Văn hóa - Nghệ thuật
Phát huy giá trị các điểm du lịch hấp dẫn
Vượt qua nhiều ứng viên sáng giá, 4 sản phẩm của Bạc Liêu vừa được bình chọn vào tốp 50 điểm du lịch hấp dẫn của TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Kết quả này mang đến sự phấn khởi, song cũng tạo áp lực cho tỉnh về việc phát huy tốt giá trị các điểm đến để đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, góp phần tăng cường khả năng kết nối của Bạc Liêu với các địa phương trong vùng.
Du khách tham quan, chụp ảnh tại Khu du lịch sinh thái Điện gió Hòa Bình 1.
NHỮNG ĐIỂM ĐẾN ẤN TƯỢNG
Trong khi nhiều địa phương chỉ có 1 - 2 cái tên lọt vào tốp 50, thậm chí có tỉnh vắng mặt trong danh sách này, thì Bạc Liêu hiện diện đến 4 sản phẩm. Đó là Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu (xếp thứ 8), Khu du lịch sinh thái Điện gió Hòa Bình 1 (xếp thứ 16), Di tích kiến trúc nghệ thuật nhà Công tử Bạc Liêu (xếp thứ 20), Nhà hát Cao Văn Lầu (xếp thứ 32). Đây đều là những điểm đến đặc trưng của tỉnh và đã tạo được dấu ấn mạnh với du khách.
Bên cạnh là di tích lịch sử quốc gia, Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu còn là sản phẩm OCOP 4 sao về du lịch đầu tiên của tỉnh. Đến đây, du khách có cảm giác như đang tham quan bảo tàng về nghệ thuật Đờn ca tài tử, về cuộc đời người nhạc sĩ tài hoa đã để lại cho đời bản nhạc lòng bất hủ. Cũng trong không gian văn hóa đó, du khách còn được đắm mình vào giai điệu của những bài bản tài tử do các nghệ nhân trình diễn.
Trong khi đó, Khu du lịch sinh thái Điện gió Hòa Bình 1 chỉ sau vài năm mở cửa đã nhanh chóng trở thành sản phẩm thương hiệu của Bạc Liêu. Mọi du khách đến đây đều mê mẩn trước vẻ đẹp của cánh đồng điện gió lớn nhất trên biển. Không chỉ là điểm “sống ảo” của du khách, nơi đây còn có nhiều hoạt động trải nghiệm nét sinh hoạt, đánh bắt của ngươi dân sống ven rừng phòng hộ.
Di tích kiến trúc nghệ thuật nhà Công tử Bạc Liêu đang tiếp tục đầu tư để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách. Ảnh: H.T
CẦN ĐƯỢC NÂNG TẦM
Tuy có nhiều điểm đến hấp dẫn và các thứ hạng khá ấn tượng, song điều quan trọng là sau kết quả bình chọn thì tỉnh sẽ có những hành động gì để phát huy lợi thế này giúp các điểm đến nâng tầm. Bởi bên cạnh tín hiệu vui, các sản phẩm tham gia chương trình bình chọn cũng nhận được những đánh giá không mấy tích cực đòi hỏi phải tiếp tục đầu tư, hoàn thiện hơn về nhiều mặt để thật sự làm hài lòng du khách.
Ông Mai Việt Hoàng - Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ du lịch Công tử Bạc Liêu, cho biết: “TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL có rất nhiều sản phẩm độc đáo, do đó việc xếp hạng 20/50 là niềm tự hào với Di tích kiến trúc nghệ thuật nhà Công tử Bạc Liêu. Không “ngủ quên” với kết quả này, công ty đang triển khai nhiều hoạt động để nâng tầm điểm đến như: khẩn trương hoàn thành dự án khách sạn đạt chuẩn 4 sao, xây dựng rạp chiếu phim 3D, số hóa các hiện vật trưng bày… Mục tiêu hướng đến là xây dựng khu du lịch với tổ hợp dịch vụ đa dạng, đặc sắc để ngày càng lan tỏa thương hiệu Công tử Bạc Liêu đến với du khách trong và ngoài nước”.
Bên cạnh sự vào cuộc của các doanh nghiệp, các điểm đến hấp dẫn của tỉnh vừa được bình chọn rất cần sự hỗ trợ tích cực từ Sở VH-TT&DL. Đó là tiếp tục cụ thể hóa các nội dung ký kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL, nhất là mời gọi các doanh nghiệp lữ hành hàng đầu trong nước tăng cường mở tua, tuyến liên hình để kéo dài thời gian khách lưu trú, tăng chi tiêu của khách ở Bạc Liêu. Ngoài ra, đề xuất UBND tỉnh có sự đầu tư thỏa đáng cho hạ tầng du lịch; có hình thức hỗ trợ, khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ để tăng sức cạnh tranh cho du lịch của tỉnh nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung.
HỮU THỌ
- Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua nhiều dự thảo Luật
- UBND tỉnh họp thành viên thường kỳ tháng 11/2024
- Khởi tố, tạm giam đối tượng lừa đảo gần 1 tỷ đồng
- Xã Vĩnh Bình (huyện Hòa Bình): Điểm sáng trong giảm nghèo bền vững
- Huyện Hòa Bình: Hơn 19 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững