Văn hóa - Nghệ thuật
Lời độc ác trên mạng
Những lời nói mang tính lăng mạ, xúc phạm người khác thường chỉ bộc phát lúc người ta tức giận, không kiềm chế được cảm xúc tiêu cực đang dâng trào. Tuy nhiên, lúc lên mạng, khi vui, người ta cũng buông lời độc ác!
Đó là chuyện về những bình luận để lại trong những bài giảng về môn Ngữ văn của một giáo viên về hưu trên mạng xã hội TikTok. Bên cạnh rất nhiều bình luận thể hiện sự biết ơn, nể phục, tình cảm xúc động trước những bài giảng thấm đượm tình yêu với văn chương, tràn đầy nhiệt huyết với nghề giáo của cô, cũng có không ít bình luận xúc phạm với lời lẽ khiếm nhã khiến cộng đồng mạng cũng phải bất bình. Điều đáng nói, những bình luận này (theo xưng hô và lối viết) lại đến từ những bạn trẻ có thể còn đang ngồi trên ghế nhà trường, đến nỗi những người dùng sau đó phải thốt lên: “Đọc comment dưới clip giảng bài của cô giáo Văn trên TikTok mà sợ…”. Họ sợ những học sinh, người trẻ hôm nay bị nhấn chìm trong “năng lượng” tiêu cực và độc địa trên mạng xã hội vốn đang được tán dương bằng những hình ảnh, phát ngôn, video xấu tràn lan ở khắp các nền tảng.
Minh họa: Internet
Cố tình và ác ý hơn, là một bình luận tôi vô tình đọc được trên một clip phát trên Reel (ứng dụng phát video ngắn của Facebook). Những ngày đầu tháng 5, cả nước sống trong không khí hào hùng vào dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, những video clip về cuộc diễu binh, diễu hành chào mừng sự kiện lớn của đất nước càng hun đúc thêm tình yêu với Tổ quốc. Vậy mà trong hàng triệu người xem, hàng vạn lượt bình luận đầy niềm tự hào, xúc động, vẫn có những tiếng nói lạc lõng, từ chê bai đến mỉa mai, thậm chí là công kích công tác tổ chức vốn được thực hiện rất chặt chẽ, nghiêm túc, đảm an ninh, an toàn tuyệt đối.
Mạng xã hội là môi trường nơi người ta có thể phơi bày tất cả mặt tốt, xấu mà không sợ bị dòm ngó, phê bình. Điều nguy hại là môi trường đó có thể ươm mầm cho những cái xấu mà nếu không bị dập tắt, nó sẽ nuôi lớn những nhân cách xấu. Nhiều người dùng, phần nhiều là trẻ, thích dùng từ ngữ, lời lẽ độc ác không chỉ vì họ có tâm hồn xấu, mà đôi khi chỉ để… vui chơi, đùa cợt, chọc ghẹo, thậm chí là thể hiện cái tôi cá nhân của mình. Nhưng nếu ra sao khi việc nói ra những lời nói theo cách tiêu cực ấy lại trở thành thói quen và biến thành hành động? Vì vậy, lời độc ác trên mạng, dù để vui chơi, phá bĩnh, hay cố tình để dẫn dắt một ý đồ xấu nào đó, đều cần phải bị dập tắt, như là cách dọn rác trong tâm hồn mỗi người để những điều tốt đẹp được vươn lên.
Tâm Ngọc
- Kỳ họp thứ 25, HĐND tỉnh khóa X: Thông qua 8 nghị quyết quan trọng
- Họp thành viên UBND tỉnh: Thông qua 11 dự thảo văn bản
- Bộ Tư lệnh (BTL) Vùng Cảnh sát biển 4: Bắt giữ 3 tàu tàng trữ, vận chuyển thiết bị giám sát hành trình của tàu khác
- 100 thí sinh tham gia Hội thi Tin học trẻ cấp thành phố lần thứ XII - năm 2025
- Ban tổ chức trao giải cho các đôi VĐV đoạt giải nội dung hạng A.