Văn hóa - Nghệ thuật
Tiếp sức sống cho văn hóa Khmer
Được sáng tạo và giữ gìn trong đời sống cộng đồng, nhiều loại hình văn hóa phi vật thể của đồng bào Khmer có giá trị rất độc đáo nhưng cũng không tránh khỏi nguy cơ “mất sức”, thậm chí mai một bởi sự tác động mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường và xu thế hội nhập văn hóa. Điều này đã và đang đặt ra bài toán cho các địa phương trong nước, trong đó có Bạc Liêu về việc tìm lời giải hiệu quả nhằm “hồi sức” cho văn hóa Khmer truyền thống.
NỖ LỰC GIỮ SỨC SỐNG CHO BẢN SẮC VĂN HÓA
Năm 2024, Ban Kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể tỉnh được UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch kiểm kê di sản đối với các đối tượng gồm: Ngữ văn dân gian (sử thi, ca dao, tục ngữ, dân ca…), tiếng nói và chữ viết của 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa. Tổ chức kiểm kê tại các huyện và thị xã trên địa bàn tỉnh, các tổ chuyên môn đã dùng nhiều phương pháp như: phỏng vấn, ghi chép, ghi âm, chụp ảnh, quay phim… để thực hiện thu thập thông tin về tên gọi, loại hình, địa điểm, đặc điểm và cách thức bảo tồn di sản của chủ thể.
Riêng văn hóa phi vật thể của đồng bào Khmer, nhóm kiểm kê ghi nhận được nhiều tư liệu quý về việc giữ gìn chữ viết tại các chùa Khmer. Đơn cử là tại chùa Hộ Phòng cũ (phường Hộ Phòng, TX. Giá Rai), Ban quản trị nhiều đời luôn quan tâm đến bảo vệ chữ viết bằng việc ghi chép, lưu trữ tư liệu về ngôi chùa trên giấy, lá buông… Nhờ đó, những tư liệu về lịch sử hình thành, phát triển, các lễ hội văn hóa của chùa được lưu truyền, thông tin đến người dân và phục vụ tốt cho công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh. Ngoài ra, trong những năm qua, chùa còn nỗ lực giữ gìn sức sống chữ Khmer thông qua việc mở lớp dạy chữ cho chư tăng, trẻ em trong phum sóc.
Nghệ thuật dù kê dù đã có lịch sử hình thành hơn 1 thế kỷ trên vùng đất Nam Bộ, song loại hình này vẫn thuộc diện có nguy cơ mai một. Tại Bạc Liêu, dù kê do Đoàn nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu dàn dựng, biểu diễn phục vụ cơ sở từ 1 - 2 vở vào mỗi năm. Tuy được người dân ở các phum sóc yêu thích và thưởng thức khá đông đảo, thế nhưng công tác bảo tồn và phát huy giá trị dù kê đang gặp khó do thiếu kinh phí dàn dựng, thiếu người viết kịch bản lẫn lớp diễn viên kế thừa.
Những nghệ nhân giàu kinh nghiệm cần được phát huy vai trò để truyền dạy kỹ thuật trình diễn cho thế hệ trẻ.
PHÁT HUY HIỆU QUẢ CÁC NGUỒN LỰC
Mới đây, Bộ VH-TT&DL ban hành Kế hoạch hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một ở một số tỉnh Tây Nguyên, Tây Bắc. Dù không thuộc đối tượng được thụ hưởng chính sách này, song các địa phương, trong đó có Bạc Liêu có thể tham khảo, vận dụng những giải pháp của Kế hoạch vào tình hình thực tiễn.
Cụ thể, tỉnh nên tổ chức tập huấn các chuyên đề về: Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào Khmer, trong đó chú trọng bảo tồn các loại hình văn hóa đặc trưng như: dù kê, múa khỉ ngựa, múa trống chhay-dăm, làm bánh dân gian… Bên cạnh đó, phát huy vai trò của nghệ nhân trong truyền dạy kiến thức, kỹ thuật trình diễn nghệ thuật truyền thống; tổ chức chụp ảnh, quay hình dựng phim tư liệu về quá trình bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa Khmer để phục vụ công tác lưu trữ, chuyển đổi số văn hóa.
Để tăng cường việc bảo tồn và gìn giữ văn hóa truyền thống trong tình hình hiện nay, việc phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của Nhà nước, xã hội và cộng đồng là cần thiết và cấp thiết. Không những giúp văn hóa phi vật thể của đồng bào Khmer giữ được sức sống bền lâu, việc làm này còn nâng cao nhận thức, phát huy vai trò chủ thể văn hóa của các nghệ nhân, già làng, người có uy tín và đồng bào dân tộc ở các phum sóc.
HỮU THỌ
- Tặng 200 suất quà cho người dân, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trước thềm năm mới 2025
- TP. Bạc Liêu: Tuyên truyền cá biệt thanh niên vi phạm luật giao thông
- Thăm và hỗ trợ tiền đợt 2/2024 cho thương binh Huỳnh Tấn Sĩ
- Siêu thị Co.opmart Bạc Liêu tổ chức chương trình rút thăm may mắn
- Bộ KH-ĐT: Tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 ước đạt khoảng 6,8 - 7%