Những nghệ nhân Khmer hết lòng giữ “hồn cốt” dân tộc

Thứ Sáu, 06/01/2023 | 15:33

Về phum sóc trong những ngày cận tết Quý Mão, chúng tôi bị cuốn hút bởi vẻ lộng lẫy của ngôi chùa Khmer, những con đường nông thôn mới khang trang và tài nghệ của những nghệ nhân hết lòng giữ gìn “hồn cốt” dân tộc. Chưa từng qua trường lớp đào tạo, song với trách nhiệm và niềm đam mê nghệ thuật, họ đã và đang âm thầm lưu giữ, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào Khmer.

Ông Sơn Phol (bìa trái hàng đầu) cùng các nghệ nhân trong Đội nhạc ngũ âm chùa Đìa Chuối trình diễn nhạc ngũ âm trong dịp lễ hội.

NUÔI DƯỠNG NGHỆ THUẬT

Khi còn là thiếu niên, ông Sơn Thương (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) đã bộc lộ sự thích thú với việc vẽ các nhân vật trong truyện Khmer. Thấy ông có năng khiếu, một nghệ nhân điêu khắc ở Cà Mau cho theo phụ việc và truyền dạy nghề. Tài năng cùng tình yêu nghệ thuật Khmer cứ thế được nuôi dưỡng và lớn dần, đến năm 2000, ông Thương đứng ra nhận công trình đầu tiên tại chùa Buppharam (chùa Cái Giá chót, xã Hưng Hội).

Nhờ tài năng và sự khéo léo, những hạng mục công trình điêu khắc Khmer do ông thực hiện ngày càng được nhiều người biết đến và không ngớt lời khen. Tiếng lành đồn xa, ông được các chùa trong và ngoài tỉnh mời về điêu khắc cho các công trình kiến trúc của chùa. Hiện, ông đang là nghệ nhân điêu khắc chính cho công trình chính điện chùa Khmer Phường 7 (TP. Bạc Liêu).

Trong lúc chăm chút từng nét vẽ cho bức phù điêu, ông chia sẻ: “Muốn tạo ra một tác phẩm đẹp, mang đặc trưng văn hóa Khmer thì người nghệ nhân không chỉ giỏi nghề mà phải hiểu kiến thức lịch sử, văn hóa dân tộc mới tạo được cái “hồn” cho từng hình tượng nhân vật. Người thợ có thể học hỏi tác phẩm của người khác nhưng không được sao chép nguyên bản mà phải có sự sáng tạo, thay đổi những yếu tố phụ trợ để tạo nên tác phẩm của riêng mình”.

Khán giả thường bắt gặp anh Kim Pin Na Ri trong hình ảnh diễn viên múa của Đoàn nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu, song ít ai biết được anh lại có biệt tài chơi nhạc bằng các dụng cụ nhà bếp. Trong lần tình cờ, anh phát hiện những âm thanh độc lạ từ những cái chén, cái ly, đũa ăn… Sau khi hòa âm, anh thường dùng những bài phối đó trong các dịp lễ hội để tạo sinh khí vui tươi và góp phần làm phong phú nền âm nhạc Khmer.

Nghệ nhân Sơn Thương trang trí cho chính điện chùa Khmer Phường 7 (TP. Bạc Liêu).

KHÁT KHAO BẢO TỒN VĂN HÓA DÂN TỘC

Ngoài tình yêu dành cho văn hóa dân tộc, điểm chung của nhiều nghệ nhân là mong muốn những giá trị văn hóa Khmer truyền thống sẽ được bảo tồn và phát huy. Hơn 30 năm gắn bó với nghệ thuật điêu khắc, ông Sơn Thương luôn sẵn lòng truyền dạy những kiến thức, kỹ thuật mà mình tích lũy cho thế hệ trẻ. Ông bày tỏ: “Có một nơi, một ngôi trường để dạy về điêu khắc các công trình văn hóa Khmer là khát khao luôn cháy bỏng trong tôi. Bởi lâu nay, phương thức truyền nghề chủ yếu là truyền miệng, cầm tay chỉ việc nên dễ thất truyền vì người học không được dạy bài bản, đi từ cái cơ bản đến nâng cao”.

Dù đã bước sang tuổi xế chiều, song kỹ thuật chơi trống Samphô của ông Sơn Phol - nghệ nhân Đội nhạc ngũ âm chùa Đìa Chuối (xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình) vẫn rất điệu nghệ. Thưởng thức phần trình diễn của ông, chúng tôi cảm nhận được “lửa” đam mê trong từng động tác trống khỏe khoắn, nhịp nhàng. Chia sẻ với chúng tôi, ông có một mong ước là tiếng trống Samphô nói riêng, những giai điệu nhạc ngũ âm sẽ có lớp trẻ kế thừa. Muốn làm được điều này, ngoài việc giáo dục tình yêu nghệ thuật, trách nhiệm cho thanh niên Khmer thì cũng cần các cấp, các ngành hỗ trợ mua sắm dàn nhạc cụ, mở các lớp đào tạo chuyên nghiệp và có chính sách khuyến khích nghệ nhân giữ gìn, trao truyền nghệ thuật truyền thống.

Đi trên con đường nông thôn mới rực rỡ sắc xuân, chúng tôi có một niềm tin rằng, những nghệ nhân Khmer sẽ tiếp tục gìn giữ đam mê và cống hiến cho đời những tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Họ chính là những “viên gạch” góp phần xây chắc thêm nền móng cho hành trình bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Khmer trong đời sống hiện đại.

Bài và ảnh: HỮU THANH

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.