Nhạc sĩ Thanh Tâm: Còn mãi câu hát tình quê

Thứ Tư, 14/06/2023 | 14:39

Sau một thời gian chống chọi với bệnh tật, lúc 3 giờ 50 phút ngày 13/6/2023, nhạc sĩ Thanh Tâm (Nguyễn Thanh Tâm) từ giã cõi đời, thọ 83 tuổi. Ông ra đi để lại niềm tiếc thương cho gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp và những người yêu mến.

Trong quá trình công tác, làm việc, ông đã được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương, giải thưởng, trong đó có Giải Văn học - Nghệ thuật Cao Văn Lầu tỉnh Bạc Liêu.

Nhạc sĩ Thanh Tâm

Nhạc sĩ Thanh Tâm sinh ngày 4/12/1941, tại ấp Cái Nhum (xã Lương Thế Trân, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) trong một gia đình nông dân. Thuở nhỏ, ông được cha cho đi học đàn vọng cổ và học đàn mandolin, vì thế năm 12 tuổi ông đã biết rành 6 câu vọng cổ. Cũng khi còn ngồi trên ghế nhà trường, thầy giáo thấy học trò mình có năng khiếu âm nhạc nên đã chỉ dạy cho ông về nhạc lý và sử dụng đàn guitar. Sau đó, ông được chọn làm trưởng ban nhạc của trường, thường tổ chức biểu diễn trong các cuộc liên hoan văn nghệ do trường tổ chức.

Năm 1964, ông tham gia kháng chiến. Với khả năng biểu diễn và am hiểu căn bản về âm nhạc nên được tổ chức phân công làm nhạc cụ guitar và phục vụ cho 5 đoàn văn công từ xã đến khu Tây Nam Bộ. Năm 1968, ông làm Trưởng đoàn văn công huyện Ngọc Hiển, vừa sáng tác, biểu diễn vừa tổ chức dàn dựng chương trình. Ca khúc đầu tiên ông sáng tác là “Du kích thành vọng anh hùng” (năm 1968), tiếp đến “Hát theo lời Bác” (ca khúc thiếu nhi); về vọng cổ thì có bài “Chiến thắng Nam Lào” (năm 1969).

Gần nửa thế kỷ ròng rã, nhạc sĩ Thanh Tâm đã sáng tác hàng trăm ca khúc, dân ca, vọng cổ. Số lượng tác phẩm đồ sộ ấy đã phần nào nói lên sự đam mê nghề nghiệp, khả năng và nỗ lực phấn đấu của một nhạc sĩ. Nhiều tác phẩm được các đơn vị nghệ thuật sử dụng và phổ biến rộng rãi trong công chúng. Một số ca khúc có vị trí trong lòng người mến mộ âm nhạc. Đơn cử như những tác phẩm đoạt giải trong các hội thi ca khúc: “Mấy nẻo đường quê” (Giải của Đài Tiếng nói Việt Nam), “Hát về đất biển quê ta” (Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam, được dịch sang tiếng Nga), “Mười năm đất nở hoa hồng” (Huy chương Bạc toàn quốc), “Huyền thoại một dòng sông” (Giải Nhất tỉnh Đắk Lắk), “Bước quân hành mùa xuân” (Giải Nhất tỉnh Minh Hải), “Bạc Liêu ơi!” (Giải Ba ca khúc Đồng bằng sông Cửu Long - được Đài PT-TH Bạc Liêu chọn làm nhạc hiệu nhiều năm)… Về vọng cổ, ông cũng đạt những thành công nhất định. Những tác phẩm như “Kỷ niệm đêm trường” đoạt giải Ba tỉnh Minh Hải, “Chiều xưa Châu Thới” đoạt giải Khuyến khích tỉnh Bạc Liêu... Ở lĩnh vực thơ, ông đã có hàng trăm bài thơ được đăng trên các báo địa phương và Trung ương...

Nhạc sĩ Thanh Tâm viết nhanh, chắc, khỏe và đều tay, nhiều sự kiện trong đời sống, xã hội được ông ghi nhận và phản ánh qua loại hình âm nhạc. Tỉnh Bạc Liêu tái lập, ông viết ca khúc “Bạc Liêu ơi!”; cầu Mỹ Thuận khánh thành, ông viết “Nỗi nhớ dòng sông” - và là một trong 5 ca khúc được tuyển chọn để đưa vào chương trình phát trên sóng Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh, Đài Truyền hình Việt Nam để phục vụ khán giả trong ngày lễ thông xe cầu Mỹ Thuận.

Đề tài trong tác phẩm của nhạc sĩ Thanh Tâm khá phong phú. Là người lính đã để lại một phần thân thể trên chiến trường, khi bước ra khỏi cuộc chiến, những ký ức cùng những hình ảnh của một quê hương trung dũng, kiên cường, quyết tâm đánh giặc giữ làng, giữ đất luôn là chất liệu dồi dào, là nguồn cảm hứng cho ông thể hiện. Vì thế đề tài chiến tranh, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc chiếm số lượng khá lớn trong tác phẩm của ông. Bên cạnh đó, đề tài tình yêu cũng có mặt ở nhiều tác phẩm mang âm hưởng trữ tình, giai điệu đẹp. Ngoài ra, các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, lâm ngư - nghiệp cùng các ngành Giáo dục, Y tế… đều có mặt trong ca khúc, vọng cổ của ông.

Các nơi ông đã đi qua đều để lại dấu ấn trong sáng tác: từ Gành Hào, Hoàng Sa, Tây Nguyên, Hà Nội, Tây Đô… Ở mỗi ca khúc ông đều nghiên cứu, tìm tòi, lựa chọn giai điệu, cách thức diễn đạt nên tác phẩm thấm đượm tình cảm, mang phong cách riêng, mộc mạc, gần gũi dễ đi vào lòng người.

Thế mạnh của ông là sáng tác cả hai thể loại ca khúc và vọng cổ. Tác phẩm ca khúc thường được ông vận dụng chất dân ca một cách nhuần nhuyễn nên có âm điệu ngọt ngào. Các bài dân ca, điệu lý, vọng cổ được ông chắt chiu từ ngữ để đặt lời, được biến tấu, phát triển nên mang âm hưởng rất riêng. Ông thường kể lại những kỷ niệm vui buồn trong quãng đường sáng tác và ao ước có điều kiện thuận lợi trong cuộc sống để tập trung sức lực cho âm nhạc.

Là người sống sâu nặng tình nghĩa, ông luôn biết ơn các thầy: Nguyễn Cửu Vỹ, Thanh Cao, Võ Đức Thảo, Nguyễn Tấn Lộc… đã tận tình chỉ dạy khi ông học Trường Quốc gia âm nhạc (nay là Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh). Ông hay nhắc các bạn bè, đồng nghiệp đã từng gắn bó và thế hệ nhạc sĩ đàn anh đã dìu dắt ông như nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, Trịnh Hùng, Tăng Minh Thành… Ông rất xúc động khi nói đến cố soạn giả Trọng Nguyễn - một người anh lớn trong cuộc đời, trong nghệ thuật và là người thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ để ông có điều kiện sáng tác, cống hiến.

Tấm lòng và tâm tình của nhạc sĩ Thanh Tâm đã thể hiện đạo đức, nhân cách, thái độ đúng mực của một con người, nghệ sĩ chân chính. Vì vậy, không ít tác phẩm của ông làm ấm áp tình người, và ở nhiều tác phẩm còn chứa đựng chất lãng mạn đáng yêu của người nghệ sĩ.

Ngô Tuấn

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.