Thế hệ mầm non lưu giữ văn hóa dân tộc Khmer

Thứ Hai, 02/09/2024 | 14:40

Trong bối cảnh hiện đại hóa và hội nhập, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc - nhất là các dân tộc thiểu số (DTTS) trở thành một nhiệm vụ quan trọng. Trong hành trình này, thế hệ “mầm non” đang đóng vai trò như nhịp cầu kết nối giữa quá khứ và tương lai, kế thừa giữ gìn văn hóa dân tộc từ thế hệ cha ông. Hai anh em họ: Thạch Ngọc Hữu và Thạch Thị Chanh Đa ở huyện Vĩnh Lợi là những mầm non tiêu biểu, đã và đang góp phần làm rạng rỡ nền văn hóa của dân tộc Khmer.

Em Thạch Thị Chanh Đa (áo hồng) trong một lần biểu diễn tại chùa.

Học múa từ thưở lên 3

Thạch Thị Chanh Đa, cô bé 12 tuổi (lớp 6, Trường THCS Hưng Hội) mang trong mình niềm yêu thích với nghệ thuật dân tộc, đã trở thành một gương mặt quen thuộc trong các buổi biểu diễn các điệu múa truyền thống Khmer. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật lâu đời, Chanh Đa sớm bộc lộ niềm đam mê mãnh liệt với các điệu múa truyền thống. Ngay từ khi còn nhỏ, em đã được mẹ, nghệ sĩ múa Thạch Thị Ngọc Phượng - một diễn viên múa có tiếng của Đoàn cải lương Cao Văn Lầu hướng dẫn những động tác đầu tiên cũng như vun đắp dần tình yêu, niềm đam mê với các điệu múa dân tộc.

Mới chỉ 12 tuổi, Chanh Đa đã có 9 năm học múa, thành thạo các điệu múa cổ điển cung đình và các điệu múa dân gian Khmer. Các bước chân của em không chỉ điêu luyện mà còn mang theo nét tinh hoa văn hóa dân tộc, được truyền tải một cách tinh tế và đầy cảm xúc. Em thường xuyên tham gia biểu diễn trong các lễ hội văn hóa của cộng đồng, đặc biệt là các lễ dâng y cà sa tại chùa, Tết Chôl-Chnăm-Thmây,... Những dịp này không chỉ giúp Chanh Đa thể hiện khả năng, mà còn là cơ hội để em góp phần gìn giữ và phát huy những nét đẹp cổ truyền của dân tộc mình.

Không dừng lại ở việc biểu diễn trong cộng đồng, Chanh Đa đã ghi dấu ấn tại nhiều cuộc thi nghệ thuật trong và ngoài tỉnh. Năm 2024, em tham gia Liên hoan Búp sen hồng tại Phú Yên và Hội diễn “Tiếng hát hẹn hò 9 dòng sông” lần thứ XIX năm 2024 và xuất sắc giành giải Bạc, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong sự nghiệp nghệ thuật của mình. Trước đó, năm 2023 Chanh Đa đã đạt giải Khuyến khích tại cuộc thi Tài năng nhí và hiện đang tiếp tục thử sức ở vòng chung khảo của cuộc thi này năm 2024 do Nhà thiếu nhi Phùng Ngọc Liêm (Tỉnh đoàn Bạc Liêu) tổ chức.

Tuy đam mê nghệ thuật, Chanh Đa không lơ là việc học. Em duy trì thành tích học sinh xuất sắc suốt 5 năm liền trong cấp tiểu học, là niềm tự hào của gia đình và thầy cô. Bên cạnh đó, em còn biết đọc và viết chữ Khmer, nhờ vào chương trình học song ngữ tại trường và sự dạy dỗ tận tình của bà ngoại. Việc học chữ Khmer không chỉ giúp Chanh Đa nắm vững ngôn ngữ mẹ đẻ, mà còn là cách để em kết nối sâu sắc hơn với văn hóa truyền thống của dân tộc.

Em Thạch Ngọc Hữu được cha hướng dẫn sử dụng đàn Rôneat-et.

Nhạc công nhí

Nếu như Chanh Đa tỏa sáng trong lĩnh vực múa, thì người anh họ - Thạch Ngọc Hữu (Trường tiểu học Trần Quốc Toản) lại nổi bật với khả năng âm nhạc. Ở tuổi lên 8, Ngọc Phú đã gây ấn tượng khi có thể chơi thành thạo ba loại nhạc cụ Khmer truyền thống. Cũng như em họ, khi mới 3 tuổi, Ngọc Phú đã được cha - nhạc công Thạch Ngọc Hiền (Đoàn cải lương Cao Văn Lầu) dạy dỗ và hướng dẫn cẩn thận. Điều này đã giúp cậu bé nhanh chóng tiếp thu và làm chủ các nhạc cụ khó chơi, như đàn Rôneat-et, trống Sakho Thum, và Kung Thum. Những âm thanh mà Ngọc Phú tạo ra không chỉ mang đến niềm vui cho bản thân em mà còn là niềm tự hào cho gia đình và cộng đồng.

Bên cạnh việc chơi nhạc, Ngọc Hữu còn biết thực hiện những điệu nhảy truyền thống như nhảy chằn, nhảy khỉ - những điệu nhảy thể hiện sự khỏe khoắn và tinh thần dũng cảm của người Khmer. Khả năng của em trong việc tiếp thu và trình diễn các yếu tố văn hóa truyền thống là minh chứng cho việc dù còn nhỏ tuổi, Ngọc Hữu đã thấm nhuần và tiếp thu nhiều giá trị văn hóa của dân tộc mình.

Không chỉ dừng lại ở việc học nhạc cụ, Hữu cũng đang theo học chữ Khmer tại Trường tiểu học Trần Quốc Toản. Việc học chữ Khmer giúp em hiểu sâu hơn về văn hóa và lịch sử của dân tộc. Với sự hướng dẫn của cha và sự hỗ trợ từ gia đình, Ngọc Hữu không chỉ giỏi về âm nhạc mà còn đang dần tiếp nhận được những giá trị cốt lõi của người Khmer thông qua ngôn ngữ.

Sự kế thừa và phát huy văn hóa Khmer nhìn từ hành trình của hai anh em Thạch Ngọc Hữu và Thạch Thị Chanh Đa đã chứng thực tầm quan trọng của việc nuôi dưỡng và giáo dục văn hóa truyền thống trong gia đình và cộng đồng. Sự thành công của Chanh Đa trong lĩnh vực múa và Ngọc Hữu trong âm nhạc không chỉ là thành quả của khả năng cá nhân mà còn là kết quả của sự giáo dục từ gia đình và những nỗ lực không ngừng nghỉ của các em trong việc học tập và thực hành.

Trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng, việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống là điều cần thiết để bảo vệ, làm giàu bản sắc dân tộc. Những mầm non như Chanh Đa và Ngọc Hữu đang kế thừa xứng đáng, truyền lửa cho các các bạn đồng trang lứa. Hai em không chỉ bảo tồn mà còn làm phong phú thêm nền văn hóa Khmer, góp phần xây dựng một nền văn hóa dân tộc đầy đầy tự hào. Câu chuyện của hai anh em nêu trên không chỉ là niềm tự hào của gia đình, mà còn là đại diện cho một thế hệ trẻ Khmer đầy triển vọng.

Bài, ảnh: Thanh Mai

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.