Văn hóa - Nghệ thuật
Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ ở Bạc Liêu: Những nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị
Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ của Việt Nam (gọi tắt là ĐCTT) được Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào cuối năm 2013. ĐCTT xuất hiện hơn 100 năm qua là “món ăn tinh thần” độc đáo của cư dân Nam bộ ở 21 tỉnh, thành có sự hiện diện của loại hình nghệ thuật này. Việc bảo tồn và phát huy giá trị ĐCTT thời hiện tại đang được Bạc Liêu tiếp tục thực hiện bằng những cách làm thiết thực.
Biểu diễn nghệ thuật Đờn ca tài tử phục vụ du khách tại Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu.
Biểu diễn Đờn ca tài tử tại Quảng trường Hùng Vương. Ảnh: P.T.C
Liên hoan Đờn ca tài tử Bạc Liêu - Cà Mau - Sóc Trăng tổ chức tại Bạc Liêu. Ảnh: H.T
QUÊ HƯƠNG CỦA LỚP NGHỆ NHÂN TIỀN BỐI
Đầu thế kỷ XX, Nam bộ hình thành nhiều nhóm ca nhạc hoạt động dưới hình thức tài tử. Ở Bạc Liêu, nhạc sư Lê Tài Khí (1870 - 1948, thường gọi là Nhạc Khị) đứng ra thành lập ban nhạc lễ chuyên phục vụ đám cúng của đình làng hoặc ở gia thất. Đây cũng là ban nhạc lễ đầu tiên ở Bạc Liêu. Nhạc Khị có công trong việc canh tân, hiệu đính 20 bản tổ nên được tôn là Hậu tổ!
Những thập niên 30 của thế kỷ XX, hoạt động ĐCTT ở Bạc Liêu phát triển cả về số lẫn chất lượng, có tiếng vang khắp Nam kỳ. Các nghệ nhân đa số đều do Nhạc Khị đào tạo, điển hình như Mười Khói, Ba Chột, Tư Bình, Hai Tài, Trịnh Thiên Tư, Mộng Vân, Lý Khi…; hoặc do Sư Nguyệt Chiếu (một nhạc sĩ tiền bối khác ở Bạc Liêu có công trong việc truyền bá nhạc lễ và nhạc tài tử) rèn luyện như nghệ sĩ Lư Hòa Nghĩa, Sanh Xía, Chín Quy, Thiện Ngộ…
Một trong những học trò giỏi của Nhạc Khị là Cao Văn Lầu. Tiếp nối sự nghiệp của thầy, Cao Văn Lầu cùng với các bạn đồng môn đứng ra thành lập ban ĐCTT Bạc Liêu, gồm Sáu Lầu đờn tranh, Mười Khói đờn kìm, Bảy Cuội đờn cò, Hai Tài đờn đoản, Ba Chột đờn sến… Ban ĐCTT này một thời khuấy động phong trào ĐCTT không chỉ nội tỉnh Bạc Liêu mà vang tiếng khắp Nam kỳ.
Nhạc Khị là tác giả của 4 bản nhạc mà giới cổ nhạc Nam bộ thời ấy gọi là “Tứ bửu”, gồm các bản: “Ngự giá đăng lâu”, “Minh Hoàng thưởng nguyệt”, “Ái tử kê”, và “Phò mã giao duyên”. Những bản nhạc ấy được xem là “bửu bối” của ĐCTT một thời! Dạ cổ hoài lang (DCHL) nhịp 2 của nhạc sĩ Cao Văn Lầu, rồi bản vọng cổ nhịp 4, nhịp 8, nhịp 16, nhịp 32, nhịp 64 lần lượt ra đời, phát triển gắn với nhiều tên tuổi vang bóng như nghệ sĩ Lư Hòa Nghĩa, soạn giả Mộng Vân, nghệ sĩ Trần Tấn Hưng… Tất cả những người này đều sinh ra hoặc lớn lên ở Bạc Liêu. Với những đóng góp của mình trong quá trình hình thành và phát triển ĐCTT, Bạc Liêu xứng đáng được xem là một trong những cái nôi quan trọng của ĐCTT!
NHỮNG NỖ LỰC BẢO TỒN
Theo Sở VH-TT-TT&DL, Bạc Liêu có gần 70 câu lạc bộ (CLB), đội, nhóm sinh hoạt ĐCTT với trên 500 nghệ nhân, tài tử nên có thể nói. Những con số chứng tỏ sức sống mãnh liệt và con đường lưu truyền phong trào ĐCTT bền bỉ của người dân nơi đây.
Sau khi ĐCTT chính thức được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, cùng với các tỉnh, thành Nam bộ, Bạc Liêu bắt tay vào nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị loại hình nghệ thuật này bài bản hơn. Đề án bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT giai đoạn 2014 - 2020 được ban hành như bồi đắp niềm đam mê của những nghệ nhân, tài tử. Các hoạt động truyền nghề được khuấy động mạnh mẽ (trước đó chỉ theo lối tự phát). Trung tâm Văn hóa tỉnh thường xuyên mở các lớp dạy ĐCTT, tổ chức sáng tác lời ca tài tử, vọng cổ mới. ĐCTT cũng “bước chân” vào trường học để các em, cháu biết đến âm nhạc tài tử và bản DCHL của quê hương mình.
