Văn hóa - Nghệ thuật
Kỳ vọng Thanh nhãn…
Những ngày đầu tháng 3, chúng tôi tìm đến vườn nhãn của ông Khưu Vi Hiếu (ấp Giồng Giữa B, xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) - một trong những hộ có diện tích trồng Thanh nhãn lớn nhất ở các xã ven biển của thành phố. Với sự phát triển tốt tươi của Thanh nhãn, ông Hiếu và nhiều người dân ở đất Giồng cảm thấy phấn khởi, kỳ vọng về việc Thanh nhãn Bạc Liêu sẽ được phát huy giá trị thương hiệu.
Cán bộ xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu) hướng dẫn kỹ thuật trồng Thanh nhãn cho ông Trần Chí Quang.
VỰC DẬY THƯƠNG HIỆU THANH NHÃN
Nhiều năm trước, trái Thanh nhãn ở xứ Công tử đã có tiếng, trở thành thứ đặc sản nhờ những đặc điểm nổi trội so với nhiều giống nhãn khác như: cơm dày, hạt nhỏ, ráo nước, thịt giòn và vị ngọt thanh. Tuy vậy, Thanh nhãn đã gặp nhiều khó khăn, thách thức trong việc giữ vững thương hiệu do quy mô sản xuất nhỏ, thiếu tính liên kết, đầu ra hạn hẹp và nhất là khi một vài tỉnh lân cận đã trồng được Thanh nhãn.
Để vực dậy thương hiệu và nâng tầm giá trị Thanh nhãn, sau khi tỉnh cho ra đời Đề án Phát triển cây Thanh nhãn gắn với phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn TP. Bạc Liêu giai đoạn 2021 - 2025, mới đây, thành phố tiếp tục triển khai Đề án xây dựng thương hiệu Thanh nhãn.
Mục tiêu mà Đề án hướng đến là xây dựng bộ nhận diện thương hiệu cho Thanh nhãn bằng việc tạo ra câu chuyện riêng về quá trình hình thành, phát triển của Thanh nhãn. Để tránh sự nhầm lẫn với các loại nhãn khác, bộ nhận diện thương hiệu còn thiết kế logo, bao bì theo mục đích (vận chuyển, bán lẻ, quà tặng) và phân khúc khách hàng (trung cấp, cao cấp).
Ngoài thu lợi từ nhãn tươi, Đề án sẽ giúp đa dạng hóa các sản phẩm từ Thanh nhãn như: mật ong hoa nhãn, nhãn sấy, kẹo, trà, kem nhãn… Về kênh phân phối, Đề án tập trung phát triển các kênh phân phối trong nước trước khi tiến ra thị trường nước ngoài. Cùng với các kênh bán lẻ như: chợ, siêu thị, cửa hàng bách hóa thì những nhà hàng, khách sạn ở khu vực miền Trung, miền Bắc sẽ được khai thác, bởi đây là những thị trường mới của Thanh nhãn và tập trung phần lớn khách có chi tiêu cao. Ngoài ra, khâu xúc tiến, quảng bá hình ảnh Thanh nhãn cũng được kết hợp bằng nhiều hình thức, trong đó có việc đưa vào bộ quà tặng đặc trưng của tỉnh.
TP. Bạc Liêu hỗ trợ cây giống Thanh nhãn cho người dân tham gia Đề án. Ảnh: H.T - T.N
NIỀM VUI TỪ VƯỜN NHÃN
Chúng tôi gặp ông Hiếu đúng lúc ông đang bận tay chăm sóc những cây Thanh nhãn. Từ chuyện tích cực tham gia Đề án đến việc dốc sức chăm sóc cây, chúng tôi cảm nhận được tình yêu, sự mong đợi mà ông dành cho Thanh nhãn.
Ông Hiếu hồ hởi chia sẻ: “Nghề trồng nhãn có khi thăng, khi trầm nhưng có lẽ vì sự “nặng nợ” giữa cây nhãn và đất Giồng nên chưa khi nào người dân muốn từ bỏ Thanh nhãn. Cũng vì vậy, khi hay thành phố triển khai Đề án là tôi xung phong tham gia để góp phần mở rộng diện tích trồng, vực dậy thương hiệu cho trái cây từng rất nổi tiếng này”. Hiện, ông Hiếu đang trồng 800 cây và dự định sẽ mở rộng diện tích trồng Thanh nhãn lên 3ha, với 1.000 cây. Khi khởi động Đề án, ông Hiếu và nhiều người dân cảm thấy phấn khởi vì được hỗ trợ một nửa chi phí mua cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và chuyển giao kỹ thuật trồng cây.
Tương tự, vụ nhãn năm nay của ông Trần Chí Quang (ấp Biển Tây A, xã Vĩnh Trạch Đông) cũng đầy ắp kỳ vọng. Ông Quang bày tỏ: “Sau dịch COVID-19, giá Thanh nhãn tuy chưa khởi sắc trở lại nhưng nhiều nhà vườn vẫn tâm huyết với loài cây đã bao mùa đơm hoa kết trái, trở thành một phần trong lịch sử hình thành vùng đất này. Đặc biệt, việc TP. Bạc Liêu vừa triển khai Đề án mới đã tiếp thêm niềm tin cho người dân, rồi đây Thanh nhãn sẽ không chỉ là loại trái cây thơm ngon mà còn có nhiều hướng phát triển mới, trong đó có xây dựng tuyến du lịch vườn nhãn kết hợp nhiều mô hình trải nghiệm cho du khách”.
Sự kỳ quyết của các cấp, các ngành và nhất là sự ủng hộ, góp sức từ phía người dân sẽ hứa hẹn tạo nên những mùa “quả ngọt”, mở ra nhiều kỳ vọng về việc nâng cao giá trị sản phẩm Thanh nhãn và phát triển sinh kế của người dân đất Giồng.
NGỌC NGHI
- Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 5
- Bí thư Tỉnh ủy - Lữ Văn Hùng kiểm tra công tác triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát tại huyện Vĩnh Lợi
- Nâng cao hiệu quả việc lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về xây dựng nông thôn mới
- Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Ngô Vũ Thăng: Ngành Y tế cần chú trọng công tác đào tạo đội ngũ thầy thuốc có tay nghề cao, y đức tốt
- Thực hiện nghiêm các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực