Văn hóa - Nghệ thuật
Lướt mạng xã hội
“Cơm nước gì chưa người đẹp” - câu hỏi cũ rích bỗng thành hot trend
Những hình ảnh, clip bắt trend “cơm nước gì chưa người đẹp”. Ảnh: Nguồn Facebook, TikTok
Dạo gần đây, lướt Facebook, Zalo, TikTok…, thường xuyên bắt gặp câu “Cơm nước gì chưa người đẹp” được nhiều người, trong đó có cư dân mạng Bạc Liêu đưa vào các hình ảnh, clip và những bình luận, đoạn chat trên mạng.
Được biết, câu nói này khởi xướng từ TikToker Nghi Khùn (tên thật là Hoàng Nghi Bảo). Trong clip, Nghi Khùn duyên dáng dùng giọng điệu của người miền Tây hỏi: “Cơm nước gì chưa người đẹp? Lướt TikTok hoài dạ?...”. Chính sự thân thiện và giản dị của câu nói vốn cũ rích này làm cho nó nhanh chóng trở nên viral khi có hàng trăm hình ảnh, clip bắt trend.
Nhưng đâu chỉ bắt trend nguyên văn, cư dân mạng còn sáng tạo, biến tấu câu nói này theo nhiều hướng khác nhau để phù hợp với ngữ cảnh, chẳng hạn như: “Học hành gì chưa người đẹp”, “Bồ bịch gì chưa người đẹp”, “Lãnh lương gì chưa người đẹp”, “Khóa cửa gì chưa người đẹp”, “Tắm rửa gì chưa người đẹp”… Qua các hình ảnh, clip, cuộc giao tiếp có thể thấy, đây không chỉ là một câu hỏi thăm, mà còn như một kiểu tương tác hài hước trong những cuộc trò chuyện, hoặc làm tăng độ dí dỏm cho các hình ảnh, clip…
* Băn khoăn với trend lên đồ bằng AI
Với tính năng “Tủ đồ AI” của ứng dụng BeautyCam, chỉ với vài thao tác đơn giản, người dùng sẽ được “lên đồ” ảo như thật. Ảnh: Nguồn TikTok
Cũng sôi nổi không kém trend “Cơm nước gì chưa người đẹp” trong những ngày qua là trend “lên đồ bằng AI”, với vô vàn trang phục, từ váy dạ hội lộng lẫy, trang phục công sở lịch thiệp đến phong cách streetwear năng động…, trong đó hot rần rần là “chiếc váy hồng lấp lánh 2 dây”. Từ những cô nàng xinh xắn cho đến những anh chàng cơ bắp cũng hào hứng đu trend. Những mẫu váy áo này được tạo ra bởi tính năng “Tủ đồ AI” của ứng dụng chụp và chỉnh ảnh Trung Quốc có tên BeautyCam. Sau khi người dùng chụp ảnh mới hoặc chọn ảnh có sẵn, vào mục “Tủ đồ AI”, nó sẽ tự động nhận diện cơ thể, phân tích các đặc điểm trên ảnh và chỉ mất vài giây xử lý, người trong ảnh sẽ được “lên đồ” như ý muốn.
Tuy nhiên, bên cạnh sự hào hứng “đu trend”, nhiều người cũng bày tỏ lo ngại các ứng dụng chỉnh sửa ảnh sống ảo tích hợp AI có thể là những “cái bẫy công nghệ”. Bởi khi cài đặt ứng dụng, người dùng thường bị yêu cầu cấp quyền truy cập vào ảnh, camera, bộ nhớ thiết bị và thậm chí cả dữ liệu cá nhân khác, từ đó có thể bị lộ lọt dữ liệu, bị mã độc xâm nhập thực hiện lừa đảo trực tuyến.
Ngoài nguy cơ rò rỉ dữ liệu thì nhiều người còn cho rằng tính năng này còn cổ súy quan điểm thẩm mỹ độc hại. Thay vì hưởng ứng sự đa dạng hình thể, BeautyCam “lăng xê” dáng người thon gọn hoàn hảo khiến người dùng có thể bị phụ thuộc vào hình ảnh ảo và cảm thấy không hài lòng với vẻ ngoài của mình trong thực tế. Bởi vậy, cần cân nhắc kỹ khi đu trend này.
Huyền Huyền
- Tiếp tục cấp đổi GPLX ô tô đối với những trường hợp sắp hết hạn
- Hội thảo Công bố kết quả nghiên cứu về “Tăng cường sự tham gia vào lãnh đạo, quản lý của phụ nữ tại tỉnh Bạc Liêu”
- Hội thi công tác chuẩn bị huấn luyện năm 2025
- Hội thảo "Ứng dụng phương pháp giáo dục STEM/STEAM trong cơ sở giáo dục mầm non"
- Tổng kết công tác quốc phòng ở bộ, ngành Trung ương và địa phương