Văn hóa - Nghệ thuật
Sân khấu cải lương và Nhà hát Cao Văn Lầu: Góp phần phát triển công nghiệp văn hóa
Trong sự phát triển mạnh mẽ của nhiều loại hình nghệ thuật biểu diễn đương đại, sân khấu cải lương (SKCL) ở Bạc Liêu có tiềm năng và dư địa để khai thác, xây dựng thành các sản phẩm, dịch vụ đặc sắc, có thể tạo nên sự bứt phá trong “sân chơi” công nghiệp văn hóa.
Nhà hát Cao Văn Lầu nhìn từ trên cao. Ảnh: H.T
Phát huy công năng Nhà hát Cao Văn Lầu
Đổi mới không gian biểu diễn và nâng cao chất lượng các vở diễn là hai yếu tố then chốt để SKCL và Nhà hát Cao Văn Lầu (NHCVL) thích ứng với bối cảnh phát triển công nghiệp văn hóa - xu hướng chung trên cả nước hiện nay.
Từ cuối năm 2018, mỗi tối thứ Bảy hằng tuần, NHCVL lại sáng đèn đón khán giả. Từng đêm diễn với những hàng ghế kín người là chứng minh khán giả chưa quay lưng với SKCL. Du khách đến Bạc Liêu nghỉ đêm, nếu được giới thiệu, sẽ chọn NHCVL với một bức ảnh check-in nơi này, hay sâu sắc hơn là bằng cảm nhận về dòng chảy cải lương hiện hữu ở xứ “Dạ cổ hoài lang”, du khách sẽ hiểu về chiều sâu văn hóa Bạc Liêu hơn!
Cuộc thi tài năng diễn viên cải lương toàn quốc năm 2023 tổ chức tại Nhà hát Cao Văn Lầu. Ảnh: C.T
Đầu tư nhiều thể tài (lịch sử, cách mạng, giả sử, đương đại...), SKCL hiện đại với đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên đã khẳng định tên tuổi ở nhiều cuộc thi như: nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Ngọc Đợi - Chuông vàng vọng cổ 2007, những huy chương SKCL chuyên nghiệp toàn quốc, giải Trần Hữu Trang qua các năm như: NSƯT Mỹ Hạnh, NSƯT Giang Tuấn, NSƯT Công Tràng, NSƯT Anh Chàng, nghệ sĩ Diễm My, Vĩnh Sơn, Hoàng Dững..., Nhà hát ngày càng phát huy công năng. Đó là chưa kể, chính Nhà hát cũng đã tự nhận nhiều thành tích như: mới đây nhất, được công nhận là điểm du lịch tiêu biểu Đồng bằng sông Cửu Long, năm 2014 được tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) xác lập là nhà hát có hình dạng 3 chiếc nón lá lớn nhất Việt Nam, năm 2022 được bình chọn Top 7 công trình kiến trúc độc đáo của Việt Nam...
Duy trì việc biểu diễn phục vụ khán giả mỗi cuối tuần là ước muốn của tất cả diễn viên, nghệ sĩ yêu nghề. Giám đốc NHCVL - Văn Công Diệp cho biết: “Việc duy trì sân khấu của Nhà hát sáng đèn vào cuối tuần là nhằm góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của SKCL, đờn ca tài tử và nhiều loại hình nghệ thuật khác của tỉnh. Ngành chức năng đã kết nối với các công ty du lịch lữ hành ngoài tỉnh để phục vụ du khách một điểm đến hấp dẫn về đêm. Phát huy những giá trị nghệ thuật bản địa đặc sắc cũng là cách quảng bá, giới thiệu hình ảnh Bạc Liêu đến với du khách gần xa”.
Lãnh đạo Nhà hát cho biết, vắng bóng một thời gian dài các suất diễn cuối tuần là do Nhà hát đang trong quá trình duy tu, sửa chữa hệ thống phòng cháy, chữa cháy để đảm bảo tốt mọi điều kiện khi hoạt động trở lại.
Nhiều vở cải lương xưa kinh điển được dàn dựng lại thu hút đông đảo khán giả đến với Nhà hát Cao Văn Lầu. Trong ảnh: Một cảnh trong vở cải lương “Băng Tuyền nữ chúa”.
