Văn hóa - Nghệ thuật
Nét đẹp mùa Vu lan
Đã ăn sâu vào tâm thức của người Việt, Vu lan là một trong những ngày lễ truyền thống đặc biệt quan trọng và mang đậm nét đẹp văn hóa của dân tộc - văn hóa hiếu đạo. Đây là dịp để phận làm con dù hạnh phúc được cài lên ngực đóa hoa hồng đỏ, hay không may phải cài đóa hoa hồng trắng thì vẫn luôn dành trọn sự hiếu kính với đấng sinh thành, sâu xa hơn là ông bà tổ tiên của mình.
Phật tử cài hoa hồng cho ông bà, cha mẹ trong lễ Vu lan năm 2022. Ảnh: P.A
MỖI NGÀY ĐỀU LÀ VU LAN
Ngày Rằm tháng 7 đang đến gần, các cơ sở Phật giáo trong tỉnh tất bật trang hoàng cờ ngũ sắc, chuẩn bị chu đáo các điều kiện để tổ chức lễ Vu lan thật trang nghiêm. Sau 2 năm tạm hoãn vì ảnh hưởng của dịch COVID-19, mùa lễ năm nay diễn ra trong sinh khí vui tươi, tăng ni và phật tử cùng hòa mình vào không gian của các nghi lễ Phật giáo để bày tỏ lòng tri ân đến đức Phật, công ơn sinh thành và dưỡng dục của song thân dù còn sống hay đã quá cố.
Vào dịp Vu lan, người người rủ nhau đến chùa nguyện cầu, cúng dường để ước nguyện sự bình an, sức khỏe cho cha mẹ già và gia đình. Vì thế, đi chùa cầu an đã trở thành một nét sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa tốt đẹp trong mùa báo hiếu. Tuy nhiên, theo quan niệm của Phật giáo, giá trị thật sự của Vu lan nằm ở những tình cảm yêu thương, sự hiếu thảo được xuất phát từ suy nghĩ đến những việc làm trong cuộc sống hàng ngày. Báo hiếu không chỉ vào lễ Vu lan mà mỗi ngày đều là Vu lan.
Thượng tọa Thích Giác Nghi - Trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam tỉnh Bạc Liêu, cho biết: “Sau 3 tháng an cư kiết hạ, chư tôn đức đón một sự kiện mới là mùa Vu lan báo hiếu, khơi nguồn tâm hiếu hạnh, hiếu đạo cho người con với đấng sinh thành. Trong kinh “Đại thừa Bổn sanh Tâm địa quán”, đức Phật đã dạy, ơn (ân) của thế gian và xuất thế gian có 4 bậc: ân cha mẹ, ân chúng sanh, ân quốc vương và ân tam bảo. Như vậy, ân cha mẹ là một trong 4 ân lớn nhất, còn gọi là một trong tứ đại trọng ân. Chúng ta đang đứng trước đại lễ Vu lan thiêng liêng tri ân đến đấng sinh thành. Biết bao niềm xúc động tưởng nhớ đến tình yêu thương của cha mẹ suốt cuộc đời đã dành trọn cho chúng ta…”.
Cũng theo Trưởng Ban trị sự GHPG tỉnh, ân cha mẹ không thể đáp đền trong một sớm một chiều hay trong ngày lễ Vu lan, thậm chí cả cuộc đời này. Do vậy, báo hiếu cha mẹ không có nghĩa là đến chùa cúng bái mà phải xuất phát từ tình cảm chân thành. Hiếu đạo không chỉ làm trong dịp lễ mà phải thể hiện trong đời sống hàng ngày.
Chùa Bửu Linh và phật tử tặng quà cho người già neo đơn, người yếu thế trên địa bàn huyện Hòa Bình.
LAN TỎA NÉT ĐẸP HIẾU HẠNH
Ngoài nguyện cầu những điều tốt đẹp cho cha mẹ còn sống, hay tưởng niệm cầu siêu cho người đã khuất, tinh thần Thông bạch lễ Vu lan năm 2022 của GHPG Trung ương còn hướng tăng ni, phật tử đến việc yêu thương, giúp đỡ mọi người vượt qua khó khăn. Đó cũng là việc làm ý nghĩa nhất để báo hiếu, hồi hướng công đức đến những người đã sinh thành chúng ta.
Xuất phát từ ý nghĩa đó, Ban trị sự GHPG các cấp, các cơ sở Phật giáo đã khơi dậy lòng yêu thương, sẻ chia giữa người với người thông qua nhiều hoạt động thiện nguyện trong những ngày này. Đơn cử là tại chùa Linh Ứng (xã Điền Hải, huyện Đông Hải), nhóm phật tử đã mang đến những phần quà thiết thực cho người dân có hoàn cảnh khó khăn. Những phần quà chỉ gồm có gạo, nhu yếu phẩm nhưng đã góp phần làm ấm lòng, làm vơi bớt phần nào sự thiếu thốn của bà con xóm biển.
Cũng góp phần lan tỏa vẻ đẹp mùa hiếu hạnh, nhóm phật tử “Tâm từ bi” (TP. Hồ Chí Minh) đã đồng hành với chùa Bửu Linh (thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình) tặng hàng trăm phần quà cho người già neo đơn, người yếu thế và những bệnh nhân đang điều trị ở Trung tâm Y tế huyện. Trong số đó có những người cha, người mẹ vẫn còn vất vả trong cuộc mưu sinh đã tìm thấy niềm vui, tình yêu thương của xã hội trong mùa Vu lan về.
Chị Nguyễn Thị Hoa (TP. Bạc Liêu) là phật tử được chọn cảm niệm về ơn đức cha mẹ trong lễ Vu lan năm nay do Ban trị sự GHPG Việt Nam tỉnh tổ chức. Hàng năm, chị và mẹ vẫn thường đi chùa lễ Phật cầu an trong dịp lễ Vu lan và tự tay chị cài lên ngực của mẹ đóa hoa hồng đỏ, với niềm hạnh phúc vì vẫn còn có mẹ bên mình. Chị Hoa bộc bạch: “Đôi dòng cảm xúc trong bài cảm niệm không thể nào đo đếm hết công ơn sinh thành, dưỡng dục và sự hy sinh một đời của cha mẹ. Theo quy luật của thời gian, cha mẹ rồi cũng già đi nên tôi luôn trân trọng những phút giây được kề bên để dành thật nhiều tình cảm yêu thương, sự chăm sóc. Đó cũng là cách để tôi giáo dục các con, góp phần gìn giữ truyền thống hiếu đạo trong gia đình”.
Vu lan là dịp để nhắc nhớ chúng ta về công cha, nghĩa mẹ và đề cao tinh thần hiếu đạo - một truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Tuy nhiên, món quà thật sự giá trị mà mọi bậc làm cha mẹ vẫn mong nhận nhất chính là con cái luôn nghĩ và làm những việc hiếu thảo. Bởi, chỉ có tấm lòng hiếu hạnh mới mãi là đóa hoa tươi thắm nhất để tri ân sinh thành sâu nặng.
PHƯƠNG ANH
- Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều chỉ đạo về việc chủ động ứng phó với bão số 10
- Tỉnh ủy Bạc Liêu: Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18 của BCH Trung ương Đảng khóa XII
- Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng
- Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Sắp xếp, tinh gọn bộ máy là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, cấp bách
- Bộ Y tế triển khai nhiệm vụ năm 2025