Tìm hướng đưa nghệ thuật truyền thống đến với khán giả

Thứ Hai, 31/03/2025 | 16:02

Các đơn vị nghệ thuật chuyên lẫn không chuyên của tỉnh, các huyện đang hoạt động trong điều kiện khá khó khăn khi kinh phí đầu tư hạn hẹp, cơ sở vật chất không đáp ứng, nguồn nhân lực bị thiếu hụt… Dẫu vậy, việc đưa nghệ thuật nói chung, nghệ thuật truyền thống nói riêng vẫn đang được nỗ lực bằng nhiều cách nhằm “tắm tưới” đời sống tinh thần của Nhân dân, góp phần bảo tồn những di sản văn hóa độc đáo của dân tộc.

ĐỔI MỚI ĐỂ GIỮ CHÂN KHÁN GIẢ

Từ gần cuối năm 2024 đến nay, Nhà hát Cao Văn Lầu - điểm hẹn thưởng thức nghệ thuật của khán giả trong tỉnh, du khách mỗi dịp tối cuối tuần phải tạm đóng cửa vì lý do sửa chữa. Chưa xác định thời gian chính thức sẽ mở cửa trở lại, tuy nhiên Nhà hát không muốn kéo dài việc ngừng đưa nghệ thuật truyền thống đến với công chúng. Vì vậy, thời gian gần đây, đơn vị đã dựng một sân khấu “dã chiến” để kéo chân khán giả đến thưởng thức.

Cũng vào tối thứ Bảy hằng tuần, chương trình “Về miền Dạ cổ” được diễn ra tại không gian mở trước sảnh Nhà hát đã ngay lập tức thu hút khá đông người xem. Ngoài những khán giả lớn tuổi, những đêm diễn gần đây còn bất ngờ đón những bạn trẻ thuộc thế hệ gen Z. Có được tín hiệu vui này, ngoài việc dàn dựng sân khấu chỉn chu thì Nhà hát đã có sự đổi mới về nội dung chương trình. Những trích đoạn cải lương với thời lượng dài được thay bằng những phân đoạn tiêu biểu, nhiều tình tiết kịch tính. Bên cạnh đó, chương trình của Nhà hát cũng có sự điều chỉnh hài hòa giữa suất diễn về cải lương thuộc thể loại tuồng cổ với đề tài xã hội, cách mạng nên được nhiều đối tượng khán giả đón nhận vì ít gây nhàm chán. Đặc biệt, với việc tạm đóng cửa nên Nhà hát đã tăng cường suất diễn phục vụ vùng sâu, vùng xa để nghệ thuật truyền thống lan tỏa trong đời sống văn hóa của người dân.

Tương tự, Trung tâm Văn hóa tỉnh cũng đổi mới nội dung các chương trình nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị. Ngoài những ca khúc mang ý nghĩa tuyên truyền, cổ động thì đơn vị còn lồng thêm những sáng tác mang âm hưởng dân ca, truyền thống kết hợp với hiện đại. Bên cạnh đó, Trung tâm còn phục vụ những tiểu phẩm kịch có đề tài gần gũi với người xem như: bạo lực học đường, xây dựng nông thôn mới…

Khán giả thưởng thức chương trình “Về miền Dạ cổ” trước sảnh Nhà hát Cao Văn Lầu. Ảnh: H.T

TRỢ LỰC CHO NGHỆ THUẬT THĂNG HOA

Theo một ca sĩ có nhiều năm gắn bó với Trung tâm Văn hóa tỉnh thì thù lao của các ca sĩ, diễn viên, nhạc công, hậu đài tham gia chương trình biểu diễn hiện vẫn ở mức thấp. Riêng ca sĩ, thù lao trả cho mỗi buổi tập là 60.000 đồng và cho buổi biểu diễn là 80.000 đồng. Ca sĩ diễn nhiều bài hay một bài đều được hưởng mức thù lao như nhau. Chưa hết, những chương trình phục vụ các sự kiện quan trọng thì bị giới hạn số buổi tập luyện không quá 10 buổi. Thế nhưng, không ít lần các ca sĩ, diễn viên của Trung tâm phải tập vượt khung quy định trên để chương trình đạt chất lượng cao nhất.

Hay với Đoàn nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu, tình trạng thiếu kinh phí đầu tư cho tác phẩm, nhất là kịch bản sân khấu dù kê, đội ngũ nhân lực thiếu tính kế thừa, trang thiết bị xuống cấp nghiêm trọng đã kéo dài khiến cho hoạt động phục vụ khán giả hết sức khó khăn. Thậm chí, đoàn nhiều lần phải thuê cộng tác viên, thuê xe đi phục vụ ở cơ sở để duy trì việc bảo tồn, lan tỏa nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

Những cán bộ quản lý, nghệ sĩ, diễn viên dù yêu nghề, hết lòng với nghệ thuật đến đâu thì cũng khó lòng sáng tạo ra những tác phẩm chất lượng cao, nhất là trong bối cảnh nghệ thuật truyền thống chịu sức ép lớn trước các loại hình nghệ thuật hiện đại. Chính vì vậy, sự quan tâm đầu tư thỏa đáng về nhân lực, vật lực, chính sách đãi ngộ là vô cùng quan trọng giúp nghệ thuật dân tộc vượt qua những khó khăn, thách thức để tiếp tục thăng hoa.

HỮU THỌ

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.