Văn hóa - Nghệ thuật
Tàu đò một thuở…
Hổm rày đọc báo, coi tivi thấy Chính phủ đang xúc tiến con đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh đi Cà Mau; rồi đường sắt từ TP. Hồ Chí Minh đi Cần Thơ… Lại lan man nhớ về cái sự đi lại trên sông rạch một thời ở xứ Minh Hải mình. Cái thời chưa phải là xa lắm.
Ảnh minh họa: Internet
Hồi vừa tái lập tỉnh Bạc Liêu, đi công tác vào xã Châu Thới (huyện Vĩnh Lợi), từ TX. Bạc Liêu chạy xe máy tới cầu Xẻo Chích là phải gửi xe; xuống xuồng bơi thêm mấy cây nữa mới tới xã; từ xã, muốn vào thắp nhang ở Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, lại phải bơi xuồng thêm hơn 2 cây số nữa.
Đi công tác Phước Long, phải ngồi xe đò hoặc xe ôm xuống cầu Số 2, đợi ở đó để đi vỏ lãi vào thị trấn Phước Long. Bữa nay đi, mai mới có thể về lại trên TX. Bạc Liêu, vì không có phương tiện để mà đi. Con đường cầu Số 2 - Phước Long bê-tông nhựa láng o, hai bên đường đầy những luống hoa cùng phong cảnh hữu tình của nông thôn mới hiện giờ, khi ấy còn là con đường lổn nhổn “ổ gà, ổ voi”, cùng những hòn đá trơn trượt thách thức những tay lái xe “cứng cơ” nhất. Còn từ TX. Cà Mau đi Phước Long, nếu không ngồi xe đò cả buổi mới lên tới cầu Số 2 để đi vỏ lãi vô thị trấn Phước Long thì phải ra bến tàu đò kênh xáng Phụng Hiệp bên Phường 4, ngồi tàu đò Cà Mau - Ngã Bảy, Phụng Hiệp mất cả buổi trời mới ghé được bến tàu thị trấn Phước Long.
Thời Minh Hải thì ôi thôi thôi…! Từ TX. Cà Mau đi công tác huyện Năm Căn, phải ra bến tàu B từ 4 giờ sáng, ngồi tàu đò già một buổi trời. Ai xuống tàu đò sớm còn có cơ hội mướn võng nằm mà lắc lư theo nhịp võng, ngửi mùi dầu máy, mùi mồ hôi, trong tiếng máy tàu gầm gừ, tiếng con nít khóc, giữa những người và hàng nhu yếu phẩm của một thời bao cấp; chuyến về thì còn “được” ngồi chung với than đước nữa kia (!!!). Còn ai chậm chân không mướn được võng đành ngồi chịu trận phía sau tàu đò gần máy tàu đinh tai nhức óc, có lần người viết bài này còn bị cái ống xả nước nó vuột đầu ống, nó xối cho ướt mem hết. Đi công tác cả tháng trời ở 6 xã vùng Bắc của huyện Thới Bình, tiền công tác phí được cấp đầy đủ, nhưng tàu đò có đâu để mà đi. Vậy là đành lội bộ khắp những là Lâm ngư trường Sông Trẹm, Chợ Hội, Biển Bạch, Trí Phải, Tân Lộc, Ta-phà-sa… Ngày mai đi xuống xã, thì tối nay đạp phải cây đinh sét ở Huyện đoàn Thới Bình, phải lê gót chân sưng tấy vì nhiễm trùng, cà nhắc lội bộ cùng anh em Huyện đoàn, Xã đoàn, đi giữa rừng tràm nghe chim chóc hót véo von… sẽ còn mãi là hành trang kỷ niệm của người viết, về ký ức một thời.
Rồi lại nhớ những lần đi công tác Cà Mau - U Minh hồi sắp tái lập hai tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu. Khi ấy tàu đò hầu như đã được thay thế bằng vỏ lãi. Tiện thì có tiện, nhưng bất tiện thì cũng… rất là bất tiện! Là vậy đây: sắp chia tỉnh, anh em công tác chung bao năm trời “chia tay chia chân” bằng bia. Sát giờ vỏ lãi chạy mới vội vàng xuống vỏ. Vỏ chạy một hồi, khi cái “nhu cầu khó nói nhưng dễ cảm thông” nó… trỗi dậy, đi tàu đò thì còn “có chốn có nơi”. Còn đi vỏ lãi thì người ngồi đông ken, giá kể được ngồi khúc chót và gặp khi trời tối thì cũng dám… “liều mình như chẳng có” lắm!
Nhưng đang giữa ban ngày ban mặt, ai lại… Đành chép miệng thòm thèm ngồi ngó những bụi cây ven sông đang vùn vụt trôi ngược về phía sau (mỗi bụi cây ấy là cả một “thiên đường” lúc ấy, nếu như...), để mà ráng giảm thiểu tối đa những cử chỉ vận động tay chân, ráng “làm dừng làm giảm” những ý về “nó” cho nó bớt bớt… Nhưng ác nỗi, càng ráng bớt nghĩ về “nó”, “nó” lại càng… (!!!).
Xứ mình kênh rạch chằng chịt, đã nước lớn nước ròng, lại còn nước rong nước kém. Con nước lớn gặp con nước rong là nước lé đé tràn bờ, gặp thời biến đổi khí hậu, nước biển dâng là nước tràn bờ làm hư hại những con đường; con nước ròng gặp con nước kém thì cạn kiệt lòng kênh, tàu bè, xuồng ghe kể như nằm liệt chờ con nước lớn… Đường nông thôn, tuy vẫn còn những đoạn tuyến cần làm mới, cần sửa chữa vì xuống cấp; có những điểm dân cư còn đang cần những cây cầu, song việc đi lại của bà con mình và hàng hóa lưu thông đã thuận lợi hơn trước nhiều lắm rồi, đường nông thôn xe 4 bánh chạy về tới xã, đường liên ấp cũng cơ bản thuận lợi...
Ngồi viết những dòng này để nhớ về một thuở tàu đò, lại càng thấy giá trị của những con đường nông thôn ấp liền ấp, những nhịp cầu nối những bờ vui.
Nguyễn Văn Lành
- Vĩnh Long sẵn sàng cho Festival Gạch gốm đỏ lần đầu tiên
- Tổng kết, bế mạc Lễ hội, trao thưởng Giải đua ghe Ngo Sóc Trăng năm 2024
- Phát động Tháng hành động Vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2024
- Khơi dậy sức mạnh đại đoàn kết để xây dựng quê hương
- Những trăn trở của nông dân