Văn hóa - Nghệ thuật
Nêm gia vị đúng cách
Gia vị cũng giống như bất kỳ một nguyên liệu nào trong nấu ăn, nếu dùng quá nhiều hay nêm không đúng lúc cũng như không xử lý đúng cách sẽ gây biến chất, không còn giữ được dinh dưỡng mà còn gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Muối
Với món canh, nên nấu đến khi chất ngọt từ thịt, cá tiết ra rồi sau đó mới nêm muối, chú ý nêm khi canh vừa sôi. Với món kho và chiên, nên ướp muối trước khi nấu sẽ giúp không làm giảm độ ngọt tự nhiên của thịt, cá. Khi nước vừa sôi, cho muối vào trước khi cho rau củ vào luộc sẽ giúp rau xanh mướt, không bị thâm đen.
Đường
Đối với các món canh cần nêm đường, tốt nhất nên nêm khi nước vừa sôi và món ăn sắp chín. Với các món kho, cần ướp đường vào thức ăn trước cho ngấm, có thể nêm thêm trong quá trình nấu. Có thể nêm đường khi đang chế biến món xào sau khi đã cho muối vào, sẽ giữ được vị ngọt của thực phẩm. Với món chiên hay nướng, món ăn rất dễ cháy, khét, do đó khi ướp nên cho ít đường, hoặc làm riêng phần nước sốt, hay thay thế bằng mật ong để phết lên nguyên liệu khi chiên/nướng.
Bột ngọt
Bột ngọt không nên dùng để tẩm ướp, không được cho vào thức ăn lúc lửa to, gây phân hủy thành các chất độc hại. Tốt nhất, chỉ nên cho lúc thức ăn đã chín, chuẩn bị tắt bếp hay vừa tắt bếp xong, đã giảm bớt độ nóng.
Hạt nêm
Hạt nêm có vị mặn, có hương vị của thịt hoặc nấm nên có thể dùng để ướp hay nấu ăn đều được. Không nên cho hạt nêm vào món ăn sau khi đã chín vì như thế hạt nêm không tan được và làm cho món ăn bay mùi của hạt nêm rất đậm.
Nước mắm
Nước mắm dễ bị biến đổi mùi vị trong quá trình nấu do đó với các món canh, súp hay cháo, nêm nước mắm khi món ăn đã chín và tắt bếp ngay. Nên ướp thực phẩm với nước mắm trước khi chế biến không quá 30 phút, không nên ướp nước mắm với các món nướng.
Hạt tiêu
Đối với tiêu xay, tốt nhất là cho vào món ăn khi đã nấu chín hoặc rắc lên bề mặt món ăn khi dọn ra. Riêng tiêu hạt tươi, nên cho vào ngay khi bắt đầu chế biến các món canh, hầm, tiềm. Không nên ướp tiêu trước khi chế biến vì một số chất trong hạt tiêu sẽ biến thành chất độc.
Giấm
Thời điểm thích hợp nhất để cộng hưởng giấm vào món ăn là lúc bắt đầu chế biến hoặc khi đã chế biến xong, không nên cho vào lúc đang chế biến vì hương vị của nó sẽ phá hủy mùi hương món ăn. Mặt khác, cho giấm vào lúc món ăn đang ở nhiệt độ cao cũng sẽ gây ảnh hưởng đến chất dinh dưỡng trong món ăn đó. Như món sườn xào chua ngọt, nên cho giấm vào khi thức ăn đã chín, vừa thơm hơn, vừa giảm vị ngấy.
N.B