Văn hóa - Nghệ thuật
Rối loạn ngôn ngữ mạng
Một người dì tặng quà cho cháu gái, sau đó nhận được dòng tin nhắn cảm ơn đúng kiểu "gen Z" cùng câu nói thật tình "thịt tình là con thít lém!". Ngẩn ngơ mất mấy giây, chị mới hiểu được nghĩa của câu nói này.
Ngôn ngữ mạng được hình thành từ khi có mạng xã hội và sẽ không có gì để bàn nếu chỉ sử dụng... trên mạng. Nhưng khi giới trẻ tham gia vào mạng xã hội ngày càng đông và với sự sáng tạo vốn không có giới hạn thì ngôn ngữ mạng đã theo chân người dùng đi vào đời sống thực. Khi giao tiếp, khi nhắn tin, thậm chí thỉnh thoảng xuất hiện trong các tác phẩm báo chí... ở đâu cũng dễ dàng bắt gặp ngôn ngữ mạng mà nếu không cập nhật kịp thời, không "bắt trend" thì người đọc, người nghe sẽ chẳng hiểu ất giáp câu chuyện!
Minh họa: Internet
Gần đây, đại sứ Palestine - Saadadi Salama đã giới thiệu cuốn sách "Câu chuyện Việt Nam của tôi", trong đó phân tích sâu nét đẹp của tiếng Việt. Qua góc nhìn của một người nước ngoài có thời gian dài gắn bó với Việt Nam, am hiểu văn hóa Việt Nam, tiếng Việt thật đẹp, tinh tế và có sức hấp dẫn rất lớn. Tuy nhiên, khi Internet ra đời, khi sự giao thoa văn hóa giữa các quốc gia, các nền văn hóa ngày càng sâu sắc và dần xóa mờ ranh giới thì việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt đã được đề cao trước sự xâm nhập của các dòng văn hóa ngoại lai, trong đó có trào lưu "sính" tiếng nước ngoài. Rồi mạng xã hội xuất hiện, người dùng thoải mái sáng tạo, chế biến tiếng Việt thành một thứ tiếng "lờ lợ", chẳng phải tiếng Tây mà cũng không là tiếng Tàu, không theo một cơ sở ngữ pháp nào cả. Chưa kể việc phá hoại sự trong sáng của tiếng Việt, những người thường xuyên sử dụng lối viết này sẽ dần hình thành thói quen viết sai chính tả, vô tình làm xấu đi hình ảnh của bản thân.
Còn nhớ vài năm trước, khi tham gia hội nghị đóng góp ý kiến cho văn bản chính trị, một trí thức đã dùng từ "concept" thay vì dùng "dạng thức trình bày" (đúng như ý kiến của người này khi đóng góp), những người tham gia cuộc họp đã khá lúng túng. Không phải vì họ không biết tiếng nước ngoài, chỉ vì việc sử dụng tiếng nước ngoài trong bối cảnh ấy và nhất là khi tiếng Việt vẫn còn chữ để dùng thì thật không phù hợp chút nào!
Những sự phá cách, sáng tạo hay vận dụng ngôn ngữ nước ngoài là xu thế tất yếu khi ranh giới giữa các nền văn hóa gần như bị xóa mờ trên không gian mạng. Tuy nhiên, giới hạn của việc sử dụng ở đâu thì chính người dùng phải ý thức được để góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Bởi "tiếng Việt còn thì nước ta còn".
Tâm Ngọc
- Liên kết tiêu thụ để nâng giá trị rau màu
- Phát triển kinh tế - xã hội: Chờ giải pháp đột phá
- Tinh gọn bộ máy chính trị: Chủ động, hiệu quả và đồng thuận
- Lãnh đạo tỉnh gặp gỡ Đoàn đại biểu tỉnh Bạc Liêu dự Đại hội đại biểu Hội LHTN Việt Nam toàn quốc lần thứ IX
- Hội thảo nâng cao chuỗi giá trị phát triển du lịch nông thôn tỉnh Bạc Liêu