Việc bảo tồn nghệ thuật ĐCTT ở Bạc Liêu phải kể đến “chiếc nôi gia đình”. Đó là gia đình chú Sáu Sợi (nghệ nhân Trần Thanh Xuân) ở TP. Bạc Liêu, hay gia đình tài tử họ Mai ở Phước Long, rồi gia đình Minh Luận ở Giá Rai… Những gương mặt nghệ sĩ thành danh được “luyện” từ “chiếc nôi gia đình” tài tử có thể kể đến như Nghệ sĩ ưu tú Ngọc Đợi, Hoài Thương, Hồng Quyên, Trác Tuấn An, Mộng Thúy... Bạc Liêu cũng hình thành những đội hình chuyên quy tụ những danh ca, danh cầm mang về nhiều giải thưởng khi thi thố cùng tài tử các tỉnh bạn, điển hình như CLB ĐCTT tỉnh Bạc Liêu với sự góp mặt của nhiều nghệ nhân tài năng như Tư Loan, Thanh Sử, Duy Toàn…
Tại Khu lưu niệm nghệ thuật ĐCTT Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu cũng đã thành lập CLB ĐCTT Âm vang dạ cổ ĐCTT phục vụ du khách. Anh Dương Bảo Hoàng - Chủ nhiệm CLB, cho biết: “CLB được thành lập để tạo sân chơi cho anh em mộ điệu ĐCTT, vừa phục vụ nhu cầu của du khách đến tham quan. CLB sinh hoạt 2 ngày cuối tuần và phân công thành viên trực tại khu lưu niệm để kịp thời phục vụ du khách khi có nhu cầu”. Hay các CLB như: CLB ĐCTT Công tử Bạc Liêu, CLB ĐCTT Khu du lịch sinh thái Hồ Nam, CLB ĐCTT Khu di tích Nọc Nạng (Giá Rai)… cũng là những đội hình tham gia phục vụ du khách ở các điểm du lịch.
Bạc Liêu hiện có 22 nghệ nhân ĐCTT được công nhận là nghệ nhân ưu tú. Những nghệ nhân, tài tử giàu lòng đam mê, đầy tài năng trong ngón đờn, giọng ca chính là lớp người kế thừa, nối nghiệp đờn ca. Họ tham gia liên hoan, hội diễn; là cốt cán trong các chương trình văn nghệ phục vụ các sự kiện chính trị, lễ hội ở địa phương; hoặc góp mặt trong các chương trình ĐCTT trên sóng phát thanh truyền hình. Từ các CLB cấp… ấp, những “chiếc nôi gia đình” cho đến những đội hình chuyên nổi bật trên sân khấu đều đã góp công để ĐCTT trên đất Bạc Liêu nói riêng, vùng đất Nam bộ nói chung như một dòng chảy xuyên suốt trong hành trình hội tụ và phát triển tinh hoa văn hóa của dân tộc. Bạc Liêu cũng là địa phương đầu tiên trong 21 tỉnh, thành Nam bộ xây dựng một bảo tàng nghệ thuật về ĐCTT ở Việt Nam (Khu lưu niệm nghệ thuật ĐCTT Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu). Gìn giữ, quảng bá những tư liệu, hình ảnh quý giá về sự hình thành, phát triển của ĐCTT và những nghệ nhân, nghệ sĩ có công chính là cách làm để bảo tồn và lan tỏa giá trị của ĐCTT.
Xuôi về phương Nam, du khách khi dừng chân tại nhiều tỉnh, thành đều được thưởng thức những bài bản nhạc tài tử ngọt ngào, sâu lắng. Riêng ở xứ Bạc Liêu, khu lưu niệm “chuyên biệt” về nghệ thuật ĐCTT với những tư liệu quý giá, với “sự tích” Dạ cổ hoài lang - vọng cổ, bài ca vua của sân khấu cải lương, chắc chắn sẽ tạo nét riêng biệt không lẫn với nơi nào.
Với tinh thần trân trọng hồn cốt văn hóa bản địa - mà ngay biểu tượng cây đờn kìm cách điệu vững chãi, bề thế trụ trên Quảng trường Hùng Vương đã thể hiện rất rõ - thì nghệ thuật ĐCTT trên đất Bạc Liêu chắc chắn tạo dấu ấn khi hòa vào dòng chảy lớn của tinh hoa văn hóa Việt Nam. Bạc Liêu đã và đang cùng các tỉnh, thành Nam bộ tự tin khẳng định giá trị bền bỉ của ĐCTT trong kho tàng văn hóa của nhân loại!
TỪ CẨM
- 100 học sinh Bạc Liêu được nhận học bổng Báo Dân Trí
- Kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội điểm tại Đảng bộ xã Ninh Thạnh Lợi A
- TP. Bạc Liêu: Hơn 240 đại biểu được tập huấn nghiệp vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Tổng kết Dự án “Thực thi chính sách và trị liệu cho người khuyết tật” năm 2024
- Huyện Hồng Dân: Đồng bào Khmer đổi đời nhờ các chương trình hỗ trợ