Nghề làm lồng đèn truyền thống: Giữ gìn nét văn hóa Việt

Thứ Sáu, 25/09/2015 | 17:08

Những ngày tháng Tám âm lịch, dạo quanh các tuyến đường trong nội ô TP. Bạc Liêu, ngoài những gian hàng bán bánh Trung thu, ta còn dễ dàng trông thấy những gian hàng bày bán lồng đèn thủ công với đủ kích cỡ, hình dáng đẹp mắt. Đây là tín hiệu đáng mừng khi người dân đã dần nhận thức được ý nghĩa và giá trị văn hóa của chiếc lồng đèn truyền thống trong ngày hội trăng rằm…

Cô Nguyễn Thị Lệ Thu hướng dẫn các cháu vẽ hình ảnh để tạo nên những chiếc lồng đèn truyền thống đầy màu sắc. Ảnh: M.H

Để tạo nên những chiếc lồng đen truyền thống ngộ nghĩnh, dễ thương là cả quá trình thực hiện rất công phu của những người thợ làm lồng đèn. Chúng tôi tìm đến nhà cô Nguyễn Thị Lệ Thu (54 tuổi), người làm lồng đèn lâu năm ở khóm 8 (phường 3, TP. Bạc Liêu). Cô Thu kể rằng, lúc 6 tuổi, cô đã được ba mình dạy làm lồng đèn và đến nay thì gia đình cô đã có tới 3 đời gắn bó với cái nghề thủ công truyền thống này. Vừa nói, cô vừa thoăn thoắt cưa và chuốt những thanh tre thành từng que nhỏ trông thật điêu luyện. Để cho ra đời một chiếc lồng đèn, theo cô Thu phải trải qua ít nhất 10 công đoạn và người thợ phải hết sức tỉ mỉ, khéo tay. Đôi khi còn bỏ cả tâm tư, tình cảm của mình vào để tạo nên một tác phẩm đầy chất nghệ thuật. Công đoạn uốn nan là kỳ công và khó nhất, bởi đòi hỏi người thợ phải uốn thật đều tay cho chiếc nan tre được dẻo đều, từ đó mới cho ra nhiều kiểu mẫu đẹp, mới lạ. Tiếp đến là công đoạn dán giấy màu và tô vẽ, mỗi kiểu lồng đèn phải chọn màu sắc khác nhau, vẽ lên đó những họa tiết sao cho hài hòa, có ý nghĩa nhằm thu hút trẻ em. Lồng đèn cá chép thì được tô điểm bằng nhiều họa tiết nhỏ để tạo vẩy cá, vẽ thêm hàng ria mép để tăng tính tượng hình, độc đáo cho tác phẩm. Còn đèn ông Sao thì cắt dán, vẽ lên đó những họa tiết hoạt hình, cây, cỏ...

Hiện nay, gia đình cô Thu có đến 6 người theo nghề làm lồng đèn. Nhỏ nhất là Nguyễn Thủy Tiên, tuy mới 12 tuổi nhưng em đã thành thạo các khâu làm chiếc lồng đèn. Thủy Tiên cho biết: “Ngay từ nhỏ em đã được ông ngoại làm cho những chiếc lồng đèn rất đẹp. Càng tiếp xúc em càng thích thú, thêm yêu chiếc lồng đèn truyền thống. Giờ đây, em đã tự mình làm được lồng đèn và em sẽ cố gắng học hỏi nhiều hơn để giữ gìn nghề truyền thống của gia đình”.

Tất cả các công đoạn đòi hỏi người thợ phải thật tinh tế và khéo léo thì mới có thể tạo ra những chiếc lồng đèn đẹp mắt. Đó là chưa kể những chiếc lồng đèn như: thuyền buồm, rồng, phụng, thiên nga… thì sự khéo léo, tỉ mỉ tăng lên gấp bội. Anh Hoài Duy (phường 7, TP. Bạc Liêu) theo nghề làm lồng đèn đã hơn 6 năm. Nhờ có năng khiếu cộng thêm sự cần cù, chịu khó học hỏi mà bây giờ anh đã làm được những chiếc lồng đèn với kích thước lớn và rất tinh xảo. Khi chúng tôi đến cửa hàng của anh cũng là lúc anh đang sắp hoàn thành chiếc lồng đèn hình rồng uốn lượn dài gần 2m. Ngoài việc chế tác, dán giấy, vẽ hình ảnh, anh còn khéo léo lắp đặt hệ thống đèn ngũ sắc để làm cho sản phẩm trở nên lung linh, ấn tượng hơn. Phải nói đây là sự kết hợp thật hài hòa đan xen chất hiện đại nhưng vẫn giữ được nét đẹp vốn có của chiếc lồng đèn Việt truyền thống. “So với mọi năm thì năm nay lồng đèn thủ công bán chạy hơn. Nhiều phụ huynh đã có ý thức khi tìm mua những chiếc lồng đèn truyền thống cho con em của mình, điều này khiến tôi cảm thấy rất vui và thầm hy vọng nghề làm lồng đèn sẽ tồn tại lâu bền”, Hoài Duy chia sẻ.

Tết Trung thu không thể vắng bóng những chiếc lồng đèn ông Sao, cá chép truyền thống - những biểu tượng tạo nên những giá trị văn hóa không thể phai mờ. Những năm gần đây, nhiều người bắt đầu quay lại chiếc lồng đèn truyền thống và dần quên đi những chiếc lồng đèn điện tử ngoại lai. Nếu như người lớn ý thức được việc định hướng trẻ con biết nhìn về những giá trị văn hóa truyền thống thì sẽ góp phần rất lớn trong giữ gìn và phát triển văn hóa Việt. Không chỉ vậy, còn tiếp thêm sức mạnh vực dậy nghề làm lồng đèn thủ công, để không khí Tết Trung thu vẫn mãi rộn ràng, đáng mong đợi trong mỗi trái tim người Việt.

MINH HIẾU

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.