Ký ức một thời

Nhớ những ngày đầu của tỉnh Minh Hải

Thứ Sáu, 25/04/2025 | 16:41

Khoảng tháng 5/1975, sau ngày thống nhất đất nước, ba dắt tôi - năm đó mới 15 tuổi đi xuống huyện Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) để gửi cho anh Tám Dử, anh cô cậu ruột của tôi đang làm Phó Chủ nhiệm Hậu cần Huyện đội, để tôi thoát ly làm cách mạng. Tôi ở cơ quan Hậu cần, được giao quản lý kho súng, suốt ngày lau chùi súng đạn, tập ăn cơm bằng đũa hai đầu để giữ vệ sinh. Đó là những bữa cơm bắt đầu khó khăn của thời hòa bình.

Mùa Xuân 1975 về chúng ta có hòa bình nhưng không lặng yên tiếng súng. Đất nước gieo neo “mưa phùn gió táp” của ta ở trong tình trạng vừa có hòa bình vừa có chiến tranh.

Ngày 1/1/1976, hai tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau hợp nhất lấy tên là tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu. Dân số lúc đó chưa đến 1 triệu người, thủ phủ đặt tại Cà Mau. Sau đó chỉ hơn 2 tháng, trung tâm tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu lại dời về TX. Bạc Liêu và đổi tên là tỉnh Minh Hải và TX. Bạc Liêu cũng đổi thành TX. Minh Hải. Từ đây Minh Hải có một tư cách mới, một vai trò mới là gánh vác khó khăn cùng cả nước trong hoàn cảnh gieo neo. Chúng ta phải chia sẻ nguồn lực kinh tế đối phó chiến tranh biên giới với cả nước. Con em Minh Hải lại lên đường bảo vệ biên giới Tây Nam, làm nghĩa vụ quốc tế Campuchia và đánh trả cuộc xâm lược của Trung Quốc ở toàn tuyến biên giới phía Bắc vào năm 1979.

Trong năm đầu giải phóng, miền Bắc lại liên tiếp mất mùa 2 vụ lúa liền, cả nước ngóng chờ vào vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có vai trò quan trọng của Minh Hải. Thế nhưng vùng châu thổ sông Cửu Long mùa vụ lại thất bát vì lũ lụt nặng nề, dân các tỉnh chạy xuống Minh Hải, tỉnh xuất gạo dự trữ cứu đói.

Minh họa: V.T

Hằng năm, Trung ương giao cho tỉnh Bạc Liêu - Cà Mau rồi tỉnh Minh Hải chỉ tiêu phải huy động từ 120.000 - 180.000 tấn lương thực. Minh Hải cũng cần hơn chục ngàn tấn lúa gạo dự trữ để cứu đói cho dân nội tỉnh. Muốn đạt được những con số này là vô cùng khó khăn. Lúc bấy giờ nhiệm vụ trung tâm thường xuyên của Đảng bộ tỉnh Minh Hải là khai hoang phục hóa làm lúa hè thu, tăng vụ và làm công tác “ba thu” lương thực (thu thuế, thu nợ, thu mua). Cán bộ tỉnh, huyện, thậm chí các trường học… được huy động đi cơ sở để cùng dân đào kênh thủy lợi và làm công tác ba thu rất thường xuyên. Các cơ quan, ban, ngành phải tự túc gạo ăn từ 2 - 3 tháng mỗi năm. Từ đó là cơ quan nào cũng cử người đi làm ruộng tự túc.

Cuối năm 1975, tôi được nghỉ phép về thăm gia đình. Đường từ Vĩnh Châu về Bạc Liêu (ngày nay ta gọi là Hương lộ 38) thời ấy là một con lộ nhỏ, do chiến tranh liên miên, với những cuộc đắp mô phá lộ phục vụ chiến tranh nên con đường đầy “ổ voi”, “ổ gà”, rất khó đi. Hai bên đường là những cánh đồng ngút ngàn nhưng lưa thưa đồng lúa. Đất hoang còn rất nhiều, lúc đó tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu có 500.000ha đất có khả năng làm nông nghiệp nhưng mới canh tác được hơn một nửa - 260.000ha.

Tôi xuống xe đoạn giữa hai xóm Cầu Mới - Thào Lạng rồi lội băng đồng thêm 2 cây số nữa mới về tới xóm Bờ Xáng của mình. Bây giờ là gần Tết mà vụ lúa mùa muộn trên đồng làng tôi vẫn chưa gặt xong. Cánh đồng xâm xấp nước, đứng trên bờ mẫu thấy cá nhảy xoi xói trong một chiều cuối năm, còn lúa thì thưa rỗng thưa rỉnh, chen lẫn với cỏ nước mặn và cỏ năn. Tôi nghĩ năm nay năng suất của đồng làng giỏi lắm cũng chỉ đạt 7 - 8 giạ mỗi công.

Hoàn cảnh gia đình tôi sau giải phóng cùng chung thân phận của những gia đình bị những cuộc chiến làm cho không còn sinh lực. Ba má tôi có 8 đứa con thì chị Hai tôi bị máy bay Mỹ bắn chết, anh Ba thì hy sinh, còn anh Sang, anh Hữu đi kháng chiến và bây giờ họ là người nhà nước. Sau giải phóng tôi cũng lại ra đi. Thế là ba má tôi chỉ còn 3 đứa nhỏ. Lúc ấy con Diệu, em kế tôi chỉ có 12 tuổi, chưa thể giúp ích được gì, còn con Hiền, thằng Mỹ thì mới năm, ba tuổi. Hòa bình về, ba má tôi tiếp tục đội nắng dầm mưa, chịu mọi cực khổ để gánh vác việc gia đình. Tôi trở về nhà đã 3 ngày mà ba tôi đi gặt mướn vẫn chưa về. Ngày 27 tháng Chạp, chim én đã kéo về bay chấp chới trên đồng và gió xuân cũng bay nhảy ở đó. Ba đứa em tôi nôn Tết bao nhiêu thì má tôi sốt ruột lo âu bấy nhiêu. Bà bắt 3 con gà mái đang đẻ để ra chợ Bạc Liêu bán và mua cho con Hiền, thằng Mỹ mỗi đứa một bộ đồ, mặc tết. Còn áo quần cho con Diệu, đồ ăn tết cúng kiến thì chờ ba tôi về.

Ruộng nhà tôi và cả xóm Bờ Xáng vốn nằm kế mép sông Bạc Liêu. Những năm chiến tranh bom pháo dội xuống làm bể bờ vỡ đập, làm cho nước mặn tràn về nuốt chửng cánh đồng. Nước mặn làm cho ruộng vườn thất bát liên miên. Muốn cho lúa trúng thì lại phải đắp bờ, giữ ngọt 7 - 8 năm sau đất mới thuần ngọt. Ngẫm ra chiến tranh thật là ác độc. Di chứng của nó không chỉ làm kiệt quệ nguồn lực lao động của từng gia đình nông thôn mà đến ruộng vườn của họ cũng bị ảnh hưởng nặng nề cả chục năm sau đó.

Có nhìn lại những tháng năm đầu của 50 năm trước ngày thống nhất đất nước, mới thấy đầy đủ đất nước hôm nay thay đổi đến thế nào và con người hôm nay hạnh phúc ra sao. Hãy nhìn về quá khứ bằng niềm ray rứt hỡi những người đang thụ hưởng tự do độc lập của hôm nay!

Phan Trung Nghĩa

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.