Phát huy bản sắc văn hóa Bạc Liêu

Thứ Sáu, 27/08/2021 | 13:25

Bạc Liêu có nền văn hóa đa dạng, thống nhất của 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa. Mọi người sống đan xen, chung lưng đấu cật xây dựng gia đình, quê hương; tính cách phóng khoáng, nhân hậu, nghĩa tình… tất cả đã làm nên bản sắc văn hóa Bạc Liêu, một bộ phận của văn hóa nước nhà. Thời gian qua, các “chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa tỉnh nhà đã không ngừng nỗ lực bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đó để chung sức vào việc hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội.

Đoàn viên - thanh niên tham quan, tìm hiểu giá trị văn hóa Tháp cổ Vĩnh Hưng (xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi). Ảnh: H.T

Tỏa sáng truyền thống “tương thân tương ái”

Gia đình anh Trương Minh Tuấn (dân tộc Khmer, ở ấp Đay Tà Ni, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) đầu tháng 8 đã tặng 300 phần gạo và tiền mặt (trị giá 450.000 đồng mỗi phần) cho các hộ dân trong 3 ấp: Đay Tà Ni, Giá Tiểu và Cái Giá, không phân biệt dân tộc, hoàn cảnh gia đình. Thấy bà con gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, anh Tuấn đã xuất tiền túi và kêu gọi người thân ở nước ngoài góp thêm để tương trợ xóm giềng. Đây không phải lần đầu gia đình anh nông dân này giúp đỡ người khác với tinh thần “lá lành đùm lá rách”. Một tuần sau đó, hộ ông Thạch Lan - hàng xóm với anh Tuấn cũng có nghĩa cử tương tự.

Những trường hợp như gia đình anh Tuấn, ông Lan là phổ biến trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Truyền thống “thương người như thể thương thân” của dân tộc lại tỏa sáng mỗi khi cộng đồng, địa phương đối mặt thách thức, tình huống khó khăn. Nó là biểu hiện sinh động từ kết quả của phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mà Bạc Liêu kiên trì thực hiện suốt 21 năm qua, từ khi phong trào được phát động vào năm 2000.

Phong trào đã tạo khí thế thi đua sôi nổi, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia xây dựng gia đình, khu dân cư văn hóa; xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị văn hóa. Trong năm nay, tỉnh tái công nhận 37 cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa, còn số gia đình đạt chuẩn văn hóa chiếm tỷ lệ trên 93% tổng số hộ toàn tỉnh. Phong trào này gắn liền với chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Một điểm sáng nữa là phong trào ngày càng đi vào chiều sâu, hình thành nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, hợp sức thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội, cải thiện đời sống Nhân dân.

Bà Trần Thị Lan Phương - Giám đốc Sở VH-TT-TT&DL,  đánh giá: “Thời gian qua, nhiều giá trị truyền thống đã được bảo tồn và phát huy thông qua các hoạt động thi đua yêu nước. Ý thức xây dựng đời sống văn hóa, xã hội, thực hiện nếp sống văn minh trong toàn thể Nhân dân ngày càng được nâng cao. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh được các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng, nên được duy trì và phát triển mạnh mẽ”.

Xe Thông tin lưu động Trung tâm Văn hóa TP. Bạc Liêu tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian phong tỏa. Ảnh: H.T

Phát huy tinh thần chủ động, tích cực của người dân

Bên cạnh phong trào xây dựng đời sống văn hóa, ngành VH-TT-TT&DL còn gặt hái nhiều thành tựu trên nhiều lĩnh vực khác. Chẳng hạn, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các di tích văn hóa, lịch sử, các điểm du lịch tiếp tục được các cấp lãnh đạo quan tâm chỉ đạo tôn tạo và phát huy, tạo sức hấp dẫn du khách đến tham quan, nghiên cứu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tổ chức nhiều cuộc triển lãm, trưng bày chuyên đề phục vụ nhu cầu tìm hiểu, tham quan của Nhân dân và du khách. Thực hiện công tác sưu tầm hình ảnh, hiện vật đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, Bạc Liêu định hướng phát triển ngành VH-TT-TT&DL gắn với việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc nói chung, bản sắc văn hóa truyền thống Bạc Liêu nói riêng. Thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên - môi trường. Tổ chức các hoạt động VH-TT-TT&DL hướng vào việc xây dựng con người Bạc Liêu phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, trí tuệ, thể chất, đạo đức, năng lực sáng tạo, tuân thủ pháp luật, có ý thức cộng đồng, lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình.

Xã Ninh Thạnh Lợi A (huyện Hồng Dân) ra quân làm sạch môi trường, góp phần xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Ảnh: N.Q

Ngành VH-TT-TT&DL xác định sự nghiệp phát triển văn hóa  là nền tảng, động lực và là mục tiêu quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bạc Liêu phấn đấu từ nay đến năm 2025, lập hồ sơ trình Bộ VH-TT&DL xếp hạng 4 di tích cấp quốc gia, 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt và trình UBND tỉnh xếp hạng 25 di tích lịch sử - văn hóa là di tích cấp tỉnh.

Trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở và phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, ngành VH-TT sẽ phát huy tinh thần chủ động, tích cực, nỗ lực của người dân và vai trò tự quản của cộng đồng trong tiến trình phát triển văn hóa nông thôn; nâng cao chất lượng gia đình, ấp, khóm văn hóa.

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, xuyên suốt từ sau khi Cách mạng tháng Tám thành công đến nay, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định văn hóa là một mặt trận quan trọng đồng hành cùng sự phát triển đi lên của đất nước, đóng góp to lớn vào sự phát triển chung của dân tộc. Cùng với cả nước, các “chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa tỉnh Bạc Liêu đã và đang không ngừng nỗ lực để chung tay góp sức vào việc hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, đặc biệt là nhiệm vụ “xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Mạnh Quân

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.