Văn hóa - Nghệ thuật
Nặng thương một chữ “quê”
Anh không phải là nhà thơ “chính hiệu”, lại từng kinh qua những chức trách toàn ở cương vị “nhà quản lý”, thế nhưng thơ anh lại rất ngọt và sâu lắng - nhất là khi nhắc đến chữ quê. Tập thơ anh ra mắt lần này cũng gói gọn trong hai chữ “Tình quê” - tên một tập thơ của Nguyễn Vũ, do Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh ấn hành.
Anh Nguyễn Vũ hiện là Chủ tịch Liên hiệp các Hội VH-NT tỉnh Bạc Liêu. Từng là cán bộ lãnh đạo một huyện, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường, sau đó làm quản lý lĩnh vực văn hóa, rồi mới về với mái nhà… Hội như hiện nay. Anh đa năng, nhưng dù ở cương vị nào, khi “thoát vai”, anh lại mang phong thái điềm đạm, tâm hồn lãng tử. “Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người…”, ai cũng có bên mình một hình bóng quê hương để thương, để hoài niệm. Nguyễn Vũ cũng vậy, nhớ đến khắc trong tâm khảm những hình ảnh không thể xóa nhòa về quê hương yêu dấu của mình.
Thì đây, có đến 8/41 bài thơ trong tập “Tình quê” nhắc đến chữ “quê”. Và những bài còn lại, không viết chữ quê thì cũng là đề cập những chữ na ná với quê, nào là bến xưa, nẻo về, chốn cũ, vầng trăng đêm ấy, dòng sông, hoa bí… Trong những bài thơ thấm đượm tình quê của anh, tôi thương nhất bài “Sông quê”, ngắn gọn, súc tích mà thâm thúy từng chữ: “Sông quê bên lở bên bồi/ Bên còn trở gió bên phôi phai chiều/Sông dài ngọn gió đìu hiu/Đò qua bến lở nước liu riu buồn/Lục bình tím một bờ mương/ Bậu còn đứng đó để thương một người?” (Sông quê). Thương đứt ruột làm sao cái câu kết “đứng đó để thương một người”, đó là cái dáng đứng thủy chung, mộc mạc, chân chất như biết bao mối tình quê gửi lại trên một khúc sông quê nào đó trên dọc dài đất nước này.
Quê có gì để người ta yêu, người ta nhớ đến gieo vào thơ những câu chữ ngọt lịm như vậy? Vì quê là nơi nuôi ta khôn lớn, có bóng dáng tảo tần của mẹ, giọt mồ hôi thấm mặn, sờn vai áo cha, có khúc đồng dao thả tuổi thơ ta trên cánh đồng chiều nhạt nắng. Và đâu thể nào quên về một mối tình đầu ở đó: “Khúc sông bên lở bên bồi/Em ngồi giặt áo để tôi thương thầm/Để dòng sông hẹn trăm năm/Để cho người nhớ về thăm một người”… Dòng sông thì chảy suốt trăm năm, còn người có về thăm một người hay không thì nỗi nhớ vẫn vẹn nguyên nơi đó…
Ngay cả khi không tả về quê nữa, Nguyễn Vũ vẫn ám ảnh bởi chữ quê, chất quê trong lời thơ của mình, hãy đọc bài thơ “Nhà ở phố”: “Trước nhà có một khoảng trời/Sau nhà có mấy cây xoài thanh ca/Cái sân nhỏ có nhiều hoa/Mỗi ngày nắng phía hàng ba nắng vào/Đèn bên phố sáng thâu đêm/Nhà ở phố nhớ dưới thềm ánh trăng”. Ở phố mà hồn quê cứ cuộn vào tâm trí nên nhìn đâu đâu cũng thấy hình ảnh chân quê…
Kỷ niệm và tình yêu tha thiết với quê cha đất mẹ, một tâm hồn giàu cảm xúc và lắm đa đoan, tất cả chính là chất xúc tác để 41 bài thơ trong “Tình quê”, dù sáng tác ở khía cạnh nào cũng đều nặng thương một chữ “quê” trong đó.
Nhật Quỳnh
- Long trọng Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
- Đoàn đại biểu tỉnh Ninh Bình đến Bạc Liêu dự mít-tinh kỷ niệm Ngày 30/4
- Lãnh đạo Tỉnh ủy kiểm tra các hạng mục khánh thành Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu
- Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 4 - năm 2025
- Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng biểu diễn nghệ thuật phục vụ cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân khu vực biên giới biển