Thành tựu 50 năm sau ngày thống nhất đất nước: Những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển văn học - nghệ thuật Bạc Liêu

Thứ Tư, 30/04/2025 | 15:26

Cùng nhau làm rõ thêm, sáng lên những thành tựu văn học - nghệ thuật (VH-NT) trên chặng đường 50 năm của một vùng đất giàu truyền thống văn hóa; đánh giá đủ và đúng những hạn chế, gợi mở giải pháp để VH-NT Bạc Liêu tiếp tục phát triển chặng đường mới, nhiệm vụ mới... Với những mục tiêu ấy, hội thảo “Thành tựu 50 năm sau ngày thống nhất đất nước: Những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển VH-NT Bạc Liêu” với nhiều tham luận tâm huyết đã mở ra toàn cảnh của bức tranh VH-NT Bạc Liêu nửa thế kỷ qua.

Đồng chí Lê Hữu Buôl - Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư Đảng ủy các cơ quan Đảng tỉnh trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tác giả/thân nhân cố tác giả có tác phẩm VH-NT tiêu biểu, xuất sắc sau 50 năm thống nhất đất nước.

“ĐỊA LINH” ĐỂ VH-NT PHÁT TRIỂN

Cùng với đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước, văn nghệ sĩ Bạc Liêu đã luôn miệt mài cống hiến, cho ra đời những “đứa con tinh thần” làm phong phú đời sống văn hóa của Nhân dân; góp phần phác họa một diện mạo VH-NT Bạc Liêu 50 năm rực rỡ, ngày càng thắm sắc. Từ đó, góp phần cổ vũ, biểu dương những nhân tố mới làm nền móng vững chắc cho sự phát triển của quê hương, làm cho diện mạo văn hóa Bạc Liêu được lan tỏa.

Thế nhưng, trước hết phải nhìn nhận về nhân tố khởi phát cho VH-NT. Từ rất xa xưa, Bạc Liêu được mệnh danh là vùng đất giàu truyền thống văn hóa. Bạc Liêu có thể là một tỉnh chưa giàu nhưng hàm lượng văn hóa đã giàu từ trong thời buổi sơ khai với truyền thống văn hóa của mình: là “cái nôi” của nghệ thuật Đờn ca tài tử, là đất của Công tử Bạc Liêu, là tỉnh muối, tỉnh lúa, thủ phủ tôm, là nơi bản “Dạ cổ hoài lang” ngân nga hơn trăm năm, và còn những điệu hò Chèo ghe, Lý con sáo, Nói thơ Bạc Liêu...

Vùng đất này còn là nơi cộng cư của 3 dân tộc anh em Kinh - Khmer - Hoa với vốn VH-NT độc đáo riêng biệt đã hòa thành nền VH-NT giàu bản sắc trên đất này.

THÀNH TỰU TỪ MẶT TRẬN VH-NT

Các chỉ thị, nghị quyết định hướng đường lối phát triển VH-NT và cũng như nhiều chính sách chăm lo cho văn nghệ sĩ chính là sự tiếp sức kịp thời cho mặt trận VH-NT ngày càng dày thành tựu.

Ở Bạc Liêu, những chỉ đạo tiếp sức cho VH-NT được phân tích sâu trong tham luận mở đầu của nhà báo Vũ Thống Nhất - nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP. Cần Thơ: “Vai trò của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Võ Văn Dũng trong sự nghiệp đẩy mạnh phát triển văn hóa làm động lực cho VH-NT phát triển tại Bạc Liêu”. Tham luận phân tích: “Việc đặt văn hóa vào vị trí trung tâm, con người là chủ thể không chỉ thể hiện tư duy đổi mới, sự năng động, nhạy bén mà còn cho thấy tầm nhìn chiến lược và bản lĩnh chính trị của người đứng đầu cấp ủy... Bạc Liêu đã nhận diện đúng, đi đúng và đón đầu đúng hướng, đúng quan điểm “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững của đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” (Nghị quyết của Trung ương Đảng khóa XI). Chủ trương này không chỉ có tác động sâu rộng đến lĩnh vực văn hóa, VH-NT mà còn góp phần thúc đẩy địa phương phát triển mạnh mẽ kinh tế, du lịch…”.

Tham luận của ông Nguyễn Văn Thanh - nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VH-NT Bạc Liêu, Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Bạc Liêu là những hồi ký đẹp đẽ về quá trình hình thành và phát triển của Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Bạc Liêu. Từ “cái nôi” là Tạp chí Văn nghệ Lúa Vàng từ năm 1960, rồi sau đó là Tạp chí văn nghệ Minh Hải, Đặc san Bán đảo Cà Mau, Tạp chí Dạ cổ hoài lang, định hình và phát triển cho đến hôm nay là Văn hóa - Văn nghệ Bạc Liêu, kể từ năm 2014. Từ mái nhà này, rất nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà nghiên cứu đã đồng hành tạo nên những trang viết - trang đời phong phú, đa dạng trên mọi lĩnh vực VH-NT, góp phần làm sáng diện mạo quê hương qua lăng kính VH-NT suốt 50 năm qua.

