Góc nhìn văn hóa

Lại bàn chuyện... cải lương

Thứ Hai, 18/11/2024 | 16:09

Có lần, trong chương trình “Học viện cải lương”, Nghệ sĩ nhân dân Bạch Tuyết đã nhắc lại câu đối liên quan đến cải lương được lưu truyền đến ngày nay: “Cải cách hát ca theo tiến bộ/ Lương truyền tuồng tích sánh văn minh”. Thật vậy, việc “cải cách”, làm mới cải lương luôn được nhắc lại trong mỗi mùa liên hoan, hội diễn về cải lương, như mới đây nhất là Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024, diễn ra tại TP. Cần Thơ.

Theo tổng kết của Ban giám khảo Liên hoan, trong 33 vở diễn, có 2 vở đề tài danh nhân văn hóa nghệ thuật dân tộc, 11 vở diễn đề tài lịch sử, 7 vở diễn đề tài chiến tranh cách mạng và 13 vở diễn đề tài đương đại. Qua đó cho thấy, trong sự phong phú và đa dạng về đề tài, cải lương về lịch sử vẫn là chọn lựa của nhiều đơn vị nghệ thuật, “đất sống” của nhiều nghệ sĩ.

Hình tượng anh hùng Nguyễn Trung Trực trong vở “Anh hùng đất phương Nam” tại Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024. Ảnh: C.T

Khán giả được gặp lại những nhân vật lịch sử như Bùi Thị Xuân trong vở “Tây Sơn nữ tướng” (Sân khấu Sen Việt), nhân vật anh hùng Nguyễn Trung Trực trong “Anh hùng đất phương Nam” (Công ty Giải trí Vũ Luân Entertainment). Hay “Khúc tráng ca thành Gia Định” (Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang) nhắc nhớ về chiến công của những vị anh hùng đã bảo vệ thành Gia Định trước cuộc xâm lăng của kẻ thù; “Truyền tích Cổ Loa xưa” (Công ty TNHH sự kiện giải trí Bảo Sơn và đạo diễn Dương Khôn sản xuất) khiến người ta hoài niệm, trăn trở về câu chuyện mất nước...

Ở những vở cải lương lịch sử, tâm huyết của người dàn dựng, người soạn giả, chuyển thể, tài năng của nghệ sĩ là có. Thế nhưng, khán giả có tiếp cận và hiểu biết để đam mê như mong mỏi của người dựng, người diễn hay không lại là một chuyện khác! Những vở cải lương về các triều đại có thể sẽ giúp môn Lịch sử trong nhà trường, những trang sách sống động hơn; nhưng chỉ khả thi khi có một hoạch định rộng hơn: các đơn vị nghệ thuật cần liên kết với trường học theo cách thích hợp nào đó đưa các em học sinh đến nhà hát xem cải lương để học sử, chẳng hạn.

Trong bối cảnh khán giả trẻ có quá nhiều thứ giải trí trên mạng thì việc làm sao để tiếp cận cải lương, đòi hỏi cải lương phải... cải cách! Nếu không, có khi sẽ là sự lãng phí. Và thậm chí, khi bị hổng về kiến thức lịch sử thì xem cải lương tái hiện về lịch sử, khán giả cũng chẳng hiểu gì về cốt truyện để mà thẩm thấu cái hay của thông điệp mà một tác phẩm nghệ thuật mang lại. Dù rằng, tác phẩm ấy đã được đầu tư công phu từ ca diễn, đến những yếu tố phụ họa như phục trang, đạo cụ, cảnh trí, kỹ thuật hiện đại...

Mỗi mùa liên hoan cải lương khép lại luôn mở ra cho những người có trách nhiệm gìn giữ nghệ thuật truyền thống (cụ thể là cải lương) những vấn đề cần được quan tâm, mổ xẻ thấu đáo hơn nữa. Cốt là để những giá trị văn hóa truyền thống phải phù hợp với đương đại.

Thúy Anh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.