Sàn diễn “hot” đưa âm nhạc dân tộc lên ngôi

Thứ Tư, 15/01/2025 | 15:44

Mới đây, trong chương trình giới thiệu các gương mặt nghệ sĩ tiêu biểu và một số cuốn sách nổi bật lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, văn học năm 2024 (do Bộ VH-TT&DL chủ trì phối hợp với UBND TP. Hải Phòng tổ chức), “Anh trai vượt ngàn chông gai” là một trong 2 chương trình được vinh danh ở hạng mục “Chương trình biểu diễn nổi bật của năm”.

Kết quả này không gây ngạc nhiên đối với những người hâm mộ và dõi theo chương trình được đánh giá là “đỉnh nóc, kịch trần, bay phấp phới”, từ những ngày đầu phát sóng đến nay.

Trống cơm “gây thương nhớ”

Nhắc đến ca khúc đầu tiên “gây thương nhớ” của “Anh trai vượt ngàn chông gai” (chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc được phát sóng trên kênh VTV3), không ai không nhớ đến nhạc phẩm “Trống cơm” của nhà Sao Sáng được trình diễn bởi bộ ba Nghệ sĩ nhân dân Tự Long, Soobin Hoàng Sơn, Cường Seven.

Một nhạc phẩm tưởng chỉ của… trẻ con và có lẽ trước đó cũng không quá nhiều khán giả mê âm nhạc chú ý, nhưng sau khi tiết mục được trình làng trên sàn diễn hot này thì mở ra một câu chuyện hoàn toàn khác! “Trống cơm” khi ấy đã đứng vị trí số 1 trên bảng xếp hạng âm nhạc thịnh hành của YouTube; điều đáng nói là suốt 1 tháng sau khi phát sóng, “Trống cơm” vẫn bền bỉ trụ hạng. Sau đó, hàng loạt những ca khúc thuộc về âm nhạc truyền thống của Việt Nam đã theo “trend” này mà làm mưa làm gió cho “Anh trai vượt ngàn chông gai” khi âm nhạc truyền cảm hứng, tôn vinh và đưa văn hóa dân tộc lên ngôi!

“Trống cơm” được trình diễn theo phong cách mới mẻ, hiện đại, cuốn được giới trẻ mà vẫn lắng sâu. Một khán giả trẻ bình luận: “Mình là một người con Bắc Bộ, tiếng trống Hội ngày Hội đình làng rước kiệu, chiếc cờ Thần, cờ Ngũ sắc là những thứ đi theo mình trong suốt những năm tháng. Nó là dân gian, nó là hình làng tiếng quê. Một điệu nhạc mới, đắp lên một chiếc áo mới cho những giai điệu cũ. Những thanh âm rất Việt Nam. Những ngôn từ hay, ý đẹp kết hợp với điệu nhạc lạ mà quen, dựa trên phổ âm dân gian cũ. Tiết mục mãn nhãn, mãn nhĩ đến bất ngờ. Rồi bất chợt, tiếng đàn bầu ngân lên “Tiếng đàn bầu của ta, cung thanh là tiếng mẹ, cung trầm là giọng cha”. Chỉ một tiếng đàn bầu thôi, ấy thế mà Việt Nam đến lạ!”.

“Anh trai vượt ngàn chông gai” được vinh danh là hiển nhiên. Concert nhạc này đi đến đâu đều cháy vé từ Nam và Bắc! Khán giả trong nước tranh nhau mua vé, “canh me” mua vé và đổ xô đi xem các nghệ sĩ “nội địa” biểu diễn, điều này trước đây gần như chỉ thấy ở những show có sự tham gia của những thần tượng nước ngoài!

Đại tá Tự Long là nghệ sĩ nhân dân duy nhất tham gia gameshow “Anh trai vượt ngàn chông gai” và với hiện tượng “gây sốt” cho nhiều tiết mục, anh cũng trở thành Nghệ sĩ truyền cảm hứng năm 2024 được Bộ VH-TT&DL vinh danh.

