Văn hóa - Nghệ thuật
Lưu giữ văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer: Vun đắp tình yêu,trách nhiệm cho lớp kế thừa
Sinh ra, phát triển trong đời sống và sinh hoạt tín ngưỡng của đồng bào Khmer, nhiều nét văn hóa, loại hình nghệ thuật dân gian trải qua thăng trầm của thời gian nay đã trở thành những di sản độc đáo. Dẫu vậy, việc lưu giữ và phát huy giá trị văn hóa Khmer đang gặp không ít khó khăn, nhất là việc thưa vắng thế hệ kế thừa nên rất cần những cách làm hay, sự hỗ trợ thỏa đáng trước nguy cơ mai một ngày càng lớn dần.
NHẬN DIỆN NGUY CƠ MAI MỘT
Trải qua quá trình sáng tạo, kế thừa và phát triển, nền văn hóa của đồng bào Khmer trên quê hương Bạc Liêu không chỉ đa dạng, rực rỡ mà còn mang giá trị hết sức độc đáo. Điều đó được thể hiện rõ nét trong cách người Khmer thực hành các phong tục, nghi lễ tín ngưỡng vào các dịp lễ hội, trong văn hóa ẩm thực, trang phục, trình diễn nghệ thuật dân gian, nghệ thuật kiến trúc…
Dù được hình thành lâu đời nhưng nhiều nét văn hóa, loại hình nghệ thuật của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào Khmer nói riêng được nhận định là dễ bị mai một, biến dạng trước xu thế hội nhập văn hóa phương Tây. Tại những lễ hội cổ truyền trong thời gian gần đây, việc người Khmer, nhất là các bạn trẻ mặc trang phục dân tộc ngày càng ít đi mà thay vào đó là những bộ quần áo theo phong cách Hàn Quốc, Dubai… Thực trạng trên không chỉ xuất phát từ việc tiếp nhận thiếu chọn lọc những luồng văn hóa mới, tư tưởng sính ngoại của một bộ phận thanh niên mà còn là do công tác tuyên truyền chưa thật sự được chú trọng.
Dễ bị thất truyền còn có các loại hình nghệ thuật truyền thống khi phải đau đầu, đỏ mắt tìm đội ngũ gánh vác trọng trách bảo tồn văn hóa dân tộc. Vài năm trở lại đây, nguồn nhân lực trong các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp cho đến các câu lạc bộ (CLB), đội văn nghệ của các chùa Khmer trong tỉnh bắt đầu già hóa. Nhiều nơi cố gắng tập hợp, thu hút thanh niên vào các đội văn nghệ nhưng do thiếu kinh phí sinh hoạt, chất lượng đào tạo không đáp ứng nên dẫn đến hoạt động rời rạc, kém hiệu quả. Đặc biệt, nhiều thanh niên dù có năng khiếu nghệ thuật nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên không thể theo đuổi đam mê.
Các bạn trẻ tham gia múa Rôm-vông trong Lễ hội Oóc-om-bóc năm 2024 của đồng bào Khmer. Ảnh: H.T
PHÁT TRIỂN “HẠT NHÂN” TRẺ
Ở phum sóc, việc trẻ em Khmer biết múa, biết hát trước khi biết đọc, biết viết được truyền tai nhau đã chứng minh văn hóa - nghệ thuật có sức ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống tinh thần của người dân nói chung, thế hệ trẻ nói riêng. Như khẳng định của ông Thạch Đờ Ni - Ban chủ nhiệm CLB Nghệ thuật dân gian Khmer Bạc Liêu, giới trẻ chưa bao giờ quay lưng với nghệ thuật dân tộc, việc khó thu hút thanh niên đến với nghệ thuật nằm ở vấn đề tập hợp, đào tạo chưa phù hợp. Minh chứng là các chùa Khmer trong tỉnh đã có đội văn nghệ riêng để phục vụ các dịp lễ, tết của đồng bào dân tộc.
Xuất phát từ thực trạng dễ mai một và yêu cầu bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc, Hội Văn nghệ dân gian Bạc Liêu đã thành lập CLB Nghệ thuật dân gian trên cơ sở tập hợp các thành viên của đội nhạc ngũ âm, đội múa Rô-băm, đội trống Chhay-dăm của chùa Giá Rai mới (TX. Giá Rai) để làm nền tảng. Qua hơn 6 tháng thành lập, CLB với phần lớn thành viên là các bạn trẻ ở địa phương đã hoạt động sôi nổi, thường xuyên tham gia các liên hoan trình diễn nhạc ngũ âm, múa dân tộc và phục vụ các lễ hội Khmer trong tỉnh.
Còn tại chùa Đìa Chuối (xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình), nhiều bạn trẻ, học sinh đã tạo ra các đội, nhóm văn nghệ như: nhóm múa Rôm-vông, nhóm hát, đội trống Chhay-dăm, đội ngũ âm. Là những đội, nhóm nhỏ nhưng đó là tất cả tâm huyết của các bạn trẻ để tạo sự lan tỏa về tình yêu bản sắc văn hóa, góp phần giữ gìn những nét đẹp của dân tộc.
Việc thành lập các đội, nhóm văn nghệ Khmer trong tỉnh đã bước đầu vun đắp tình yêu, trách nhiệm bảo tồn văn hóa dân tộc trong thế hệ kế thừa. Song, việc không có kinh phí, công tác đào tạo thiếu chuyên sâu nên chất lượng hoạt động của các đội, nhóm chưa như kỳ vọng. Chính vì vậy, sự quan tâm hỗ trợ về vật lực, phát triển nhân lực trẻ từ các ngành, các cấp là hết sức cần thiết để văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer bền bỉ thăng hoa với thời gian.
HỮU THỌ
- Hội thảo "Ứng dụng phương pháp giáo dục STEM/STEAM trong cơ sở giáo dục mầm non"
- Tổng kết công tác quốc phòng ở bộ, ngành Trung ương và địa phương
- Bãi rác gây mất mỹ quan ở Khu du lịch ven biển Nhà Mát đã được xử lý
- Huyện Hòa Bình: Trên 730 vận động viên tham gia Đại hội Thể thao học sinh năm 2025
- Xây dựng đề án chuyển đổi số tỉnh Bạc Liêu