Người phố thị giữ Tết cổ truyền dân tộc

Thứ Tư, 08/01/2025 | 15:56

Những ngày Tết đang gần kề, bà Phạm Tuyết Thủy (Phường 5, TP. Bạc Liêu) lại loay hoay chuẩn bị nguyên liệu làm bánh, mứt để con cháu dùng và đãi khách trong 3 ngày xuân. Việc làm này đã được gia đình bà gìn giữ qua bao mùa tết. Cũng như bà Thủy, nhiều gia đình ở thành thị dù cuộc sống ngày càng hiện đại nhưng vẫn âm thầm gìn giữ những nét đẹp của Tết cổ truyền dân tộc.

Người dân Phường 5 (TP. Bạc Liêu) gói bánh tét đón Tết.

TẾT DƯỚI NHỮNG MÁI NHÀ

Thường thì vào khoảng 22 tháng Chạp, sau khi đã dọn dẹp xong nhà cửa thì bà Thủy lại bắt tay làm bánh, mứt. Năm nay, bà tiếp tục làm mứt cau kiểng vì đó là món ăn vặt mà gia đình yêu thích. Công thức làm mứt ngon do mẹ của bà dạy ngày trước, nay bà Thủy truyền lại cho con gái, con dâu để ngày Tết cả nhà có món mứt cau mềm dẻo. Không khéo tay như chị em phụ nữ, cánh “mày râu” trong gia đình cũng phụ giúp những việc nặng nhọc như: nhào bột, hái dừa, đốt than… để sên mứt, hấp bánh. Giữa những ngày xuân chạm ngõ, cảnh làm bánh, mứt của gia đình bà Thủy diễn ra trong không khí rôm rả, tràn ngập niềm vui.

Bà Thủy chia sẻ: “Cứ gần tết đến, tôi lại nhắc các con dù bận rộn cũng phải tranh thủ về nhà để làm bánh, mứt, bởi công việc này đã trở thành phong tục của gia đình. Ngày nay, những món ăn trong dịp Tết rất dễ mua ở các cửa hàng hay thậm chí chỉ cần đặt hàng trên mạng là có người giao đến tận nhà. Tuy nhiên, qua việc cùng nhau nấu nướng, tôi muốn nhắc nhở các con phải giữ những món ăn đậm tình quê, sâu xa hơn là những nét đẹp văn hóa của Tết Việt”.

Quà nào bằng gia đình sum họp, Tết nào vui bằng Tết đoàn viên. Hiểu được giá trị của Tết, anh Công Trí (Phường 8, TP. Bạc Liêu) đang làm việc cho một công ty tại TP. Hồ Chí Minh đang tranh thủ hoàn thành những công việc còn lại để về quê ăn Tết. Ba anh Trí mất nhiều năm, thế nên dù tăng ca trong những ngày cận Tết sẽ có thêm một khoản thu nhập, nhưng anh thường chọn về quê sớm để phụ mẹ dọn dẹp, trang trí nhà cửa. Đặc biệt, anh Trí muốn cùng các anh, em của mình trải qua thật nhiều cái tết ấm áp, đong đầy hạnh phúc bên mẹ.

Không gian Tết quê tại Hội xuân TP. Bạc Liêu năm 2024. Ảnh: H.T

HÁO HỨC ĐÓN CHỢ QUÊ NGÀY TẾT

Đã trở thành “món ăn” đặc sắc trong dịp tết Nguyên đán, Hội xuân “Chợ quê ngày Tết” năm nay tiếp tục được người dân TP. Bạc Liêu háo hức đón chờ. Trải dài trên tuyến đường 30 tháng 4 (Phường 3, TP. Bạc Liêu), những tiểu cảnh, gian hàng sẽ được trang hoàng rực rỡ sắc màu để tái hiện không gian văn hóa miền sông nước, không gian chợ quê Nam Bộ xưa. Hội xuân diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa như: trang trí bàn thờ Tổ quốc, mâm ngũ quả, thi gói bánh tét, làm bánh dân gian, tổ chức các trò chơi dân gian, biểu diễn viết thư pháp…

Bà Đỗ Ái Lanh - Trưởng phòng VH-TT TP. Bạc Liêu, cho biết: “Đến nay, công tác chuẩn bị tổ chức Hội xuân lần thứ 7 đang được Ban tổ chức, các đơn vị khẩn trương thực hiện. Với các hoạt động độc đáo, Hội xuân năm nay sẽ mang đến cho Nhân dân TP. Bạc Liêu nói riêng, tỉnh nhà nói chung một không gian tết quê bình dị, mộc mạc nhưng rất vui tươi, nhộn nhịp. Đặc biệt, Chợ quê ngày Tết giữa lòng thành phố còn giúp người thành thị, nhất là các bạn trẻ có dịp trải nghiệm tết quê để thêm yêu quý, tự hào về những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông”.

Xã hội ngày càng phát triển hiện đại, song đâu đó ở thành thị vẫn còn nhiều nhà, nhiều người lưu giữ những nét đẹp Tết cổ truyền của dân tộc. Chính điều đó đã góp phần làm cho Tết Việt luôn đậm đà bản sắc, tràn ngập niềm vui, hạnh phúc.

HỮU THỌ

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.