Kỳ vọng mới cho Thanh nhãn Bạc Liêu

Thứ Hai, 25/04/2022 | 16:13

Từng là đặc sản nổi tiếng mà hầu hết du khách đến Bạc Liêu đều muốn thưởng thức, thế nhưng Thanh nhãn trong những năm gần đây không được trồng nhiều như trước. Mới đây, Đề án “Phát triển cây Thanh nhãn Bạc Liêu gắn với phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn TP. Bạc Liêu, giai đoạn 2021 - 2025” được tỉnh phê duyệt, với kỳ vọng sẽ bảo vệ và phát huy tương tầm giá trị thương hiệu cho loại cây ăn trái này.

NHÌN LẠI ĐỀ ÁN CŨ

Chậm cấp kinh phí, cây thường chết không rõ nguyên nhân, tính liên kết trong sản xuất chưa cao và các cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thật sự quan tâm, vào cuộc tích cực… đó là những bất cập được rút ra từ kết quả thực hiện Đề án “Phát triển 100ha cây Thanh nhãn Bạc Liêu trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2019 - 2021”. 

Đề ra nhiều công việc cho 3 năm nhưng đến giữa năm 2022, TP. Bạc Liêu mới bắt đầu trao cây giống cho các hộ dân trồng thực địa với 12,13ha. Chỉ có 25 nhà vườn tham gia vào Đề án, không khó hiểu khi diện tích trồng Thanh nhãn đạt rất thấp so với mục tiêu đề ra. Năm 2019 không có cây Thanh nhãn nào được trồng (kế hoạch là 30ha), năm 2020 thực hiện trồng hơn 10ha (kế hoạch là 40ha) và chỉ trồng hơn 2ha trong năm 2021 (kế hoạch là 30ha). Do vậy, khi đến thời điểm kết thúc Đề án, diện tích trồng còn rất xa so với mục tiêu 100ha cây Thanh nhãn.

Nhiều nguyên nhân được các cấp ủy, chính quyền địa phương thẳng thắn nhìn nhận trong quá trình thực hiện Đề án. Đó là trước khi bắt tay phát triển cây Thanh nhãn, những người trong cuộc không đánh giá đầy đủ, thiếu dự báo những vướng mắc sẽ gặp phải. Đầu tiên là việc chậm rót kinh phí nên nhiều hộ đã rút ra khỏi Đề án; đa số người dân trên địa bàn xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu) là đồng bào dân tộc Khmer có đời sống khó khăn nên không mặn mà với loại cây trồng cần nhiều năm mới có thể thu hoạch…

Một hộ dân trên địa bàn xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu) tham gia Đề án phát triển Thanh nhãn Bạc Liêu. Ảnh: H.T

NHIỀU KỲ VỌNG Ở ĐỀ ÁN MỚI

Vừa khép lại Đề án cũ, tỉnh khẩn trương cho ra đời Đề án mới “Phát triển cây Thanh nhãn Bạc Liêu gắn với phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn TP. Bạc Liêu, giai đoạn 2021 - 2025”. Dự và phát biểu tại hội nghị triển khai Đề án, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Lê Thị Ái Nam đề nghị các cấp ủy, chính quyền của thành phố phải khởi động ngay Đề án. Vấn đề cấp kinh phí cũng được Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo Sở Tài chính khẩn trương thực hiện.

Theo Chủ tịch UBND TP. Bạc Liêu - Lê Kim Thúy, trước mắt thành phố sẽ thành lập Ban Điều hành và cơ quan thường trực thực hiện Đề án. Bên cạnh đó là rà soát lại nhu cầu của người dân, thống kê diện tích, khảo sát nhu cầu tập huấn chuyển giao công nghệ chăm sóc Thanh nhãn và tiêu thụ sản phẩm. Đề án sẽ hỗ trợ ngay 50% chi phí phân bón, thuốc cho các nhà vườn để trồng mới hơn 45ha cây Thanh nhãn. Đặc biệt là hỗ trợ sinh hoạt phí trong 12 tháng đầu cho hộ nghèo, cận nghèo tham gia Đề án.

Các sở, ngành tỉnh liên quan sẽ giúp thành phố xây dựng chỉ dẫn địa lý “Bạc Liêu” cho sản phẩm cây, trái nhãn; kêu gọi đầu tư nhà máy sơ chế, chế biến và kết nối cung cầu để tạo kênh tiêu thụ ổn định. Ngoài thời điểm ra trái rộ vào tháng 7 - 8, các nhà vườn cũng được hướng dẫn ứng dụng khoa học - công nghệ trong chăm sóc để cho ra trái quanh năm. Cùng với đó là hướng dẫn các hộ dân xây dựng mô hình, sản phẩm du lịch sinh thái để du khách trải nghiệm thu hoạch, thưởng thức Thanh nhãn, rượu nhãn và những món ăn đặc trưng, nghe đờn ca tài tử…

Từ những giải pháp và sự kỳ quyết trong thực hiện Đề án mới, có thể kỳ vọng Thanh nhãn Bạc Liêu sẽ ngày càng khẳng định được thương hiệu. Khi đó, du khách sẽ trở lại Bạc Liêu để thưởng thức trái nhãn to tròn, cơm dày, ít nước, vị ngọt thanh.

HỮU THỌ

-----------------------------

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Lê Thị Ái Nam:​ Khẩn trương bảo vệ thương hiệu Thanh nhãn Bạc Liêu

Đồng chí Lê Thị Ái Nam - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy phát biểu chỉ đạo tại hội nghị triển khai Đề án. Ảnh: H.T

Các sở, ngành tỉnh và TP. Bạc Liêu phải khẩn trương xây dựng hồ sơ chỉ dẫn địa lý để bảo vệ thương hiệu Thanh nhãn Bạc Liêu, bởi hiện nay có nhiều địa phương đã trồng Thanh nhãn Bạc Liêu với diện tích khá lớn, sản lượng nhiều. Đặc biệt, tuyên truyền giá trị của Thanh nhãn để cán bộ và Nhân dân hiểu đúng, đầy đủ và tự hào, có trách nhiệm bảo vệ thương hiệu. Đồng thời, tăng cường quảng bá thương hiệu, đưa Thanh nhãn đến các thị trường trong nước, trước mắt là các siêu thị, chợ trái cây với nhãn hiệu, bao bì bắt mắt; có phương án lấy ngắn nuôi dài để tạo sinh kế cho các hộ trong thời gian chuyển đổi cây trồng…

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.