Văn hóa - Nghệ thuật
Nhớ về sự kiện lịch sử Ninh Thạnh Lợi năm 1927
Trong lịch sử đấu tranh của nông dân Việt Nam chống thực dân Pháp và bọn cường hào ác bá vào thời kỳ chưa có Đảng thì lịch sử đấu tranh của Bạc Liêu đã có những tiếng vang gây chấn động! Từ những thập niên đầu của thế kỷ XX, Bạc Liêu đã xảy ra 3 cuộc nổi dậy tiêu biểu của nông dân: cuộc nổi dậy của nông dân Tân Hưng (1924), của anh em Mười Chức (1928) và của nông dân Ninh Thạnh Lợi (1927).
…Ninh Thạnh Lợi vào cuối thế kỷ XIX còn là vùng đất hoang sơ, phèn mặn, lần lượt về đây sinh sống có cả 3 tộc người Kinh - Khmer - Hoa. Trong số đó có gia đình Trần Kim Túc, ông là người Việt gốc Hoa lai Khmer cùng vợ con từ Sóc Trăng đến nơi này lập nghiệp vào năm 1919. Do có uy tín với làng xã, nên sau đó ông được bầu làm Hương chủ trong Ban hội tề Ninh Thạnh Lợi, dân gian quen gọi là Chủ Chọt.
Những người tứ xứ về đây lập nghiệp dù thuộc nhiều sắc tộc khác nhau nhưng họ có một tinh thần đoàn kết rất cao. Tuy nhiên “miếng đất, miếng ăn” của họ không bao lâu sau đã bị thực dân lợi dụng lừa chiếm. Năm 1922, một địa chủ người Pháp tên Beauville Eynaud đã lợi dụng sơ hở của nông dân (không biết cách làm thủ tục hợp thức hóa đất đai của mình) tiến hành thủ đoạn bố trí cho “tay chân” của mình xin “khẩn đất” ở Ninh Thạnh Lợi, rồi “dàn cảnh” mua lại những biên lai xin khẩn đất đó. Và hiển nhiên sau đó, hắn có trong tay 9/10 số đất ở Ninh Thạnh Lợi…
Bia ghi danh sự kiện nổi dậy của nông dân Ninh Thạnh Lợi chống lại bọn giặc Pháp đặt tại ấp Chủ Chọt (xã Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân). Ảnh: T.Đ
Người nông dân bỗng dưng mất đất, trở thành người làm thuê trên chính mảnh đất mình đã đổ mồ hôi, nước mắt dày công khai phá! Lúc ấy, Hương chủ Trần Kim Túc đứng ra vận động bà con đứng lên đấu tranh đòi trả đất. Ban đầu là làm đơn khởi kiện đến Thống đốc Nam kỳ, nhưng sau đó bọn thực dân đã dùng kế tiếp tục chiếm đất của nông dân thêm lần nữa. Thấy thưa kiện không còn hiệu quả, ông Trần Kim Túc phải dùng đến phương thức tập hợp lực lượng nông dân nổi dậy vũ trang chống bọn cướp đất, thực dân Pháp và bọn tay sai.
Hình thức đấu tranh của Chủ Chọt là đi khắp nơi tập hợp nghĩa quân (ở các tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau, An Giang, Trà Vinh…), lúc đông có từ 150 - 200 người, tập luyện võ nghệ, rèn vũ khí… Từ ngày 3 - 8/5/1927, nghĩa quân đã dùng nhiều hình thức để đấu tranh trực diện với kẻ thù, từ việc tổ chức nghi thức tín ngưỡng thần quyền đến các cuộc hành quân rầm rộ buộc địch phải dùng lực lượng thị uy. Tuy nhiên, khi địch huy động một lực lượng hùng hậu đánh trả thì nghĩa quân của Trần Kim Túc đã bị lúng túng trong ứng phó. Cao trào là cuộc chiến đấu ác liệt diễn ra vào ngày 9/5/1927 giữa hai lực lượng không cân sức: những người nông dân nổi dậy chỉ được trang bị vũ khí thô sơ giáo, mác, liềm, phảng và chỉ có 3 khẩu Mousqueton với khoảng 80 viên đạn; đối phương thì trang bị đầy đủ súng ống, đạn dược, chiến thuật cao cùng với sự huy động lực lượng của cả 2 tỉnh Rạch Giá và Cần Thơ… Kết thúc, phía nghĩa quân tử trận xác định gồm 20 người, số còn lại bị thương và bị bắt, trong đó có người thủ lĩnh Trần Kim Túc. Những nghĩa quân tử trận sau đó được 2 nông dân Trần Năm và Huỳnh Văn Nghểu đem chôn chung trong một ngôi mộ giữa đồng, không có hòm gương tẩn liệm.