Tham luận của Chi hội Văn học (do Nhà văn Phan Trung Nghĩa - Chi hội trưởng chấp bút) phân tích: “Trong quá trình 50 năm VH-NT Bạc Liêu vận động phát triển, giai đoạn 2010 - 2015 là giai đoạn Tỉnh ủy Bạc Liêu đề ra chủ trương, đường lối đẩy mạnh phát triển văn hóa, lấy văn hóa làm nguồn lực phát triển. Chính từ đây, VH-NT như bắt gặp một sức sống mới từ nguồn dinh dưỡng mới nên vận động phát triển bằng một tinh thần mới, một hình thể mới rất lành mạnh, khỏe khoắn và đạt nhiều thành quả... Chính vì thế mà VH-NT thời kỳ này phát triển rực rỡ”. Vấn đề cốt lõi mà tham luận của Chi hội Văn học Bạc Liêu nêu là: Bạc Liêu là vùng đất giàu văn hóa và Bạc Liêu đã biết huy động văn hóa làm nguồn lực, làm nên sức mạnh của mình. Đó không chỉ là thực tiễn cụ thể sinh động làm cho VH-NT phát triển mà còn là thực tiễn quý báu của Bạc Liêu trong vận động phát triển trong tương lai.                                        

Đồng chí Phạm Minh Luyến - Phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tác giả có tác phẩm tiêu biểu, xuất sắc sau 50 năm thống nhất đất nước. Ảnh: N.Q

VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA

Ôn lại những thành tựu đã qua của Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ, ông Nguyễn Văn Thanh cũng gợi ý giải pháp: Tạp chí nên phát huy tối đa vai trò là nơi đoàn kết, tập hợp văn nghệ sĩ, đây là những người thấu hiểu đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và qua lăng kính VH-NT giúp đi vào đời sống một cách dễ hiểu, dễ cảm hơn. Cần tạo ra bầu không khí đồng chí, đồng nghiệp quý trọng lẫn nhau, khuyến khích nhau sáng tác. Và một yêu cầu bức bách nữa là cần phải có tác phẩm hay, tốt cho VH-NT trong thời gian tới và chú trọng đến những tác giả có tài năng.

Bạc Liêu cần phải có một hội đồng lý luận phê bình VH-NT cấp tỉnh, bởi công tác lý luận phê bình vốn hết sức quan trọng. Đây là vấn đề rất đáng quan tâm trong chiến lược phát triển VH-NT sắp tới mà nhiều tham luận đề cập.

Tiến sĩ Trần Mạnh Hùng - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường đại học Bạc Liêu, phân tích thực trạng: VH-NT tỉnh Minh Hải (Bạc Liêu - Cà Mau) từ năm 1975 đến nay chưa nhiều những tác phẩm có sức hấp dẫn lớn, những tác phẩm kết tinh ở bản thân sự đột phá trong tìm tòi nghệ thuật và những trăn trở day dứt mang tầm vóc lớn, giàu sức khái quát về cuộc sống và con người nơi đây trong khi thực tế cuộc sống không thiếu chất liệu cho văn nghệ sĩ sáng tạo; đội ngũ văn nghệ sĩ chưa nhiều các tác giả chuyên, bên cạnh đó là sự thiếu vắng của lý luận phê bình, do vậy việc đào tạo đội ngũ lĩnh vực này là yêu cầu bức xúc đặt ra do các nhà quản lý VH-NT địa phương.

Một cái nhìn bao quát cho toàn cảnh VH-NT 50 năm qua, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VH-NT Bạc Liêu - Đỗ Ngọc Ẩn cho rằng, VH-NT Bạc Liêu được vận động trong một không gian, một môi trường văn hóa lịch sử và một bàn tay chăm chút của Đảng và Nhà nước. Đó chính là tiền đề, là cơ sở vững chắc tạo ra nguồn cảm hứng khơi dậy mọi tiềm năng sáng tạo của văn nghệ sĩ. Chính vì thế VH-NT Bạc Liêu vận động, trôi chảy bằng một hình hài lành mạnh, khởi sắc 50 năm qua, kiên định với mục tiêu và lý tưởng của Đảng: cống hiến cho lợi ích tối cao Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, đồng hành mạnh mẽ cùng dân tộc, cùng quê hương Bạc Liêu.

Nghị quyết 33 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước” đã chỉ ra vai trò, nhiệm vụ của VH-NT và văn nghệ sĩ trên mặt trận tư tưởng, góp phần xây dựng tâm hồn, nhân cách con người. Đó là nhiệm vụ của VH-NT Bạc Liêu sắp tới. Và những bóc tách từ chặng đường 50 năm qua với những thành tựu nổi bật cùng những hạn chế được thẳng thắn chỉ ra, sẽ là cơ sở cho VH-NT nhìn lại chính mình để bước tiếp chặng đường phía trước với những dấu ấn rực rỡ hơn.

Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.