Văn hóa - Nghệ thuật
“… Sống để yêu nhau”
“Có gì đẹp trên đời hơn thế/ Người yêu người, sống để yêu nhau” (Tố Hữu).
Tôi đã nhận ra điều đó rất thật trong những tháng ngày dịch bệnh COVID-19 như lũ “giặc” tấn công khắp mọi miền đất nước, và ngay trên quê hương Bạc Liêu của chúng ta.
Hội LHPN tỉnh hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân huyện Phước Long gặp khó khăn do dịch bệnh. Ảnh: H.T
Dịch đúng như giặc, COVID-19 đã tàn phá và làm thay đổi, đảo lộn cuộc sống con người khủng khiếp. Nhưng có một thứ mà dịch không thể làm thay đổi được - đó chính là tình người! Những câu chuyện đẹp làm bằng chứng cho câu “sống để yêu nhau” của người Việt Nam chưa bao giờ có dấu chấm hết, mà ngày càng đẹp hơn, cảm động hơn.
TƯƠI XANH NHỮNG TẤM LÒNG
Những ngày TP. Bạc Liêu thực hiện nghiêm việc phong tỏa vì liên tục có nhiều ca dương tính liên quan đến chùm ca lây nhiễm ở Công ty Tài chính F88, trong khi hầu hết gia đình đều đóng cửa nhà “tự thủ”, không có việc cần thiết không ra đường, thì chị Tuyết Trân - chủ Khách sạn Trần Vinh (Phường 3, TP. Bạc Liêu) lại làm công việc phân phát rau xanh cho bà con, bè bạn. Gian phòng sang trọng của nhà chị ngổn ngang với những bọc đầy ắp đã được phân loại với nhiều thứ rau củ khác nhau. Thông qua mạng xã hội, chị thông tin để mọi người biết. Đích thân chị phân phát cho người đến nhận. Chị nhắc mọi người giữ khoảng cách, bản thân luôn mang khẩu trang và thường trực chai sát khuẩn bên mình.
Sáng 6/9 - ngày đầu tiên TP. Bạc Liêu được gỡ phong tỏa, thành phố như được hồi sinh sau những ngày vất vả chống dịch. Bằng tất cả nỗ lực của chính quyền, sự hợp tác của người dân, tạm thời dịch bệnh đang được kiểm soát. Trên đường Hà Huy Tập (Phường 3, TP. Bạc Liêu), một gia đình khác cũng đang hỗ trợ rau xanh cho những người đi ngang qua đó. Với kính chống giọt bắn và khẩu trang kỹ lưỡng, người phụ nữ ân cần hỏi “anh, chị cần loại nào”, còn anh thanh niên thì liên tục nhắc nhở, yêu cầu người nhận rau đứng xa nhau 2m. Những mớ rau muống, cải xanh, đậu bắp… được chia thành từng bọc sạch sẽ, tươi xanh như tấm lòng gia chủ gửi vào đó…
Thương những người làm nhiệm vụ vất vả ngày đêm, những chị em phụ nữ ở Bạc Liêu đã gửi tặng từng đòn bánh tét, suất cơm để anh em lót dạ. Có lần, tôi đi ngang chốt kiểm soát trên đường Trần Huỳnh (Phường 7, TP. Bạc Liêu), sau khi đã kiểm tra các giấy tờ, một chiến sĩ trực chốt thân thiện nói với tôi: “Chị tranh thủ về nhà sớm, trời sắp mưa rồi”. Chỉ một câu nói rất bình thường, nhưng cho thấy sự quan tâm chân tình. Mỗi một hành động, cử chỉ - dù rất nhỏ - trong lúc dịch bệnh “oanh tạc” cuộc sống chúng ta, như tiếp cho nhau sức mạnh, tinh thần chống “giặc” trên mặt trận không tiếng súng này!
ẤM ÁP TÌNH NGƯỜI XA XỨ
Chị Kim Phượng - đồng nghiệp của tôi - vừa nhận một kiện hàng gồm nhiều loại thuốc từ Mỹ gửi về. Đó là món quà đong đầy tình cảm của một người bạn cũ của chị gửi về quê hương và nhờ chị Phượng gửi đến những ai cần. Không mua được nhiều thuốc trong một lần, chị Hằng (người gửi thuốc về) phải tích cóp nhiều ngày mới có được số thuốc đó. Chị đã gửi nhiều thùng thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19 như vậy về TP. Hồ Chí Minh, Cà Mau, Bạc Liêu. Việc chuyển hàng từ Mỹ về Việt Nam thời điểm này khó khăn vô cùng, qua bao nhiêu đợt kiểm dịch… Nhưng khó mà không khó, khi trên sự khó khăn đó là tấm lòng của một người con đất Việt xa xứ luôn hướng về cố hương, nhất là khi quê hương đang chịu nhiều tổn thương vì dịch COVID-19.
Như Bình - một người Bạc Liêu định cư ở Mỹ gần 20 năm nay - cũng canh cánh từng ngày khi hay tin quê nhà đang căng mình chống chọi với dịch. Như Bình thường xuyên liên hệ với người thân, bạn bè ở Việt Nam để thăm hỏi và hỗ trợ những người bạn đang trực tiếp ở tuyến đầu chống dịch. Bình cho biết, do có mối quan hệ trong công việc với Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Mỹ nên vợ chồng chị cùng với một nhóm cộng đồng người Việt ở Mỹ đã đóng góp để góp một phần nho nhỏ trong số trang thiết bị y tế hỗ trợ gửi về Việt Nam (cuối tháng 8 vừa qua, trên 6 tấn thiết bị y tế chống dịch đầu tiên từ Mỹ đã về tới sân bay Nội Bài).
Mỗi việc làm xuất phát từ trái tim của những người xa xứ ấy cho thấy dòng máu Việt Nam, tinh thần đoàn kết Việt Nam luôn âm ỉ nóng. Khi Tổ quốc, đồng bào cần, thì dù ở đâu, người Việt vẫn luôn hướng về đất Việt!
Những mặt hàng nhu yếu phẩm trao tận tay người đang sống trong những khu cách ly, điểm phong tỏa; những gói thuốc hỗ trợ bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng tự điều trị tại nhà với sự theo dõi chặt chẽ của nhân viên y tế, những F0 sau khi bình phục đã tham gia vào mặt trận chống dịch; những nữ điều dưỡng, nhân viên y tế tình nguyện làm người mẹ hiền săn sóc đặc biệt cho trẻ sơ sinh khi mẹ ruột các bé đang chống chọi với dịch bệnh…, tất cả đã dệt nên bức tranh thật đẹp về những trái tim Việt Nam nhân hậu, “sống để yêu nhau”, từng ngày xoa dịu nỗi đau, vượt lên khốn khó trong cuộc chiến còn dài phía trước.
CẨM THÚY