Văn hóa - Nghệ thuật
Nỗi niềm nghệ nhân tài tử
Sẵn sàng bỏ công sức, thời gian để trao truyền ngón nghề, không đặt nặng tiền bạc, miễn sao người theo học phải thật sự đam mê - đó là đặc điểm chung của những “thầy đờn” trong lĩnh vực đờn ca tài tử (ĐCTT). Bởi điều các nghệ nhân mong muốn là có một lớp kế thừa ĐCTT trong tương lai. Thế nhưng, xoay quanh câu chuyện gìn giữ và trao truyền nghệ thuật ĐCTT vẫn có lắm nỗi niềm.
Đam mê mới gắn bó
Mới đây, tình cờ gặp Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Thanh Sử, sau những hàn huyên về nghiệp đờn ca, anh hồ hởi khoe với tôi: “Tuần tới, Nhà hát Cao Văn Lầu sẽ phục vụ chương trình văn nghệ tổng hợp khu vực phía trước Nhà hát, em giới thiệu cho khán giả yêu thích đến xem nhé!”. Tôi hiểu niềm vui ấy của anh cũng như của nhiều anh chị em nghệ nhân, nghệ sĩ khác nữa, bởi đã khá lâu, do điều kiện kỹ thuật chưa đáp ứng, Nhà hát phải ngưng phục vụ khán giả. “Bữa tiệc tinh thần” mỗi tối cuối tuần của người dân sở tại bị gián đoạn, mục tiêu cải lương phục vụ du lịch của tỉnh cũng ngưng một thời gian.
Mỗi lần thưởng thức các chương trình văn nghệ hay những vở cải lương tại Nhà hát Cao Văn Lầu, ngoài nghệ sĩ trên sân khấu, tôi đặc biệt chú ý đến những nghệ nhân đờn ngồi phía sát góc “cánh gà” sân khấu. Thường trực có mặt trong đội hình ấy là NNƯT Thanh Sử, NNƯT Hoàng Phỉ, NNƯT Hoàng Trắng, danh cầm Ngọc Cần... Khi đề cập đến chuyện tiền nong sau mỗi buổi biểu diễn, NNƯT Thanh Sử cười vui bảo rằng mình tham gia vì đam mê, “chứ có nghệ nhân nào lấy nghiệp đờn ca mà làm giàu bao giờ”. Hiện tại, ngoài hợp đồng với Nhà hát Cao Văn Lầu khi có chương trình biểu diễn, anh cũng đi “sô” mỗi khi có yêu cầu và nhận dạy cho những người có đam mê, năng khiếu về ĐCTT.
Nhà có đất, ruộng “cò bay thẳng cánh” nhưng chuyện đồng áng NNƯT Hoàng Trắng gần như giao phó cho gia đình thuê mướn người làm, bởi “nghiệp đờn” đã gắn bó với ông từ cái thuở còn “trẻ khô” cho tới giờ. Ngoài hợp đồng với Nhà hát Cao Văn Lầu khi có suất diễn, ông còn góp mặt tích cực ở các đội, nhóm ĐCTT địa phương, hiện ông là thành viên “cứng” của Câu lạc bộ ĐCTT Vườn sinh thái Kim Cương (xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu), sẵn sàng phục vụ du khách khi được lên lịch. Và dĩ nhiên tiền nong cũng không đặt nặng, tinh thần vui vẻ được phục vụ đờn ca, thể hiện những bài bản cho du khách thưởng thức mới là chính.
Chưa có một trường lớp đào tạo chuyên nghiệp hay một trung tâm giảng dạy ĐCTT để những thầy đờn có công việc ổn định, lấy nghiệp đờn làm kế sinh nhai. Những lớp học vẫn chỉ mang tính giới thiệu, tập huấn mà thiếu sự chuyên sâu. ĐCTT được trao truyền một cách tự phát và gần như chưa đạt hiệu quả trong nhiệm vụ bảo tồn, kế thừa và phát huy.
Nghệ nhân ưu tú Hoàng Trắng (thứ hai từ phải sang) tham gia Câu lạc bộ Đờn ca tài tử Vườn sinh thái Kim Cương. Ảnh: C.T
Tiếng nói “người trong cuộc”
Từng tham gia các lớp tập huấn ĐCTT nhiều năm qua, NNƯT Nguyễn Văn Phúc (TX. Giá Rai) cho rằng: “Số lượng học viên học đạt kết quả tốt rất thấp. Theo kinh nghiệm bản thân, tôi nghĩ khi mở lớp dạy ĐCTT, phải dành 2 tuần học từ xướng âm chữ nhạc trong các bài bản trước rồi mới học ca sau. Có lớp dạy riêng cho những người mới biết ca, rồi lớp nâng cấp cho những người ca khá sẽ tập ca các bài bản khác nhau. Còn các lớp dạy ĐCTT trong trường học thì thầy cô phải là người hiểu biết về nhạc lý chính xác trong các bài bản Tổ, đôi khi phải cần đến các nghệ nhân am hiểu sâu sắc”.
NNƯT Dương Minh Khương (huyện Phước Long) thì cho rằng: “Hiện nay ĐCTT đang bị mai một, thế hệ trẻ rất ít quan tâm với bộ môn nghệ thuật này. Bên cạnh đó là hiện tượng ĐCTT bị vọng cổ hóa, cải lương hóa. Nhiều người lẫn giữa vọng cổ, cải lương với nghệ thuật ĐCTT. Phần lớn bây giờ người ta biết ca vọng cổ, cải lương, tân nhạc mà không biết ca tài tử do thiếu sự hướng dẫn; từ đó cũng làm ảnh hưởng một phần đến phong trào ĐCTT hiện nay”.
Theo các nghệ nhân, cần phải thực hiện đồng loạt nhiều phần việc nếu muốn bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT một cách hiệu quả. Đó là tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hành, sáng tạo và truyền dạy nghệ thuật ĐCTT trong nhà trường, câu lạc bộ, đội nhóm và cộng đồng; tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động truyền dạy, trình diễn; đưa ĐCTT vào nội dung đào tạo, bồi dưỡng tại các cơ sở đào tạo chuyên ngành.
Đặc biệt, theo các thầy đờn thì cần phải có những động thái thiết thực hơn nữa trong việc phục hồi, lưu truyền các bài bản Tổ; mở rộng các hình thức và môi trường sinh hoạt mới, phù hợp với mục tiêu bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT trong cuộc sống đương đại. Ngoài ra, các cơ quan truyền thông cần thường xuyên giới thiệu, quảng bá loại hình nghệ thuật này dưới nhiều hình thức nhằm giáo dục thẩm mỹ, khơi gợi sự cảm thụ nghệ thuật ĐCTT tới công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Cẩm Thúy
- Trang trọng lễ chào cờ đầu tháng 4/2025
- 830 thí sinh tham gia kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đợt 1 - năm 2025
- Gần 200 học sinh được trang bị kiến thức, kỹ năng chữa cháy
- Bệnh viện Quân dân y tỉnh: Nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, y đức đảm bảo sức khỏe cho bộ đội, người dân
- Thường trực Chính phủ họp trực tuyến về tiến độ thi công cao tốc