Văn hóa - Nghệ thuật
Nhìn rõ sự khác biệt giữa ĐCTT Nam bộ và cải lương Nam bộ để bảo tồn đúng cách
Sự khác biệt giữa đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ và cải lương (CL) Nam bộ là vấn đề lâu nay có nhiều ý kiến chưa hoàn toàn thống nhất, cần được làm rõ. Trên cơ sở xác định rõ ranh giới hoạt động thực tiễn giữa các hình thức trình diễn nghệ thuật này mới đề ra các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT hiệu quả.
ĐCTT là loại hình nghệ thuật ca nhạc thính phòng, còn CL là loại hình nghệ thuật sân khấu ca kịch hay kịch hát, ra đời sau phong trào ĐCTT, có lịch sử hình thành và phát triển khoảng một thế kỷ qua. Cả hai loại hình nghệ thuật đều sử dụng bài bản và nhạc khí cổ nhạc, đều có hình thức hoạt động chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp. Danh xưng nghề nghiệp của người đờn trong dàn nhạc cả hai loại hình đều gọi là “nhạc sĩ” chứ không gọi là “nhạc công” vì họ trình diễn sáng tạo trên cơ sở lồng bản cổ nhạc.
Cả hai phong cách trình diễn âm nhạc khi sử dụng bài bản cổ nhạc đều phải tuân theo nhịp, tiết tấu của lồng bản, chứ không hát theo làn điệu như diễn xướng dân ca hay ca nhạc sân khấu hát bội. Cho nên khi trình diễn, người ta gọi là “ca nhạc tài tử” hoặc “ca nhạc sân khấu CL” chứ không gọi là “hát nhạc tài tử” hay “hát nhạc CL”.
![]() |
Không gian ĐCTT Nam bộ được tái hiện đầy đủ trong Festival ĐCTT quốc gia - Bạc Liêu 2014. Ảnh: Hữu Thọ |
Trên cơ sở phân tích, so sánh các khái niệm liên quan mật thiết đến nghệ thuật ĐCTT và CL, chúng tôi nêu ra một số yếu tố xác định đối tượng cần được bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT. Về bài bản, trước hết phải nói đến 20 bản tổ vì nó là cái gốc rễ, hồn cốt của ĐCTT. Về nghệ nhân, phải duy danh định nghĩa thế nào là nghệ nhân ĐCTT từ đó có chính sách bồi dưỡng nhân tài thỏa đáng. Về môi trường sinh hoạt có thể xác định một số loại như sau: môi trường sinh hoạt mang tính chuyên nghiệp với chất lượng nghệ thuật đỉnh cao, đó là những phòng ca nhạc được đầu tư xây dựng tại các trung tâm văn hóa lớn, thiết kế phù hợp nhằm phát huy tối đa hiệu quả trình diễn; môi trường sinh hoạt đa dạng mang tính chất phong trào quần chúng rộng khắp với các hình thức sinh hoạt câu lạc bộ, đội, nhóm không chuyên nghiệp; môi trường giáo dục - đào tạo gồm hệ chuyên nghiệp thuộc các viện, trường âm nhạc và phổ cập nằm trong chương trình giáo dục thẩm mỹ của hệ thống giáo dục phổ thông. Về phong cách trình diễn, đối với môi trường chuyên nghiệp thì trình diễn thuần túy theo phong cách tài tử, mang đặc trưng tính chất cổ điển, không trộn lẫn phong cách sân khấu CL; đối với môi trường sinh hoạt đa dạng thì không câu nệ theo phong cách nào, kể cả tân cổ giao duyên để khuyến khích tự do sáng tạo trong phong trào văn nghệ quần chúng, mang đặc trưng tính chất dân gian.
VÕ TRƯỜNG KỲ
- Sức sống mới ở những vùng căn cứ cách mạng
- Thế hệ sinh năm 1975: Trưởng thành cùng quê hương Bạc Liêu
- Đại thắng mùa Xuân 1975: Minh chứng thuyết phục về sức mạnh đoàn kết dân tộc
- Bạc Liêu - Cà Mau chiếm gần 30% tiềm năng điện gió ven bờ cả nước
- Bàn giao 101 máy quét Căn cước và thiết bị sinh trắc học cho các cơ sở y tế