viếng tạ ơn thầy. Tôi viết mấy dòng đáng nhớ này như thắp một nén tâm nhang thầm tưởng niệm người thầy kính yêu một thời và có nhiều kỷ niệm buồn vui đối với tôi.
NGUYỄN THU
- Liên kết tiêu thụ để nâng giá trị rau màu
- Phát triển kinh tế - xã hội: Chờ giải pháp đột phá
- Tinh gọn bộ máy chính trị: Chủ động, hiệu quả và đồng thuận
- Lãnh đạo tỉnh gặp gỡ Đoàn đại biểu tỉnh Bạc Liêu dự Đại hội đại biểu Hội LHTN Việt Nam toàn quốc lần thứ IX
- Hội thảo nâng cao chuỗi giá trị phát triển du lịch nông thôn tỉnh Bạc Liêu