Lãng, láng, làng…

Thứ Sáu, 13/07/2012 | 19:26

Theo chữ Hán, có nhiều mặt chữ đọc theo âm Hán Việt là “lãng”. Nhưng trong chữ nôm vẫn có từ “lãng”. Còn “láng”, “làng” là từ nôm, không có trong chữ Hán.

“Lãng” có một số mặt chữ Hán với những nghĩa chính thông dụng: sáng; sóng; bát ngát… Một âm khác của “lãng” là “lăng” (tên một bộ kinh Phật có tên là kinh Lăng nghiêm) có mặt chữ riêng. Mặt chữ này ít dùng nhưng âm có thể được dùng đối với mặt chữ “lãng” khác, nhất là đối với chữ “lãng” có nghĩa là “sáng”.

Địa bạ triều Nguyễn có nêu tên một xã ở xứ Trường Lãng (nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu dịch là Trương Lãng) thuộc tổng Long Thủy, huyện Long Xuyên, tỉnh Hà Tiên là xã Bình Lãng (nay là địa phận ấp Láng Giài, thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình). Tuy nhiên, địa danh “Bình Lãng” có lúc được viết với chữ quốc ngữ là “lăng” (Nguyễn Đình Đầu, Nghiên cứu Địa bạ triều Nguyễn, tập Hà Tiên, NXB TP. HCM, 1994, trang 179 và trang 259); có lúc được viết với chữ quốc ngữ là “lãng” (sách đã dẫn, trang 260). Nhưng cũng có thể in là “lăng” là do in nhầm.

Chữ “lãng” trong địa danh “Trường Lãng”, “Bình Lãng” có nghĩa là “sáng”.

Địa danh Trường Lãng là từ dịch nghĩa và phiên âm địa danh nôm “Láng Giài”. Bởi “trường” là “dài” (dịch nghĩa) và “láng” thành “lãng” (phiên âm). Trước đây, do không “thấy” mặt chữ nên có người cho rằng “lãng” ở đây nghĩa là “sóng”. Sở dĩ viết bằng chữ quốc ngữ “dài” là “giài” vì đây là cách viết của người dân địa phương nhưng thực chất là của người miền Bắc vào đây lập nghiệp.

“Láng” là từ nôm có nghĩa là cái láng, láng nước - một vùng đất thấp khá rộng, chứa nước, có nhiều tôm cá… Có khá nhiều địa danh sử dụng từ “Láng” như Láng Tròn, Láng Trâm, Láng Linh, Láng Thé… ở nhiều địa phương khác nhau (nhưng chủ yếu là ở ĐBSCL).

Chữ nôm, “láng” có nhiều nghĩa khác nhau ngoài nghĩa nêu trên và có nhiều mặt chữ nôm khác nhau. Riêng chữ “láng” có nghĩa là cái láng nước được viết gồm chữ “lãng” (chữ Hán; có nghĩa là “sáng”) bộ Thủy. Lúc làm địa bạ, quan lại có khuynh hướng ít dùng chữ nôm trừ khi thật cần thiết hoặc không còn cách nào khác, có lẽ vì thế mà họ đã thay chữ “láng” có nghĩa là cái láng nước bằng chữ “lãng” (chữ Hán) như đã nêu trên.

Còn chữ “làng” - chữ thuần nôm, một đơn vị hành chính tương đương với xã, thường được viết bằng chữ “lãng” (sáng) với bộ Nhân (có nghĩa là “người”); nhưng cũng cũng có người viết chữ “lãng” này với bộ Nghiễm (có nghĩa là “mái nhà”). Cả 2 cách viết đều rất hợp lý, nhìn vào mặt chữ mà biết được nghĩa đó là gì!

T.C

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.