Cuộc nổi dậy vũ trang của nông dân Ninh Thạnh Lợi tuy thất bại, song đã làm chấn động khắp Nam kỳ, vang cả đến Đông Dương và Nhà nước Pháp. Chính quyền thực dân Pháp sau đó phải điều chỉnh ít nhiều chính sách cai trị, nhất là chính sách ruộng đất thuộc địa. Đặc biệt, sự kiện cũng để lại niềm mến mộ đối với giới trí thức, những nhà báo chuộng công lý lúc bấy giờ. Trong “lời phê” kết thúc phóng sự “Mấy ngày náo động ở Phước Long” của tờ Pháp Việt Nhật báo ra ngày 17/5/1927 đã viết: “Uổng thay mấy mạng sinh linh, thương vì giống, thống vì nòi, mắc phải mũi súng vô tình mà xác phải chôn nơi chiến địa. Có lẽ trước kia đã biết cái chết thảm thiết như vậy, nhưng mà máu anh hùng nó phấn khởi, chí anh hùng muốn vùng vẫy với núi sông, thà chết như vậy cho xong một kiếp nô lệ ở trần, vậy cũng trọn cái phận làm người đối với nước…”.
Tại hội thảo khoa học về sự kiện Ninh Thạnh Lợi tổ chức năm 2001, các nhà khoa học và các ngành hữu quan tỉnh Bạc Liêu đã thống nhất chọn mộ 20 nghĩa quân tử trận ngày 9/5/1927 làm di tích lịch sử - văn hóa. Di tích cách trung tâm xã Ninh Thạnh Lợi (huyện Hồng Dân) về hướng tây nam khoảng 10km đường bộ và đường thủy; cách trung tâm huyện Phước Long về hướng tây bắc khoảng 10km đường chim bay và gần 18km đường bộ và đường thủy. Sự kiện này cũng đã được tái hiện khá rõ nét trong bộ phim “Ninh Thạnh Lợi - đất và lửa” đã được công chiếu trên Đài Truyền hình địa phương.
...Đất nước có được độc lập tự do như hôm nay là nhờ máu xương của biết bao anh hùng đã ngã xuống. Có những tên tuổi đã tạc vào tượng đài liệt sĩ để đời đời ghi nhớ công lao, lại có những nghĩa quân, những người nông dân chân đất, nghèo khổ đã anh dũng chiến đấu và ngã xuống, chôn cùng một nấm mộ - mà 20 nghĩa quân tử trận trong sự kiện Ninh Thạnh Lợi là những điển hình. Nghĩa vụ của chúng ta hôm nay là tôn vinh những hy sinh bất khuất đó, phát huy truyền thống đấu tranh hào hùng của cha anh, và nhắc nhở thế hệ trẻ hôm nay rằng đã có những cuộc đấu tranh đầy máu lửa như thế, những tử quân nông dân đã chiến đấu và ngã xuống hiên ngang, nằm chung một ngôi mộ trên mảnh đất anh hùng…
Cẩm Thúy
- Tự hào, rạng rỡ chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc khải hoàn”
- Khánh thành Dự án trưng bày nội thất Bảo tàng tổng hợp tỉnh
- Kỳ họp 20, HĐND TP. Bạc Liêu khóa XII: Trên 95,7% cử tri tán thành chủ trương sắp xếp thành lập tỉnh Cà Mau trên cơ sở hợp nhất tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau
- Mạng lưới Hỗ trợ học sinh - sinh viên Khởi nghiệp Khu vực ĐBSCL: Bàn “Giải pháp xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tại trường đại học”
- Gần 100 đoàn viên - thanh niên về nguồn tri ân tại di tích Nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh