Góc nhìn văn hóa

Một nửa sự thật!

Thứ Tư, 11/10/2023 | 15:20

Ngạn ngữ có câu “nửa trái táo thì vẫn là trái táo nhưng một nửa sự thật thì không phải là sự thật”. Dẫu vậy thì người ta vẫn cứ thích nhìn vào một nửa sự thật để đánh giá toàn bộ câu chuyện, nhất là trong thời đại bùng nổ của mạng xã hội, ai cũng có quyền bình luận, phán quyết, thậm chí là kết án mà không cần biết đến sự thật!

Cứ như theo mùa, mỗi độ tháng 9, tháng 10 hằng năm là mạng xã hội lại đồng loạt rộ lên những câu chuyện về giáo dục. Nơi này phụ huynh đăng hình một danh sách dài dằng dặc những món thu chi đầu năm học; chỗ kia học sinh đăng clip đánh nhau sứt đầu, mẻ trán như một kiểu khoe “chiến tích”. Dạo gần đây còn xuất hiện thêm xu hướng đăng clip giáo viên có hành vi không đúng chuẩn như lăng mạ, đánh mắng học sinh… khi mà tiếng trống khai giảng năm học mới vừa dứt.

Theo tâm lý đám đông, những hình ảnh, đoạn clip mang tính kích động như thế luôn thu hút đông đảo lượt xem, lượt chia sẻ. Tâm lý bức xúc, tức giận và kéo theo đó là hành vi “đòi công lý cho bằng được” cứ thế mà lan nhanh, tạo nên những con sóng mạnh mẽ trong dư luận xã hội, bất chấp những giải trình, những câu chuyện đầy đủ phía sau hình ảnh, đoạn clip ấy. Nhất là vào đầu năm học mới, thời điểm mà sự chú ý của toàn xã hội đều dành cho trường lớp, giáo viên và học sinh. Mạng xã hội thì lại quá nhạy bén để đánh trúng tâm lý người dùng nhằm tạo ra sự tương tác khủng với những nội dung được xem là “hot”.

Minh họa: Internet

Vì vậy, dù người trong cuộc đã giải trình, phía nhà trường cũng xác nhận nhưng không ai chấp nhận sự thật nguyên nhân cùng toàn bộ câu chuyện cô giáo lại “kéo xềnh xệch” học sinh quỳ gối trước lớp. Cũng không ai muốn nghe người thầy kể đầu đuôi sự việc dẫn đến hành vi la mắng học sinh ngay trong lớp học. Và chắc chắn sẽ chẳng mấy ai thắc mắc: vì sao ngay tại thời điểm nhạy cảm, mấu chốt của vụ việc, tưởng như là xảy ra đột ngột, lại có sẵn một ống kính điện thoại chĩa vào để bắt cận cảnh, giống như đang đợi sẵn hành động đó xảy ra?

Một nghiên cứu gần đây của ngành chức năng cho thấy, nếu tâm lý học đường ngày càng được nhắc nhiều với yêu cầu quan tâm hơn nữa tâm lý của học sinh thì ngược lại, chẳng nhiều người nói đến vấn đề tâm lý của giáo viên. Xuất phát từ quan điểm: làm giáo viên là chuẩn mực, hoạt động của giáo viên là chủ động, không bị kiểm soát và áp lực từ bài vở, từ các mối quan hệ nên không có gì nặng nề. Tuy nhiên, trên thực tế, áp lực của giáo viên nặng nề không kém học sinh, thậm chí còn nhiều hơn vì ngày càng thiếu sự đồng cảm từ phía nhà trường, phụ huynh và rộng hơn là toàn xã hội. Cây roi trong giáo dục ngày xưa được coi biểu hiện của tình thương, kỷ luật trong nhà trường “thương cho roi cho vọt” thì nay lại bị lên án một cách mạnh mẽ. Mối quan hệ của thầy - trò ngày xưa được xem là chuẩn mực của các mối quan hệ điển hình trong xã hội thì ngày nay đã bị xem nhẹ hơn rất nhiều, thậm chí là bình đẳng theo văn hóa ngoại lai. Từ đó, hình ảnh người thầy trên mạng xã hội không còn vẻ lung linh nữa, tích cực thì mang nét gần gũi đời thường, tiêu cực thì “trần trụi” đến bị bôi nhọ.

Chưa kể đến việc bị các thế lực thù địch cố tình xuyên tạc, kích động để người dân quay lưng với nền văn hóa, giáo dục nước nhà, chính những người đưa những hình ảnh, đoạn clip tiêu cực về trường lớp lên mạng xã hội chắc gì đã có thái độ xây dựng môi trường giáo dục tốt hơn? Bởi họ chưa kể hết toàn bộ sự thật mà chỉ mới diễn tả một nửa sự thật. Và những người vội vàng bình luận, kết án “đanh thép” theo những gì trông thấy có chắc chắn muốn công tác quản lý giáo dục tốt hơn hay chỉ đơn giản là góp phần làm nóng mạng xã hội cho vui, cho thỏa tâm lý “hóng hớt” của mình?

Một nửa sự thật, chưa bao giờ là sự thật!

Tâm Ngọc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.