Nâng chất các buổi biểu diễn
Trong đường hướng phát triển nền công nghiệp văn hóa chung của Việt Nam thì việc phát huy nghệ thuật truyền thống gắn với phát huy công năng các nhà hát, trung tâm văn hóa đang được chú trọng. Và giữa dòng chảy mạnh mẽ của nhiều loại hình giải trí, SKCL vẫn sẽ là loại hình nghệ thuật được du khách trong và ngoài nước chọn lựa với điều kiện: làm sao để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu ngày càng cao của khán giả. Đưa khán giả đến với SKCL một cách đam mê, đòi hỏi rất nhiều phía. Bản thân cải lương Bạc Liêu đã có sức hút và nơi tổ chức biểu diễn cũng phải đủ lực hấp dẫn thì SKCL kiêm nhiệm vụ làm du lịch là câu chuyện đòi hỏi vai trò người tổ chức, kết nối! Đề án Phát triển nghệ thuật SKCL Bạc Liêu giai đoạn 2021 - 2025 đi qua hơn nửa chặng đường với nhiều phần việc ít nhiều đã mang về sự khởi sắc cho SKCL thời hiện tại ở nơi này.
Theo ông Văn Công Diệp, khi NHCVL hoạt động trở lại, bên cạnh những vở cải lương thì sẽ xây dựng nhiều tiết mục hiện đại, hấp dẫn phục vụ nhu cầu và thị hiếu của nhiều đối tượng khán giả. Nhà hát biểu diễn thường xuyên sẽ là điểm đến hấp dẫn, nhất là khi đã được công nhận là điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL.
Ngoài các vở cải lương, Nhà hát Cao Văn Lầu còn phục vụ khán giả nhiều chương trình văn nghệ tổng hợp có nội dung quảng bá hình ảnh Bạc Liêu.
Giữ lửa cho SKCL, hun đúc tình yêu nghề cho đội ngũ nghệ sĩ, là nơi gìn giữ, gắn kết niềm yêu thích với một loại hình nghệ thuật truyền thống, NHCVL và SKCL Bạc Liêu vẫn cần nhiều hơn nữa sự trợ lực. Đó là sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, sự tham mưu kịp thời của ngành chức năng, nỗ lực tự thân của toàn ê-kíp (tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ...), sự hỗ trợ của các doanh nghiệp..., để duy trì thường xuyên các suất chiếu cuối tuần, giới thiệu nhiều thể loại, đóng góp tích cực vào các hoạt động văn hóa - du lịch, giúp công chúng tiếp cận, không lãng quên nghệ thuật truyền thống.
Bạc Liêu có một nhà hát bề thế (không phải địa phương nào cũng có), có đội ngũ nghệ sĩ yêu nghề, tài năng là nguồn tài nguyên để phát triển công nghiệp văn hóa. Nếu khai thác nhà hát thành một địa điểm nhiều loại hình nghệ thuật gặp gỡ nhau, trong đó đầu tư xây dựng SKCL là sản phẩm chủ lực, cùng nhiều tiện ích giải trí đi kèm như vui chơi, trải nghiệm ẩm thực, điểm check-in... thì khi ấy du khách và người dân địa phương có thêm lựa chọn làm phong phú đời sống tinh thần, thụ hưởng các giá trị văn hóa, đồng thời tạo ra nhiều giá trị và cơ hội để du lịch phát triển.
Một sân chơi văn hóa - nghệ thuật phong phú, lành mạnh, một điểm đến hấp dẫn du khách đang góp phần quảng bá giá trị và nhận diện văn hóa Bạc Liêu trong bức tranh chung Việt Nam, lan tỏa nghệ thuật truyền thống đến đông đảo công chúng…, hành trình này đòi hỏi tâm huyết và nỗ lực lớn hơn nữa từ những người liên quan. Khi ấy SKCL và NHCVL sẽ thật sự là “mỏ vàng” để tỉnh khai thác, phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa.
Cẩm Thúy
- Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Nội vụ
- Bổ nhiệm bà Đỗ Ái Ngọc giữ chức Phó Chánh Thanh tra tỉnh
- Giải bóng đá mi ni chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam
- Đảng bộ Trường cao đẳng Nghề Bạc Liêu báo công dâng Bác
- Trao chứng chỉ bồi dưỡng tiếng Khmer cho 58 học viên