Ký ức một thời

Nhớ về ngày tết Độc lập thời chiến

Thứ Sáu, 01/09/2023 | 14:50

Tết Độc lập của dân tộc Việt Nam bắt đầu vào ngày 2/9/1945. Ngày đó, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng trên lễ đài đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Với khí thế hào hùng ấy, người dân miền Nam tiếp tục kiên cường hướng đến mục tiêu thống nhất đất nước. Và những ngày tết Độc lập suốt những năm kháng chiến như một động lực to lớn để cả miền Nam vùng dậy trên hành trình giành lại những “mùa xuân hòa bình” của dân tộc.

Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều thăm hỏi, ghi nhận công lao của mẹ Chính ủy Nguyễn Thị Bình tại buổi họp mặt nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ. Ảnh: H.T

Vẹn nguyên ký ức

78 năm kể từ ngày nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa được khai sinh, đất nước đã đi từ trong khói lửa chiến tranh để đến ngày hòa bình, non sông thống nhất. Vượt qua những đau thương, đổ nát, lớp lớp các thế hệ Việt Nam đã chung tay xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Bác Hồ kính yêu hằng mong đợi. Giá trị của ngày tết Độc lập vẫn vẹn nguyên sự thiêng liêng, xúc cảm trong lòng các thế hệ người Việt, nhất là những người đã từng đi qua thời chiến càng thấm thía hơn, càng không thể nào quên “thước phim” lịch sử hào hùng ấy.

Dù không trực tiếp sống trong thời khắc thiêng liêng ở Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, nhưng những người dân miền Nam lúc bấy giờ vẫn cảm nhận được không khí hào hùng ấy. Sau ngày Quốc khánh không bao lâu, đúng vào ngày 23/9/1945, Pháp nổ súng tại miền Nam cũng là lúc người dân Nam Bộ đứng lên kháng chiến. Và đến ngày 19/12/1946 “hiệu lệnh” Toàn quốc kháng chiến đã được người dân Việt Nam hưởng ứng với quyết tâm “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Dù đang sống trong cuộc chiến rất cam go đuổi Pháp, rồi chống Mỹ, nhưng kỷ niệm ngày tết Độc lập hằng năm vẫn được người dân miền Nam tranh thủ tổ chức với nỗi khát khao hòa bình không lúc nào nguôi.

Cô Lâm Tú Nga (tức Tư Nga) dù đã ở tuổi 90 nhưng vẫn không thể nào quên được ngày kỷ niệm Quốc khánh năm 1947. Lúc bấy giờ tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo tổ chức lễ mít-tinh Quốc khánh điểm tại ấp Mỹ Điền, làng Long Điền, quận Giá Rai (nay là huyện Đông Hải). Khi ấy cô 13 tuổi, nghe người lớn nói chuyện, thậm chí nhắc đi nhắc lại nhiều năm sau đó về ngày tết Độc lập trang trọng đầu tiên của tỉnh. Người dân lúc bấy giờ náo nức và chờ đợi thời khắc long trọng của buổi lễ vì nghe nói không chỉ có đoàn dân công trên tỉnh về mà còn có ông Lê Khắc Xương (Chủ tịch), Bùi Tuấn Đức (Phó Chủ tịch) Ủy ban Kháng chiến hành chánh tỉnh về diễn thuyết tại buổi mít-tinh để thông báo về kháng chiến trong tỉnh, khu vực, tình hình chiến sự thế giới, chỉ thị của Chủ tịch nước…

Làm theo lời Bác, một lòng theo Đảng

Theo ký ức của những người con kiên trung thời chiến thì vào mỗi mùa tết Độc lập, trong lòng người dân mang dòng máu Việt đều bừng lên một cảm xúc khó tả về giá trị thiêng liêng nhất của Tổ quốc được đổi bằng xương máu của bao thế hệ cha anh. Chính vì vậy, trong mưa bom bão đạn giữa cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược, thế hệ tiếp nối thời ấy vẫn phát huy được tinh thần yêu nước nồng nàn và chủ nghĩa anh hùng bất diệt.

Vẫn giữ được “ngọn lửa” cách mạng thời chiến, ở tuổi 73, trong vai trò Chủ tịch Hội Cựu tù binh - Tù Chính trị, chú Lê Tấn Thanh trong ngày họp mặt truyền thống với đồng đội đã kể lại rất chi tiết ngày Quốc khánh những năm kháng chiến chống Mỹ. Tết Độc lập năm 1964 - khi ấy chú mới 14 tuổi, là hội viên Hội thiếu niên Tiền Phong địa phương đã tham gia các hoạt động treo cờ, làm băng-rôn tuyên truyền ngày Quốc khánh, truyền nhau nội dung Bản Tuyên ngôn độc lập Bác đã đọc… Dù địch vẫn rình rập càn quét các hoạt động của dân ta nhưng không thể nào dập tắt được khí thế hừng hực từ những ngọn pháo sáng tự chế trong ngày lễ đặc biệt của dân tộc. Hào hứng nhất là hình ảnh thanh thiếu nhi tay cầm cờ, vừa đi vừa hát: “Bác Hồ đuốc sáng toàn dân. Vui múa ca chúc thọ Bác luôn sống hoài…”.

Vào Ngày Quốc khánh năm 1966, nhìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới, rồi nghe được giọng Bác Hồ hùng hồn đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, chàng thiếu niên Lê Tấn Thanh 15 tuổi đã xung phong đi bộ đội. Sau trận đánh Mậu Thân 1968, người chiến sĩ cộng sản 17 tuổi đã bị địch theo dõi và bắt tại nhà Huyện đội trưởng. Bị địch liệt vào danh sách nhóm “lính sữa”, Lê Tấn Thanh bị tra tấn hơn 1 tuần với đủ mọi nhục hình, từ treo người lên xà đẩy đi đẩy lại, nhận đầu xuống nước, đóng đinh vào tay chân, dí điện vào miệng... Dẫu vậy, với niềm tin chiến thắng, chàng “lính sữa” cùng đồng đội vẫn kiên cường với phương châm “chết vinh hơn sống nhục”.

Những người lính, cựu tù binh, thanh niên xung phong... năm ấy may mắn đi qua năm tháng “mưa bom bão đạn” để chứng kiến ngày “đất nước trọn niềm vui”, Việt Nam ngày càng vững vàng phát triển, Nhân dân được hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc như tâm nguyện của Bác. Và ngày 2/9 đã, đang và sẽ mãi mãi là ngày tết Độc lập vô cùng thiêng liêng của lớp lớp thế hệ người Việt Nam.

Hoàng Uyên

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.