Văn hóa - Nghệ thuật
Lướt mạng xã hội
Hàng quán, đồ ăn “yêu nước” rộn ràng chào mừng đại lễ 30/4
Hình ảnh những hàng quán, đồ ăn “yêu nước” được chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội trong những ngày này. Ảnh: Nguồn TikTok
Tháng 4 về, cả nước hân hoan kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất, nửa thế kỷ của một Việt Nam kiên cường, bất khuất và tràn đầy khát vọng vươn lên. Trong niềm phấn khởi đón mừng đại lễ 30/4, những ngày này, trên các mạng xã hội, cư dân mạng chia sẻ rất nhiều hình ảnh hàng quán được trang trí theo concept (ý tưởng) yêu nước, yêu hòa bình với ngập tràn màu cờ đỏ sao vàng, bản đồ đất nước Việt Nam…
Đặc biệt, năm nay nhiều hàng quán, chị em nội trợ ở các gia đình còn thi nhau sáng tạo, biến tấu đồ ăn với phiên bản “nhìn rất Việt Nam”. Đó là những chiếc bánh, phần thức ăn được tạo hình lá cờ Việt Nam, hoặc những ly nước được trang trí các phụ kiện hình cờ đỏ sao vàng… Loạt ảnh ấy khiến người xem không khỏi xúc động xen lẫn tự hào. Bởi qua đó có thể thấy, tình yêu nước không chỉ được thể hiện qua những hành động lớn lao, mà có thể bằng những việc làm giản đơn ngay từ gian bếp nhỏ.
* Cụ ông livestream kể về một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” gây sốt mạng xã hội
Cụ Đoàn Tước - người kể chuyện kháng chiến đang gây sốt mạng xã hội dạo gần đây. Ảnh: Nguồn TikTok
Thời gian gần đây, trên mạng xã hội TikTok có một cụ ông livestream kể chuyện kháng chiến thu hút hàng triệu người xem. Đó là cụ Đoàn Tước - một trong hàng vạn người lính giải phóng quân năm xưa, tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Hiện cụ đã gần 90 tuổi, mái tóc bạc phơ, làn da lấm tấm vết đồi mồi, nhưng vẫn minh mẫn ngồi kể về những năm tháng mình mới đôi mươi “có 2 ký muối, 2 lạng bột ngọt... mà xẻ dọc Trường Sơn” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cho các thế hệ sau nghe qua kênh TikTok @doan.tuoc.1938. Điều đặc biệt là các buổi live của cụ không chỉ thu hút thế hệ lớn tuổi mà còn có rất nhiều người trẻ.
Nhiều người cho rằng, thay vì xem live drama thì đây là kênh live mà mọi người nên xem, nhất là các bạn trẻ, để hình dung rõ hơn những gian khổ, hy sinh, để tự hào hơn về “chân đồng, vai sắt và ý chí thép” của ông cha ta ngày trước, để thêm yêu đất nước, quê hương và để biết “sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”…
Huyền Huyền