Văn hóa - Nghệ thuật
Nghĩ về ngày Giỗ Tổ
Ngày Giỗ Tổ mồng 10 tháng 3 hằng năm gắn với “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của dân tộc Việt Nam” đã vượt khỏi ranh giới quốc gia để trở thành di sản của cả thế giới. Năm 2012, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” đã được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Mang màu sắc là truyền thuyết nhưng câu chuyện cổ tích “sinh trăm trứng, nở trăm con” vẫn được ghi vào sử sách để con cháu đời sau xem Lạc Long Quân và Âu Cơ chính là Tổ tiên của người Việt. Bác Hồ lúc sinh thời dạy rằng: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Đó cũng chính là thông điệp thiêng liêng, bất biến để Giỗ Tổ hằng năm “dù ai đi ngược về xuôi” nhắc chúng ta nhớ rằng mình có cùng cội nguồn, câu “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” đã cấu nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc!
Ở Bạc Liêu, Giỗ Tổ đã từng được tổ chức tại Đền thờ Bác Hồ ở xã Châu Thới (huyện Vĩnh Lợi), tại Trung tâm Văn hóa tỉnh với những nghi lễ trang trọng như: dâng các loại bánh dân gian, mâm lễ vật lên bàn thờ Tổ được dựng tại chỗ. Đó là cách chúng ta tưởng nhớ cội nguồn, đồng thời nhắc nhở thế hệ trẻ hôm nay không quên công lao của tổ tiên, các thế hệ ông cha mà cùng nhau hun đúc tinh thần đoàn kết, phấn đấu rèn luyện để trưởng thành và cống hiến cho quê hương, nối gót bậc tiền hiền.
Thế nhưng, cũng đáng trăn trở khi ngày Giỗ Tổ trong nhận thức của một số ít người vẫn còn... mơ hồ! Ở một lớp học nọ, khi giáo viên thông báo lịch nghỉ lễ của các em học sinh, một phụ huynh ngơ ngác hỏi: “Cho tôi hỏi là nghỉ lễ gì vậy cô?”. Giáo viên phải giải thích là Giỗ Tổ Hùng Vương, một quốc lễ của dân tộc!
Sự mơ hồ này làm chúng ta suy nghĩ về sự cần thiết phải giáo dục truyền thống cho các em học sinh một cách quyết liệt hơn nữa. Thiết nghĩ, hoàn toàn có thể tổ chức tuyên truyền về ý nghĩa của Giỗ Tổ trong ngày chào cờ đầu tuần (của tuần lễ diễn ra ngày Giỗ Tổ) ở mỗi trường học - đó cũng là cách thiết thực nhất mà phạm vi nhà trường hoàn toàn có thể làm được để giới trẻ biết rõ hơn về ngày này.
“Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba/ Khắp nơi truyền mãi câu ca/ Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”. Những câu ấy cần được khắc ghi trong tâm thức mỗi em học sinh, mỗi người con đất Việt như một bài học lịch sử quý giá. Đó cũng là hành trang văn hóa đầu đời không thể thiếu trong ý thức hệ của người dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay.
Nhật Quỳnh