Sưu tầm, phục chế hiện vật về Bác Hồ: Việc làm ý nghĩa và nhân văn!

Thứ Sáu, 31/08/2012 | 20:12

Đã 43 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa nhưng hình ảnh vị Cha già dân tộc vẫn luôn hiện hữu trong tim những người con đất Việt. Để ghi nhớ công ơn Người và giáo dục cho thế hệ trẻ mai sau, nhiều hình ảnh, tư liệu, hiện vật về Bác đã được sưu tầm, phục chế...

Mỗi hiện vật, một câu chuyện

Giây phút Bác Hồ đứng trước hàng vạn người dân tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) để đọc bản Tuyên ngôn độc lập - ngày 2/9/1945 mãi là thời khắc thiêng liêng nhất của lịch sử dân tộc Việt Nam. Chiếc micro giúp cho tiếng nói của Bác được vang xa hơn, giúp nhân dân có thể nghe rõ hơn từng lời, từng chữ trong bài phát biểu của Bác. Để khi Bác hỏi một cách thân thương, rằng: “Tôi nói, đồng bào nghe rõ không?”, thì cả triệu triệu người có mặt và không có mặt tại Quảng trường Ba Đình lúc đó đều đồng thanh đáp “Có!”. Và chiếc micro ấy hiện đang được trưng bày tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh (xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi).

Mỗi hiện vật, tư liệu, hình ảnh là một câu chuyện cảm động về Người. Bạc Liêu có hai đền thờ lưu giữ nhiều hiện vật, hình ảnh về Bác Hồ là tại xã Châu Thới và xã Long Điền (huyện Đông Hải). Với hơn 200 hiện vật - một con số tuy không phải là nhiều, nhưng cũng là một cố gắng lớn trong việc sưu tầm, phục chế và bảo tồn để giúp nhân dân biết rõ hơn về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và tấm lòng của Người đối với đất nước.

Mô hình Bác Hồ đang tưới cây vú sữa được phục dựng ở Đền thờ Bác (xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi). Ảnh: N.V

Suốt cuộc đời Bác cống hiến cho sự nghiệp giải phóng của dân tộc, nhưng trong cuộc sống đời thường, từ bộ trang phục hàng ngày, đôi dép cao su (được cắt ra từ lốp ôtô quân sự bị quân ta bắn rơi ở căn cứ Việt Bắc vào năm 1947), đến các vật dụng Bác dùng để sinh hoạt và làm việc đều hết sức giản dị. Sau hơn 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, đến khi trở về nước Bác chỉ có vỏn vẹn 2 bộ quần áo cùng chiếc va-li đan bằng mây.

Trong số các hiện vật về Bác Hồ, có một câu chuyện cảm động về tấm lòng của người con miền Nam gửi đến Bác. Đó là bức tranh của họa sĩ Diệp Minh Châu được vẽ bằng chính máu của tác giả gửi tặng Bác vào ngày 2/9/1947. Bức tranh có hình 3 em bé thể hiện cho 3 miền Bắc - Trung - Nam chụm đầu vô chùm râu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thể hiện cho nhân dân 3 miền dưới sự lãnh đạo của Bác để có thể thống nhất đất nước, giải phóng dân tộc. Tác giả sử dụng chất liệu máu để thể hiện tình cảm của người dân Nam bộ lúc nào cũng mong muốn và đón Bác vào thăm miền Nam. Hay mô hình Bác đứng tưới nước cho cây vú sữa cũng là một minh chứng sống động thể hiện cho tấm lòng của miền Nam dành cho Người. Bà Lê Thị Sảnh (Cà Mau) gửi các chiến sĩ lần đầu tập kết ra miền Bắc một cây vú sữa để tặng Bác và Bác đã rất yêu thương nó. Bác coi đó như là máu thịt của miền Nam. Cho nên, dù có bận trăm công ngàn việc nhưng Bác cũng không quên chăm sóc cây vú sữa để nó phát triển tốt. Có hôm dự báo thời tiết thông báo sắp có gió rét, Bác đã bảo các đồng chí lấy rơm phủ để tránh rét cho cây vú sữa. Và cây vú sữa miền Nam như một minh chứng cho tấm lòng của Người đối với miền Nam.

Hãy chung tay để có Bác gần hơn

Tất cả những hiện vật nói trên đều được phục chế theo phiên bản gốc tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam và Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội). Cả Đền thờ Bác Hồ tại xã Châu Thới và xã Long Điền đều đang trưng bày các mẫu phục chế này cũng bởi Bác không sống ở miền Nam, cho nên chúng ta không thể có được bản gốc để sưu tầm và bảo tồn. Để tái hiện cả chặng đường lịch sử của Bác với mong muốn giới thiệu và giáo dục thế hệ trẻ, không cách nào khác là phải phục chế các hiện vật đó và bảo tồn tại hai đền thờ này.

Bà Phạm Thị Anh Đào - Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết: “Qua 3 đợt phục chế tại hai Bảo tàng được hơn 200 hiện vật. Còn nhiều hiện vật, mô hình về sự nghiệp cách mạng của Bác gắn liền với những hình ảnh quen thuộc trong lịch sử như: chiếc bàn đá Bác ngồi dịch sử Đảng, những chiếc tủ lớn Bác dùng để sinh hoạt trong thời chiến… chúng tôi muốn phục chế để trưng bày nhưng “lực bất tòng tâm” vì kinh phí eo hẹp. Tất cả đều chờ vào nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia”.

Phục chế hiện vật về Bác Hồ, một mặt là để giới thiệu cho nhân dân biết nhiều hơn về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người như một phương pháp giáo dục hiệu quả cho thế hệ trẻ nhớ về cội nguồn, để có động lực phấn đấu học tập và lao động. Mặt khác, có thật nhiều hiện vật để nhìn vào đó như thấy Bác đang ở kề bên chúng ta. Dẫu đơn sơ, nhỏ bé, dẫu chỉ là vật dụng sinh hoạt hàng ngày hay là một thói quen trong đời sống, nhưng nó lại trở nên thiêng liêng và ý nghĩa khi hiện vật, tư liệu đó gắn vào một câu chuyện về Người và đều đáng để chúng ta học tập.

Ngọc Trân

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.