Văn hóa - Nghệ thuật
Phát huy giá trị thuần phong mỹ tục trong xây dựng văn hóa, con người Việt Nam
Con người đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa dân tộc. Làm sao để mỗi người Việt Nam thực hiện trọng trách đó hiệu quả, tại hội nghị văn hóa toàn quốc diễn ra cuối năm 2021, vấn đề này đặc biệt được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng quan tâm.
Một trong những giải pháp quan trọng để xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển nền văn hóa của dân tộc chính là chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh, phát huy những giá trị tích cực về thuần phong mỹ tục của gia đình và xã hội.
Tôn sư trọng đạo là một trong những đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Ảnh: H.T
Nhìn từ đạo lý ngàn xưa
Khi Cô Đinh Thị Quế, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Bạc Liêu từ trần, những trang Facebook cá nhân của rất nhiều học sinh, từ những học sinh đương thời đến những cựu học sinh giờ đã 50 - 60 tuổi, tràn ngập hình ảnh và những lời tiễn đưa xúc động. Một trong những học trò cũ của cô hiện đã là cán bộ có chức vụ trong tỉnh đã viết như thế này: “Thầy cô là người chèo đò đưa khách sang sông. Người-Đưa-Đò-Xứ-Bạc-Liêu đã nâng cánh cho bao lứa học trò dấn bước vào đời”… Chừng nào còn những thế hệ học trò nghĩ và tri ân thầy cô mình suốt cuộc đời như thế thì “tôn sư trọng đạo” - đạo lý đẹp đẽ ngàn đời vẫn còn nguyên giá trị!
Các trang Facebook mấy hôm nay cũng “cháy” với hàng loạt thông tin lên án cực độ vụ người tình của cha ruột hành hạ đến tử vong đứa con gái chỉ mới 8 tuổi! “Đi suốt cả cuộc đời không ai thương con bằng cha mẹ” (tựa một bài hát - PV), thế mà người cha trong câu chuyện này đã vô tâm đến mức “trái tim không chứa nổi cốt nhục của mình” - như cách bày tỏ căm phẫn đến xót xa của một người viết trên Facebook! Còn người phụ nữ (mẹ kế) chỉ mới 26 tuổi kia, dường như không biết đến cái gọi là đạo lý làm người nên đã hành xử như thế với một con người, hơn nữa chỉ là một đứa trẻ không hề có khả năng phản kháng…
Nếu đạo lý đẹp đẽ ngàn xưa đang được hàng hàng lớp lớp người Việt Nam trân trọng, gìn giữ như của báu ông cha để lại, thì tiếc thay cũng có những “con sâu làm rầu nồi canh”, đang hủy hoại dần những đạo lý tốt đẹp đó! Nặng nề như hồi chuông báo động mạnh mẽ là những vụ án đau lòng tình thân ruột rà nồi da xáo thịt lẫn nhau, nhẹ hơn là thái độ, hành xử coi thường luân thường đạo lý, những hành vi thiếu văn hóa, kém ý thức làm ảnh hưởng đến hình ảnh, văn hóa con người Việt Nam vốn được hun đúc, nuôi lớn bằng biết bao đạo lý đẹp đẽ ngàn xưa để lại.
Phát huy giá trị thuần phong mỹ tục
Tại hội nghị văn hóa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu một trong những giải pháp để xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển nền văn hóa của dân tộc trong thời gian tới, chính là “chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh trong xã hội, phát huy những giá trị tích cực về thuần phong, mỹ tục của gia đình và xã hội. Cần nêu cao tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết; trọng tình nghĩa, trọng công lý và đạo lý xã hội”. Người Việt Nam đã biết yêu thương nhau từ trong chiến tranh, trong nghèo khó, được đúc kết thành tục ngữ, ca dao: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”; người với người sống với nhau bằng câu “Thương người như thể thương thân”, “Lá lành đùm lá rách”, mượn hình ảnh “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ” để khuyên răn nên biết san sẻ cho nhau; cha mẹ dạy con nhỏ quý trọng người lớn bằng câu “Kính lão đắc thọ”, “Kính trên nhường dưới”, rồi dạy anh em trong nhà “Anh em như thể chân tay”; chồng vợ thương yêu nhau bằng tình sâu nghĩa nặng “Chồng em áo rách em thương/ Chồng người áo gấm xông hương mặc người”, “Đồng vợ đồng chồng tát biển Đông cũng cạn”; ông bà dạy con cháu mình tránh xa sự cám dỗ của vật chất kim tiền “Đói cho sạch, rách cho thơm”, “Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”… Những chuyện tưởng rất nhỏ trong mỗi nếp nhà lại đủ cấu thành con người - văn hóa Việt Nam giàu nhân nghĩa. Giữ gìn và phát huy giá trị thuần phong mỹ tục của người Việt Nam từ ngàn đời để lại, vì thế luôn quan trọng ở mọi thời đại!
Bên cạnh đó, xây dựng các quy tắc ứng xử văn minh trong các cơ quan công quyền, trong cộng đồng, nhất là trong không gian mạng, trong giới văn nghệ sĩ… cũng là giải pháp cho văn hóa con người Việt Nam. Ứng xử có văn hóa, thể hiện sự văn minh ở từng cơ quan công sở chính là xây dựng hình ảnh người cán bộ, công nhân, viên chức có ý thức, trách nhiệm với Nhân dân. Một hành động đẹp dù nhỏ giữa chốn đông người như giúp đỡ cụ già, em nhỏ, người yếu thế, lịch thiệp với người lạ hỏi đường, không xả rác bừa bãi nơi công cộng… những chuyện rất nhỏ nhưng cũng góp phần xây dựng con người có ý thức, có trách nhiệm với cộng đồng. Giữ lời ăn tiếng nói đẹp đẽ, văn minh trên mạng xã hội, thông minh khi chia sẻ thông tin cũng giúp người sử dụng mạng xã hội thể hiện văn hóa bản thân; văn nghệ sĩ - người của công chúng càng phải thận trọng hơn với phát ngôn, hành xử của mình để không ảnh hưởng đến nhân cách, tác phong người Việt Nam có văn hóa, có giáo dục, trình độ…
Thuần phong mỹ tục Việt Nam vẫn luôn là nền tảng vững bền để mỗi người dựa vào đó, gìn giữ và làm đẹp bản thân, góp phần làm đẹp một đất nước văn minh, một xã hội nhân văn, tiến bộ.
CẤM THÚY
- Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều trao tặng 100 suất quà cho các gia đình chính sách và hộ nghèo huyện Hòa Bình
- TX. Giá Rai: Họp mặt gia đình chính sách vùng căn cứ cách mạng nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025
- Công đoàn Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam: Trao tặng 200 suất quà tết cho hộ nghèo và gia đình chính sách tại Bạc Liêu
- THÔNG BÁO
- Hội thảo khoa học quốc gia kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng