Lễ Thanh minh: Nét đẹp văn hóa của người Bạc Liêu

Thứ Sáu, 03/04/2015 | 17:17

Từ lâu, lễ Thanh minh đã gắn liền với đời sống, trở thành nét đẹp văn hóa được người Bạc Liêu giữ gìn qua bao thế hệ…

Tháng Ba (âm lịch) về cũng là lúc Bạc Liêu ngập tràn trong không khí thành kính của ngày lễ Thanh minh. Những ngày này, tại các nghĩa trang, nghĩa địa, nhà mồ rộn rịp hẳn lên. Nhà nào nhà nấy cũng bận rộn với những phần việc tu bổ, sửa sang lại “ngôi nhà” cho người đã khuất. Nhà nào khá giả thì ốp gạch, quét vôi, còn nhà bình thường thì nhổ cỏ, đắp đất mới. Qua những công việc này, mọi người muốn thể hiện hiếu đạo và răn dạy thế hệ con cháu biết đến công lao trời biển của tổ tiên, ông bà.

Dù đang mưu sinh ở phương trời xa xôi, nhưng cứ đến dịp lễ Thanh minh là không ít người lại tìm về cố hương để làm tròn đạo con cháu. Với nhiều người, ngoài Tết Nguyên đán thì Tết Thanh minh là ngày quan trọng để người thân có dịp đoàn viên và cùng nhau tưởng nhớ người quá cố. Năm nào cũng vậy, hễ đến ngày này là gia đình anh Lê Văn Cảnh (quận 1, TP. HCM) lại quay về Bạc Liêu cùng anh em dòng họ góp một chút lòng thành để tổ chức lễ Thanh minh đầm ấm, chan hòa. “Từ những ngày còn nhỏ, tôi đã theo cha mẹ về Bạc Liêu tảo mộ ông bà trong dịp Thanh minh. Đến nay cha mẹ tôi đã già yếu thì việc làm này được tôi tiếp tục thực hiện. Thông qua đó, tôi muốn các con tôi luôn nhớ đến cội nguồn của mình”, anh Cảnh bày tỏ.

Cúng Thanh minh tại nghĩa địa phường 1 (TP. Bạc Liêu). Ảnh: H.T

Trong tiết trời trong xanh, gia đình nào cũng sắm sanh mang theo những vật cúng quen thuộc như: thịt quay, bánh, trái cây, quần áo giấy… Bên những ngôi mộ, họ bày ra các món ăn để thỉnh ông bà về hưởng và chứng giám tấm lòng của con cháu. Vui nhất là đám trẻ con được người lớn giao cho nhiệm vụ dán giấy ngũ sắc với ý nghĩa trang hoàng cho “ngôi nhà” của người quá cố thêm phần lộng lẫy. Từng nén hương khói bay nghi ngút được mọi người chuyền tay nhau thắp lên mộ, tạo nên một không khí thành kính, thiêng liêng.

Tại các nghĩa trang liệt sĩ, các phần mộ vô danh hoặc không còn người thân đến cúng viếng cũng được những gia đình khác dành cho nén hương, dĩa trái cây ân tình. Đó chính là tình người, nét đẹp văn hóa mà người còn sống ghi nhớ công lao của những người đã anh dũng hy sinh cho hòa bình hôm nay.

Thực hiện xong lễ tiết thì mọi người lại cùng nhau “hưởng lộc”. Cánh đàn ông và phụ nữ lo chuẩn bị đồ ăn, thức uống, còn đám con nít thì vừa ăn, vừa líu ríu với các trò chơi... Tại cuộc sum vầy ấm áp tình thân này, họ cùng thưởng thức những món ăn, kể cho nhau nghe những buồn vui trong cuộc sống để thắt chặt thêm tình thân máu mủ.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều hình ảnh chưa đẹp đang bắt đầu xuất hiện trong ngày lễ ý nghĩa này. Đó là việc một số gia đình lạm dụng cơ hội để vui say quá chén, hát hò ầm ĩ, vứt rác bừa bãi… làm ảnh hưởng đến việc cúng bái, mất đi sự thiêng liêng vốn có của ngày lễ.

Mong rằng, lễ Thanh minh sẽ được mọi người gìn giữ và phát huy đúng nghĩa nhất, để ngày lễ này tiếp tục làm giàu hơn bản sắc văn hóa, thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em ở vùng đất Bạc Liêu.

HỮU THỌ

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.