Quảng cáo trên truyền hình: Lắm chiêu trò!

Thứ Tư, 10/04/2013 | 15:51

Không biết tự khi nào, khán giả xem truyền hình “buộc lòng” phải xem các chương trình quảng cáo. Không thể phủ nhận những mặt lợi mà quảng cáo đem lại: thông tin về các mặt hàng, sản phẩm để người tiêu dùng chọn lựa, thiết thực hơn là tạo nguồn thu đáng kể cho các nhà đài… Nhưng bên cạnh lợi ích, các mẫu quảng cáo trên truyền hình hiện nay không tránh khỏi… phản cảm!

Đủ chiêu trò để “tâng bốc” sản phẩm

Quảng cáo có thể xuất hiện bất kể khi nào. Một bộ phim, vở kịch, chương trình liveshow… tất tần tật đều bị gián đoạn bởi quảng cáo! Và đó cũng là một trong số các chiêu thức lợi hại của các nhà sản xuất, các doanh nghiệp và kể cả sự “hợp tác” của các nhà đài trong việc sắp xếp lịch quảng cáo như vậy. Bởi, người ta đang xem một chương trình hay tất nhiên phải “bấm bụng” xem luôn quảng cáo để không bỏ lỡ chương trình mình đang xem. Song, dù sao thì điều này cũng dễ chấp nhận hơn là việc nội dung và những hình ảnh “bổ trợ” cho nội dung của một số mẫu quảng cáo xuất hiện trên truyền hình hiện nay.

Thời gian gần đây, trên truyền hình thường xuất hiện những mẫu quảng cáo về các loại “thuốc bổ” cho cánh mày râu. Điều đáng bàn là trong các mẩu quảng cáo, các câu chữ được nói rất lấp lửng, đại ý như câu: “Một người khỏe, hai người vui”. Với câu nói này thì đủ để người lớn hiểu nhưng lại gây tò mò cho trẻ con. Bọn nhóc trong gia đình tôi mỗi khi xem đến đoạn quảng cáo này thì tỏ vẻ thắc mắc, khó hiểu: “Sao một người khỏe mà hai người vui vậy mẹ?”. Trước câu hỏi này, đám người lớn chúng tôi chỉ biết… ú ớ, rồi giả đò lảng sang chuyện khác! Hình ảnh hai vợ chồng trằn trọc không… ngủ được, rồi người vợ giận chồng “đùng đùng” bỏ ra ngoài (vì lý do người chồng “không khỏe”?!), nhưng sau khi được “bồi bổ” thuốc (hoặc sâm) gì đó thì người vợ lại vui ra mặt?! Điều này không chỉ gây phản cảm mà còn trái với thuần phong mỹ tục, ngược lại với sự kín đáo, tế nhị của người phụ nữ Việt Nam. Hoặc một đoạn quảng cáo khác giới thiệu về một loại sữa tắm cũng với giọng điệu tương tự: “Em tắm, anh yêu”?!

Hình ảnh trong quảng cáo sản phẩm dầu ăn Neptune.

Đành rằng quảng cáo là phải “thậm xưng” lên một chút để thu hút sự quan tâm của người xem, nhưng lắm lúc sự thậm xưng bị lạm dụng một cách quá đáng. Như ở một đoạn quảng cáo mì ăn liền, cô diễn viên X. vào vai một cô bạn gái cùng ăn chung tô mì với bạn trai của mình. Và loại mì này ngon đến mức… cô giành ăn hết sạch phần “cái”, rồi sau đó tiếp tục “gạt” người yêu bằng một nụ hôn giả vờ để giành luôn phần “nước”?! Đức hạnh của người con gái Việt Nam không thể chấp nhận kiểu hành xử như thế, mặc dù chỉ dưới hình thức để quảng cáo! Tương tự như vậy, một sản phẩm nước giải khát cũng quảng cáo theo kiểu một người tiêu dùng “tham ăn, hốt uống” hút “rột rột” đến sạch trơn, mặc cho xung quanh mọi người đang nhìn mình với “ánh mắt mang hình viên đạn”.

Hãy phát huy những nét đẹp

Sau khi lạm bàn về những chiêu trò quảng cáo gây phản cảm trên truyền hình thì công bằng mà nói, cũng có một số mẫu quảng cáo mang nội dung giáo dục cao khi phát huy được những giá trị văn hóa đẹp đẽ của người Việt! Đó là mẫu quảng cáo sản phẩm dầu ăn Neptune trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua. Đoạn quảng cáo nói về niềm mong mỏi của đứa con gái muốn được gặp mặt cha khi Tết về, cô bé phải bỏ ống heo tiền lì xì và nhắn với cha rằng: “Cha ơi, con đã có tiền, cha không phải làm việc vất vả nữa…”. Xem mà muốn rơi nước mắt! Và kết đoạn phim quảng cáo là câu hát đầy ý nghĩa “…quà nào bằng gia đình sum vầy, tết nào vui hơn tết đoàn viên”. Không cần phô trương mẫu sản phẩm cần quảng cáo, chính nội dung của đoạn quảng cáo trên đã buộc người xem phải xem và nhớ thật lâu! Hay đoạn quảng cáo khác giới thiệu một loại gia vị ướp cá kho, có câu: “Ngon như món kho của má” đã gợi cho chúng ta hình ảnh người phụ nữ Việt Nam đảm đang, giỏi tài nội trợ đã được nâng lên thành hình tượng “đầu bếp giỏi”... Đó là những nét đẹp trong quảng cáo cần phát huy, nhưng tiếc thay những kiểu quảng cáo như thế này lại quá hiếm so với những chiêu trò quảng cáo gây phản cảm…

Theo những quy định chung trong Điều 8, chương 1 Luật Quảng cáo ban hành năm 2012 thì những hành vi sau đây được xem là cấm trong hoạt động quảng cáo: Quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam; quảng cáo tạo cho trẻ em có suy nghĩ, lời nói, hành động trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, an toàn hoặc sự phát triển bình thường của trẻ em… Thiết nghĩ, đã đến lúc ngành chức năng cần siết chặt hơn hoạt động quảng cáo trên truyền hình, chấm dứt tình trạng thả nổi các mẫu quảng cáo phản cảm như đã qua.

Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.