Nghe bản vọng cổ “Làng chiếu quê em” - nhớ Hồng Dân

Thứ Sáu, 06/11/2015 | 17:34

Đêm Giới thiệu tác giả - tác phẩm do Liên hiệp các Hội VH-NT tỉnh tổ chức vừa qua đã gợi trong tôi cũng như bao người niềm tin yêu và hình ảnh của quê hương đang từng ngày thay da, đổi thịt. Bản vọng cổ “Làng chiếu quê em” của tác giả Trần Trường Giang (Công an tỉnh Bạc Liêu) được trình diễn đêm hôm ấy như một dấu chấm phá tuyệt vời về hình ảnh một làng nghề truyền thống ẩn chứa vẻ đẹp thiên nhiên thơ mộng cùng những người thợ chân chất, hiền hòa. Hình ảnh ấy làm tôi cứ mãi nghĩ suy, muốn nói lên bao nỗi niềm, tình cảm thân thương về làng chiếu Ngan Dừa (huyện Hồng Dân).

Các ca sĩ thể hiện bản vọng cổ “Làng chiếu quê em” của tác giả Trần Trường Giang (Công an tỉnh Bạc Liêu). Ảnh: H.T

THƯƠNG LẮM CHIẾU NGAN DỪA!

“Hò ơi…! Người Hồng Dân thật thà như đếm/ Chiếu Ngan Dừa vang tiếng nơi nơi/ Chiếu tình, chiếu nghĩa ai ơi!/ Em lựa từng sợi lác, dệt lời yêu… thương…”. Câu hò bình dị thân thương nhưng nghe qua sao thấm đượm tình quê hương, xứ sở. Chiếu Ngan Dừa từ lâu đã vang tiếng gần xa, không chỉ hiện hữu trong đời sống sinh hoạt của bao lớp người mà hình ảnh đôi chiếu còn là nguồn cảm hứng bất tận để các tác giả viết nên những bài ca ghi dấu sâu đậm trong lòng người mộ điệu.

Sau đêm Giới thiệu tác giả - tác phẩm, tôi tìm về địa danh Thống Nhất - đây được xem là nơi lưu giữ nghề dệt chiếu lâu đời của xứ Hồng Dân - để tìm hiểu những nét văn hóa độc đáo của làng nghề. Tiếp xúc với những người lớn tuổi ở đây, tôi được kể rằng, cách đây vài chục năm, trên dòng sông Ngan Dừa vào mỗi buổi sớm tinh sương, có tới vài ba chục chiếc ghe, xuồng chở đầy chiếu rồi chèo tủa ra khắp các kênh rạch ở thôn quê để bán. Và lúc bấy giờ, chiếc chiếu đang là một vật dụng không thể thiếu của mọi nhà. Và chiếc chiếu còn được ví như “sợi dây” gắn kết tình cảm sâu đậm, chan chứa nghĩa tình. Cái tình ở đây là tình đất, tình người với quê hương, xứ sở. Ở đó, có những tấm lòng nhân hậu, thủy chung luôn đoàn kết một lòng, giúp đỡ nhau quyết tâm gìn giữ đưa nghề dệt chiếu quê mình ngày càng vươn xa, phát triển. Bởi thế, hình ảnh chiếc chiếu không chỉ đơn thuần là vật vô tri mà đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân từ bao đời.

MAI MỘT LÀNG NGHỀ DỆT CHIẾU

Hiện nay, người dân xứ Ngan Dừa tuy còn gìn giữ nghề chiếu gia truyền của cha ông nhưng thời hoàng kim của chiếu dường như đã lui dần về quá khứ. Trò chuyện với tôi, bà Nguyễn Thị Mum (52 tuổi, ấp Thống Nhất) ngậm ngùi: “Ông bà nội tôi làm nghề dệt chiếu từ lúc mười mấy tuổi. Nội tôi nói, cái làng nghề này có 60 - 70 năm rồi. Như vậy, nghề dệt chiếu có đến nay gần 100 năm. Càng về sau này người mua ít, những ai biết thì đặt mua vài chiếc, chuyện mang đi bán cũng thưa dần, nay thì tôi bỏ nghề rồi”. Cả xóm dệt chiếu có gần 50 nóc gia, ai cũng thấy xót cho nghề dệt chiếu đang xuống dốc theo tháng năm vì nhiều lý do. Họ nói nguyên liệu thì cạn kiệt vì người dân thay đổi cơ cấu cây trồng lấn đất trồng cây lác - loại cây nguyên liệu dùng dệt chiếu. Phần nữa là đầu ra khó khăn, chiếu dệt xong bán ít ai mua, vì mọi người đổ xô mua chiếu nhựa, chiếu tre, nệm để dùng. 

Cả xóm ai cũng nói, hồi làng nghề còn hưng thịnh, ấp Thống Nhất này rộn ràng từ sáng tới chiều. Khách mua chiếu tới lui xôm tụ lắm, bây giờ làng chiếu thu hẹp, ai cũng thấy tiếc. Dù nghề dệt chiếu Ngan Dừa gặp khó đến vậy nhưng vẫn còn vài hộ quyết tâm bám nghề, bởi họ thương cái nghề này. Hai chị em cụ bà Khưu Thị Tuyết (78 tuổi) và Khưu Thị Ánh (76 tuổi) làm nghề dệt chiếu từ lúc 12 tuổi, nay vẫn dệt mỗi tháng 1 đôi chiếu bởi sức yếu, chẳng qua là làm cầm chừng cho đỡ nhớ nghề.

Cơn mưa chiều rả rích, trên đường trở về, lòng tôi trĩu nặng với bao trăn trở, nghĩ suy. Làng chiếu Ngan Dừa từng là nét đẹp, niềm tự hào không chỉ riêng quê hương Hồng Dân mà còn cả vùng đất Bạc Liêu. Làng nghề này đang rất cần được quan tâm gìn giữ, để một ngày không xa sẽ trở thành sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn hòa vào dòng chảy của du lịch Bạc Liêu.

HUỲNH HIẾU

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.