Tạo hình của nhà Mứt Gừng trong bản “Dạ cổ hoài lang” tại chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai”. Ảnh: Internet

Nhạc lòng “khuynh đảo” giới trẻ

“Từ là từ phu tướng, báu kiếm sắc phán lên đàng...”, giọng ca của diễn viên - ca sĩ Trương Thế Vinh ngân lên theo từng âm điệu đờn kìm làm cả khán phòng lắng đọng! Âm thanh khua vang của đao kiếm khi những chàng trai “lên đàng” chiến đấu bảo vệ non sông, và sau đó là những tiếng nấc nghẹn ngào... Tất cả đã tạo hiệu ứng cảm xúc mạnh mẽ từ sàn diễn xuống tới hàng ghế khán giả - đa số là những người trẻ tuổi.

“Anh trai vượt ngàn chông gai” từng dựng lại một lát cắt lịch sử của dân tộc thời khói lửa binh đao như thế. Đó cũng là bối cảnh của đất nước khi nhạc sĩ Cao Văn Lầu sáng tác bản “Dạ cổ hoài lang” (DCHL).

DCHL được đón nhận cuồng nhiệt trong “Anh trai vượt ngàn chông gai” một lần nữa khẳng định rằng: đâu chỉ góp mặt trong sân khấu cải lương, trên những bữa tiệc của đờn ca tài tử như trước nữa, mà DCHL hội nhập thời 4.0 này còn vươn đến những sân chơi hiện đại, chiếm lĩnh trọn cảm tình khán giả trẻ. DCHL trên sân khấu hoành tráng được đầu tư cảnh trí, đạo cụ hiện đại đến dường nào thì đọng lại sâu lắng trong lòng khán giả vẫn là âm vọng của nhịp phách, của song lang, của từng lời ca da diết mà cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu chắc hẳn đã suy tư, trầm ngâm trong cô quạnh để viết nên.

Và sự xuất hiện của DCHL cũng nhắc lại một thông điệp: “Nhạc truyền thống dân tộc không bao giờ chết. Chỉ cần truyền tải nó theo thời đại là luôn đỉnh nóc, kịch trần!”. Đây cũng là một trong những bình luận từ khán giả thưởng thức chương trình. Được cộng đồng mạng tán dương và đánh giá là một “Festival âm nhạc dân gian”, “bữa tiệc văn hóa”,  “lễ hội di sản văn hóa”, 4 tiết mục “Mưa trên phố Huế”, “Đào liễu”, “Chiếc khăn piêu” và “DCHL” của Bạc Liêu trình diễn trong một gameshow truyền hình đã làm cho âm nhạc dân tộc nâng lên một tầm cao mới - là điều chính khán giả tự cảm nhận! Trong bữa tiệc ấn tượng đó, phần trình diễn DCHL đã lột tả trọn vẹn nỗi đau chia lìa của vợ chồng, người thân trước cuộc chiến chống giặc ngoại xâm. “Cha ơi các em con đã vì nước xông pha nơi chiến trường lửa khói, dòng máu liệt oanh đã điểm tô cho trời nam được tươi sáng yên bình”, khi Bằng Kiều xuống câu vọng cổ, nước mắt lưng tròng khóe mắt nhiều khán giả... Lớp trẻ được hun đúc tình yêu Tổ quốc là từ đây chứ đâu!

Chỉ điểm lại 2 trong số rất nhiều tiết mục gây “bão” trong lòng người hâm mộ, cho thấy nhiều nghệ sĩ, diễn viên - các “anh trai” đến với sàn diễn này, hình như không phải để thi, mà là để cùng nhau lan tỏa lòng yêu nước, truyền bá văn hóa và niềm tự hào dân tộc Việt Nam

Những màn trình diễn này không chỉ thành công ở việc kết hợp văn hóa dân gian truyền thống với nét hiện đại, mà còn giúp rất nhiều người trẻ nhìn lại, hiểu biết và yêu hơn văn hóa của nước mình.

Cẩm Thúy

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.