Văn hóa - Nghệ thuật
Tình muối - Tìm trong báo cũ
Thường thì sau khi hoàn thành và gửi đi một đôi bài viết cuối năm, tôi hay lục tìm báo xuân cũ đem ra đọc. Đọc để thưởng thức lại báo xuân năm cũ bên thềm năm mới; đọc để tìm kiếm tư liệu và ý tưởng cho chuyện viết lách như cái duyên nợ đâu từ hồi kiếp trước; đọc trong tâm thế đón chờ hít hà cái mùi thơm thơm của mực mới, giấy mới ở những tờ báo xuân năm mới.
Năm nay (2025), do có chủ ý trước, tìm tòi ấy tập trung vào chủ đề Muối trên báo Bạc Liêu Xuân qua các năm. Ngay từ số đầu tiên sau ngày tái lập tỉnh - Xuân Đinh Sửu 1997, Lời ngỏ đầu xuân của Ban Biên tập đã hò hẹn những dòng: “Chúng ta tuy quen nhau chưa bao lâu nhưng ngay từ mùa Xuân này, những người làm báo Bạc Liêu sẽ là người đồng hành với bạn đọc, cùng vui, cùng lo với bạn đọc. Sẽ còn bao trăn trở, lo toan nhưng Báo Bạc Liêu cố gắng sẽ là nhịp cầu cùng sẻ chia cùng các bạn. Là một cơ quan ngôn luận của Đảng, Báo Bạc Liêu đem tiếng nói của Đảng đến khắp mọi nhà. Và bạn đọc đang nghĩ, lo gì? Báo Bạc Liêu cố gắng sẽ là nơi bày tỏ những tâm tư, nguyện vọng ấy. Dòng thông tin hai chiều ấy sẽ tạo nên sức mạnh, nguồn năng lượng mới để chúng ta vững vàng đi tới tương lai”.
Lần theo câu hẹn câu hò, gặp ngay tình muối.
Tình muối từ những lời hò hẹn…
Hơn trăm năm phát triển, hạt muối Bạc Liêu đã gắn chặt với đất và người xứ này như một phần không thể thiếu, nên giai phẩm Xuân của tờ báo mang tiếng nói của Đảng bộ và Nhân dân Bạc Liêu chắc chắn phải nói về muối rồi. Cả trang 10 của số báo Xuân đầu tiên ấy dành cho bài “Hạt muối lên ngôi” (Trọng Duy). Bài báo cho hay đời sống của một số hộ diêm dân xã Vĩnh Thịnh bước đầu khá giả nhờ khôi phục và phát triển nghề muối - một nghề có từ lâu đời ở Vĩnh Thịnh. Bài báo khép lại bằng câu hỏi “liệu hạt muối sẽ lên ngôi được bao lâu?” và kết thúc bằng nguyện vọng của bà con diêm dân, mong sao muối “được giá”, người làm muối sống được bằng nghề muối.
Ghi chép của Trần Hải Minh trong bài “Bạc Liêu muối mặn”, trang 8 báo Bạc Liêu Xuân Tân Tỵ 2001 báo tin vui: “Bộ NN&PTNT vừa chính thức phê duyệt dự án quy hoạch sản xuất nghề muối ở xã Long Điền Tây với tổng số vốn 25 tỷ đồng, thời gian hoàn thành của dự án trong 36 tháng, kể từ niên vụ muối 2000 - 2001”. Trên trang 30 báo Bạc Liêu Xuân Bính Tuất 2006, trong bài báo “Chút tâm tình với hạt muối Bạc Liêu” của Hữu Thái có đoạn kể của soạn giả Ngô Hồng Khanh về lần đi thực tế và cái duyên sáng tác bản vọng cổ “Biển cạn”: “Tôi được đưa về Gành Hào, đi xem những chiếc thuyền nặng cá tôm sau những chuyến đánh bắt xa bờ, những vựa cá quy mô, nhiều đặc sản xứ biển… Nhưng tự dưng tôi lại chỉ để ý đến… muối. Tôi bảo mấy anh đi cùng: “Các anh viết gì thì viết, tôi viết muối!!!”. Muối chính là biển, con người lấy sức mình đem biển sâu lên thành biển cạn”. Để rồi lòng người cũng hòa vào tình biển: “Cá kèo kho muối Bạc Liêu, lấy chồng quê biển thêm yêu Gành Hào. Con tôm biển khơi về đây ôm ruộng muối. Ai nỡ bỏ quê nghèo đi lấy chồng xa!...”.
“Thương lắm muối ơi” của tác giả Kim Trên trên báo Bạc Liêu Xuân Mậu Tý 2008 chất chứa niềm vui lẫn nỗi lo: “Chưa bao giờ diêm dân lại phấn khởi như năm nay, khi giá muối cao ngất ngưởng trong vòng 7 năm qua. Nhiều diêm dân vốn một thời lận đận vì hạt muối, nay bỗng đổi đời, trở thành tỷ phú. Mừng thì mừng vậy, nhưng đi cùng niềm vui trúng giá là thấp thỏm nỗi lo. Rồi không biết diêm dân có còn thương muối nữa hay không khi diện tích sản xuất muối cứ teo dần và những người vốn một thời mặn tình với muối phải xa xứ mưu sinh”. Báo Bạc Liêu Xuân Đinh Dậu 2017 kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh Bạc Liêu, tác giả Châu Minh có bài “Nâng tầm hạt muối Bạc Liêu”, cho biết tỉnh đã và đang tái cơ cấu ngành muối để nâng chất và tạo điều kiện cho hạt muối Bạc Liêu vươn ra thị trường thế giới.
