Nét đẹp văn hóa cộng đồng của đồng bào dân tộc Khmer

Thứ Sáu, 15/04/2022 | 16:08

Những ngày này, rộn ràng trên phum sóc là không khí đón Tết cổ truyền Chôl-chnăm-thmây của đồng bào dân tộc Khmer. Đây được xem là một trong những nét văn hóa độc đáo của đồng bào. Trong từng lễ hội của đồng bào Khmer Nam Bộ nói chung, Bạc Liêu nói riêng, nét đẹp của sinh hoạt văn hóa cộng đồng chính là bản sắc văn hóa được đồng bào ra sức gìn giữ, phát huy giá trị từ bao đời nay.

Phong tục đắp núi cát (tổ chức ở chùa Kim Cấu, xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu) trong Tết cổ truyền Chôl-chnăm-thmây của đồng bào Khmer. Ảnh: M.Đ

Sắc màu của lễ hội

Về Hưng Hội (huyện Vĩnh Lợi) những ngày này, nhìn ngắm không khí đón tết rộn ràng của bà con, tháp tùng cùng những chuyến thăm hỏi của các cấp chính quyền đến các chùa chiền, các gia đình chính sách dân tộc Khmer..., mới thấy rõ sự vui tươi, đầm ấm của Chôl-chnăm-thmây. Trên từng phum sóc ở Bạc Liêu, từ sự chăm lo của Đảng, các cấp chính quyền, các ban ngành bằng nhiều chính sách kịp thời, hợp lòng dân, đời sống đồng bào Khmer ngày càng khởi sắc.

Ngoài Chôl-chnăm-thmây, nhiều lễ hội khác như Sen Đôn-ta, Oóc-om-bóc, lễ Dâng y, lễ Dâng bông..., sắc màu của lễ hội như một bức tranh đẹp phản ánh đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ. Nét đẹp của sinh hoạt văn hóa cộng đồng chính là yếu tố quan trọng cấu thành sắc màu đó.

Trong từng lễ hội luôn là những nghi thức mang tính cộng đồng như cùng nhau chuẩn bị vật phẩm (nhang, đèn, hoa quả...) mang đến chùa để làm lễ, dâng cơm cho sư sãi ở chùa, cùng thực hiện nghi lễ tắm tượng Phật... Ở lễ Dâng bông, Dâng y, Oóc-om-bóc nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, ta thấy không khí rộn ràng của sinh hoạt cộng động thể hiện rất rõ. Đó là những đám rước quanh phum sóc và quanh chánh điện với đoàn người đủ già trẻ, gái trai ăn mặc thật đẹp, chú khỉ Hanuman hay Chằn nhảy múa trong trống nhạc rộn ràng; các hoạt động văn nghệ, vui chơi - giải trí...

Một đám rước - nghi thức trong lễ Dâng bông của đồng bào Khmer được tổ chức trên đường Trần Phú (TP. Bạc Liêu). Ảnh: C.T

Đoàn kết giữ bản sắc văn hóa

Lễ hội của đồng bào Khmer gắn liền với đạo đức, lối sống và ước nguyện của con người trong cuộc sống. Tình đoàn kết của đồng bào được thắt chặt hơn, từ đó tạo thành nét đẹp văn hóa cộng đồng - bản sắc đặc trưng của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ.

Một thiết chế văn hóa đặc biệt chính là chùa chiền. Bạc Liêu có hơn 20 ngôi chùa Khmer là nơi thể hiện rõ nhất nét đẹp của sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Không chỉ là nơi sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng, chùa còn là thư viện tàng trữ các thư tịch cổ, nơi bảo tồn, lưu giữ di sản văn hóa của phum sóc qua các thời kỳ lịch sử; là nơi truyền đạo lý Phật giáo và dạy chữ nghĩa cho con em đồng bào... Phát biểu tại một chuyến thăm hỏi các chùa Khmer trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Cao Xuân Thu Vân cho rằng các chùa Khmer phải là điểm du lịch (DL) để đồng bào khá lên từ DL, nhất là chùa Xiêm Cán (một thiết chế văn hóa đặc biệt đã phát huy công năng làm DL trong nhiều năm qua - PV). Chùa mang nhiều nét đẹp độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc rất thu hút du khách. Như vậy, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc, trong đó có đồng bào Khmer, còn được tỉnh đặt thành nền tảng để hình thành nên các sản phẩm, chương trình DL để giới thiệu tới du khách.

Trong quá trình lao động, sản xuất, hội nhập và phát triển, đồng bào Khmer vẫn lưu giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc, góp phần xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc. Trong đó, tính cộng đồng bền vững chính là không gian sinh tồn mà trong đó văn hóa dân tộc giữ gìn và phát triển.

Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.