Ngỡ ngàng vui khi giai phẩm Bạc Liêu Xuân Giáp Thìn 2024 “trình làng” với trang bìa ảnh một cô gái Bạc Liêu mặn mà, tươi xinh bên ruộng muối. “Tình muối” chính là chủ đề của giai phẩm Xuân năm này. Có đến 5 bài báo xuân về muối. Bài “Mơ một bức tranh toàn diện cho muối Bạc Liêu” của tác giả Chí Linh bày tỏ nỗi mong ước nâng tầm hạt muối - muối Bạc Liêu phát triển và diêm dân có cuộc sống tốt hơn, bài “Tình muối” của tác giả Nhã An thì đề cập đến đau đáu nỗi niềm hạt muối và khuyến cáo của vị Tư lệnh ngành Nông nghiệp về việc phải mở rộng không gian tư duy về hạt muối, sản phẩm muối và ngành hàng muối; chuyển từ tư duy sản xuất muối sang tư duy kinh tế muối. Cũng nặng tình với muối, bài báo “Trót yêu Bạc Liêu” của tác giả Cẩm Huyền ở trang 54 đề cập đến khuyến nghị của TS. Ngô Kiều Oanh định vị lại giá trị cho hạt muối nâu hồng và cây rau sam biển, cùng với việc lập nên “Làng du lịch thông minh” giúp diêm dân thoát khỏi vòng vây đói nghèo. Còn tác giả Minh Toàn thì nhân cách hóa hạt muối, đặt hạt muối vào đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất số ít để tự kể về chính cuộc đời mình - đời muối, dẫn người đọc bước vào cuộc du ngoạn hấp dẫn về hạt muối, nghề làm muối và người làm muối trong tùy bút “Đời muối” đầy day dứt.
Ảnh: T.L
Và “đơn hàng” của diêm dân…
Những bài báo về muối trên các giai phẩm Bạc Liêu Xuân luôn đậm đà tình muối của diêm dân, của những người nặng lòng với đặc sản quê hương. Trong những bài báo, hình ảnh ấy đều khắc khoải niềm mong muốn của người làm muối qua bao đời gắn bó với đồng đất mặn. Nguyện vọng của người làm muối Bạc Liêu hiện giờ là được quan tâm đầu tư để phát triển nghề làm muối và sống được với nghề làm muối. Tuy nhiên, phương pháp sản xuất nào phù hợp với hướng đi chung của ngành muối Việt Nam nhưng cũng phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh Bạc Liêu lại đang có nhiều ý kiến trái chiều! Có ý kiến cho rằng, nếu mục đích sản xuất muối ở Bạc Liêu là để cung cấp cho thị trường thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm… thì nên đầu tư sản xuất muối theo phương pháp truyền thống vốn đã làm nên thương hiệu Muối Ba Thắc trứ danh. Khắt khe như thị trường Nhật Bản còn chọn muối Bạc Liêu của Việt Nam sử dụng làm muối ăn kia mà! Nhưng cũng có không ít ý kiến “chê” hạt muối được làm ra từ phương pháp truyền thống màu không đẹp, khó bán, không được giá bằng muối trắng được làm ra theo cách kết tinh trên những tấm bạt nhựa.
Để vừa giữ vững thương hiệu Muối Bạc Liêu, duy trì và phát huy giá trị của các làng nghề truyền thống, vừa đáp ứng nhu cầu của kinh tế thị trường, đang rất cần câu trả lời của các chuyên gia, các nhà khoa học, các cơ quan quản lý, rằng diêm dân nên theo hướng nào để theo đó mà làm. Còn thì, để phát triển du lịch gắn với các làng nghề muối truyền thống, chắc chắn sẽ phải đầu tư cho những cánh đồng muối duy trì phương pháp sản xuất muối truyền thống, nơi những hạt muối mặn mòi mang nặng phù sa được kết tinh ngay trên nền đất phù sa, như cách làm của ông bà xưa giờ. Gợi mở của TS. Ngô Kiều Oanh về một cuộc nên duyên giữa muối nâu hồng (sản xuất theo phương pháp truyền thống) và cây sam biển cùng mô hình làng du lịch thông minh, du lịch chăm sóc sức khỏe mang tầm khu vực và quốc gia, quốc tế tại Bạc Liêu là câu chuyện cần được “chốt mối”… Tất cả hướng đến mục tiêu người làm muối ở Bạc Liêu có thu nhập tốt hơn bằng chính nghề làm muối; ngành muối Bạc Liêu có đóng góp cao hơn trong quy mô kinh tế chung của tỉnh; nghề làm muối truyền thống ở Bạc Liêu tiếp tục phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
“Đơn hàng” của diêm dân chính từ điều ấy. Ý Đảng - lòng Dân cũng chính là điều ấy.
Khép lại bài “điểm báo xuân” với chủ đề về muối, xin trích dẫn câu của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Lê Minh Hoan cho những dòng kết thúc: “Trong bộn bề cuộc sống, con người dễ quên đi những di sản văn hóa đã từng thấm vào máu thịt, tâm hồn, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Bảo tồn các di sản văn hóa không phải phục vụ hội hè mà tạo ra, cộng hưởng thành giá trị chung để quảng bá và hơn hết là phát triển thương hiệu Muối”.
Hai Thúy